Báo Điện tử Gia đình Mới

29 tuổi, tôi sở hữu tài sản hơn 1 tỷ đồng nhờ áp dụng những 'nguyên tắc vàng' khác biệt

Khả năng chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư vào các mục đích khác là điều "bất khả thi" với mức lương ấy. Nhưng tôi đã và đang áp dụng những nguyên tắc này rất thành công.

Xuất phát điểm của tôi không hề thuận lợi như bao bạn bè đồng trang lứa, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của phường. Bởi thế, tôi đã xác định là mình phải tự vươn lên bằng chính con đường học vấn.

Và việc chọn học ngành sư phạm Ngữ văn năm ấy là một quyết định sáng suốt của tôi. Vì sinh viên sư phạm sẽ không cần đóng học phí, mỗi học kì sẽ có những suất học bổng cho sinh viên đạt thành tích xuất sắc. Và chính nó cũng là mục tiêu mà tôi luôn nỗ lực vươn đến trong suốt thời gian học tập tại trường.

Bước ngoặt của cuộc đời

Năm 2013 tôi tốt nghiệp với vị trí thủ khoa và phải đối mặt với hàng tá câu hoài nghi như: "Sinh viên sư phạm tốt nghiệp khó đi dạy", "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", "Tốt nghiệp sư phạm xong cũng sẽ thất nghiệp", "Không có ai quen thân trong ngành thì khó xin vào trường lắm"...

Đúng là không dễ xin việc nhưng không phải là không thể! Trong năm đó, tôi đăng kí thi viên chức do thành phố Nha Trang tổ chức và tôi đã "tự thân vận động" với kết quả xếp thứ 2. Tôi đã được nhận nhiệm sở ở một ngôi trường trung học cơ sở gần nhà.

  Ảnh tôi tốt nghiệp ra trường.

Ảnh tôi tốt nghiệp ra trường.

Đó không chỉ là may mắn nhất thời, mà còn là lời khẳng định dành cho những bạn sinh viên đang theo học các ngành sư phạm: Cơ hội vẫn luôn rộng mở với ngành nghề của chúng ta. Nếu các bạn thực tài thực giỏi thì vẫn sẽ có một vị trí xứng đáng dành cho các bạn.

Những thành công bước đầu đã tạo tiền đề cho tôi thực hiện những kế hoạch chi tiêu của bản thân. Về khoản xăng xe thì tôi đã tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng hàng tháng, vì quãng đường từ nhà đến trường tôi dạy chỉ khoảng 3km. Thỉnh thoảng có những buổi dạy sau tiết 2, tôi lại chọn phương tiện là chiếc xe đạp để di chuyển, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần bé nhỏ trong việc giảm lượng khí thải ra môi trường.

Có thể nói, lương giáo viên không hề cao, nhất là với những bạn sinh viên mới ra trường như tôi. Hiện sau gần 8 năm đi dạy, mức lương của tôi hiện tại chỉ dưới 5 triệu đồng. Khả năng chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư vào các mục đích khác là điều "bất khả thi" với mức lương ấy. Nhưng tôi đã và đang áp dụng những nguyên tắc này rất thành công.

'Nguyên tắc 2+' và những khoản thu nhập khác 

Các nhà đầu tư kinh doanh vẫn hay nói: "Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ"; "Đừng bao giờ phụ thuộc vào nguồn thu nhập duy nhất. Hãy đầu tư để tạo ra nguồn thu nhập thứ hai". Và chính tỉ phú Warren Buffett cũng đã từng nói “Không bao giờ thử độ sâu của dòng sông bằng cả hai chân”.

  Tôi đạt giải nhất ở một cuộc thi viết cấp tỉnh.

Tôi đạt giải nhất ở một cuộc thi viết cấp tỉnh.

Từ đó, tôi tự đúc rút ra "nguyên tắc 2+" cho riêng mình. Một là công việc chính mình đang làm. Hai là công việc làm thêm. Còn "+" chính là những khoản thu nhập hợp pháp khác mà tôi có thể làm ra vào những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Thứ nhất, viết bài cộng tác với báo chí: Đây được xem là một sở trường rất cơ bản đối với một sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn. Bởi công việc này khai thác tối đa khả năng sử dụng và vận dụng ngôn ngữ của bản thân vào trong việc viết lách. Những mẩu tin tức về các hoạt động giáo dục được tôi gửi cộng tác với chương trình FM Sinh viên Khánh Hòa.

Những bài phân tích chuyên sâu, phản biện về các khía cạnh văn hóa, thể thao, xã hội, nhịp sống trẻ... được tôi chăm chút kĩ lưỡng để gửi các báo lớn và uy tín ở Việt Nam. Hoặc các tản văn, truyện ngắn, câu chuyện truyền thanh do tôi sáng tác cũng được đăng tải thường xuyên.

Ngoài ra, tôi còn nhận lời làm MC cho một chương trình trên sóng phát thanh. Khoản nhuận bút hàng triệu đồng mỗi tháng có khi còn hơn cả số tiền lương mà tôi nhận được cũng là động lực để tôi đầu tư "chất xám" hơn.

  Tôi nhận voucher tại nơi trao thưởng.

Tôi nhận voucher tại nơi trao thưởng.

Thứ hai, dự thi các cuộc thi viết: Đây cũng là một "kênh thu nhập" mà tôi đã và đang thành công. Hàng năm, khắp các cơ quan báo đài, tạp chí, nhà xuất bản, nhiều đơn vị tổ chức hàng chục cuộc thi viết quy mô từ trung ương đến địa phương.

Tôi sẽ tập trung chọn những chủ đề, đề tài thuộc thế mạnh của mình để đầu tư và đạt giải thưởng. Ví dụ tôi đã có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải khuyến khích viết về thể thao. 2 giải nhất viết về du lịch ở Khánh Hòa. 1 giải khuyến khích viết về y tế trên 1 tờ báo lớn. 1 giải khuyến khích viết về pháp luật cấp thành phố. 1 giải khuyến khích viết về lĩnh vực tiếng Việt... Tùy vào cơ cấu giải của mỗi cuộc thi mà tôi sẽ nhận về số tiền nhất định mỗi lễ tổng kết và trao giải.

Thứ ba, thử làm "nhiếp ảnh gia" nghiệp dư: Khoảng 4 năm về trước, tôi đã đầu tư một chiếc máy ảnh Canon "xịn xò" giá gần 15 triệu đồng. Ban đầu, máy chỉ để phục vụ công việc chụp ảnh tư liệu cho các bài báo cộng tác của tôi.

Sau đó, được nhiều người giới thiệu, tôi nhận được lời mời chụp ảnh kỉ yếu, ảnh tốt nghiệp cuối cấp, ngoại cảnh cho các bạn trẻ và cả những buổi tiệc nhỏ trong các gia đình. Cứ đến mùa xuân hay mùa hè là máy phải hoạt động hết công suất để phục vụ cho việc chụp ảnh này. Và nó cũng mang về nguồn thu dao động "hai con số" vào trong tài khoản của tôi.

  Tôi đang trong công việc chụp ảnh kỉ yếu.

Tôi đang trong công việc chụp ảnh kỉ yếu.

Cuối cùng là sử dụng tiền nhàn rỗi hợp lí: Với những khoản tiền lớn tôi thu nhập được thì tôi sẽ gửi tiết kiệm dài hạn (trên 1 năm) trong các ngân hàng uy tín ở Việt Nam. Vì sẽ tạo cảm giác an toàn và tránh những rủi ro không đáng có. Đồng thời, tôi có thể đầu tư thêm vào các kênh vàng hay bất động sản tại các vùng ven ở ngoại ô Nha Trang.

'Thợ săn' các voucher ăn uống và dịch vụ

Đây chính là một cách chi tiêu mà tôi cảm thấy rất thông minh. Từ voucher ăn uống, xem phim, mua sắm (đồ điện tử, thời trang...) đến những chuyến đi du lịch biển đảo ở địa phương nơi tôi sinh sống. Các voucher này sẽ được giảm nhiều hơn khi có đông bạn bè đi cùng, nên tôi đã chủ động mời hoặc tặng lại bạn bè những tấm voucher này nếu các bạn tôi có nhu cầu.

Quan trọng hơn hết là cách thức "săn" voucher luôn đòi hỏi tôi phải theo dõi nhiều fanpage, các chương trình Tư vấn tiêu dùng; Quảng bá thương hiệu trên các đài phát thanh - truyền hình địa phương; Giao lưu trực tuyến của các nhãn hàng...

  Những voucher tôi “săn” được.

Những voucher tôi “săn” được.

Người chơi sẽ tham gia đặt câu hỏi giao lưu trực tiếp; trả lời câu hỏi cuối chương trình; tham gia các minigame ngay trên sóng trực tiếp...

Vậy là việc “săn” trung bình từ 2-3 voucher mỗi tháng đã giúp tôi tiết kiệm kha khá một khoản tiền trong việc chi tiêu. Mặt khác việc thụ hưởng những gói sản phẩm, dịch vụ từ các voucher cũng có chất lượng tương xứng, không hề thua kém so với việc mình trực tiếp chi tiền.

Quy tắc 2/4 : 1/4 : 1/4 cho bản thân

Khi tôi đã có một tài khoản đủ lớn thì "quy tắc vàng" này giúp tôi tránh những rủi ro và tránh mắc những sai lầm không đáng có trong việc hoạch định tài chính cho bản thân ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần.

Cụ thể 2/4 đầu tiên là khoản để dành trong ngân hàng. 1/4 thứ hai là quỹ đầu tư cho sức khỏe. Và 1/4 còn lại là quỹ chi tiêu hàng tháng và phát sinh. Quỹ này được tôi sử dụng khá đơn giản trong việc mua sắm đồ dùng cá nhân, quà tặng cho sếp, bạn bè vào các ngày kỉ niệm, hay là tổ chức ngày sinh nhật cho ba mẹ, hoặc các vấn đề phát sinh khác.

Nếu trong một tháng mà quỹ này vẫn còn thì sẽ cộng dồn vào quỹ của tháng sau. Còn nếu tháng này chi quá mức thì sẽ rút bớt vào tháng tiếp theo. Vì để duy trì "quy tắc vàng" trên đòi hỏi sự kiên định và rạch ròi của chính tôi để không mục nào phải vượt chi.

  Trái cây trong vườn nhà.

Trái cây trong vườn nhà.

Và một lợi thế nữa là tôi vẫn đang độc thân và sống chung với ba mẹ, nên việc ăn uống ở nhà vừa an toàn và chất lượng sẽ đảm bảo hơn so với việc ăn uống ở ngoài. Đồng nghĩa, chi phí lo cho bữa ăn hàng ngày của bản thân cũng sẽ giảm đi đáng kể, tiết kiệm được một số tiền kha khá so với nhiều bạn sống xa gia đình.

Và chính tôi, cũng đã chủ động kêu ba mẹ cải tạo lại khu vườn nhỏ để trồng thêm rau xanh và cây ăn quả. Nhất là khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, khu phố tôi sống cũng đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì gia đình chúng tôi không lo về nguồn rau sạch, cũng như trái cây để sử dụng trong mùa dịch này. Đôi khi, chăm chút cho sức khỏe của chính mình và người thân, cũng sẽ là cách đầu tư hiệu quả và dài lâu nhất.

Xuất phát điểm của bạn như thế nào không quan trọng, nhưng cách bạn đi từng bước đến thành công mới xứng đáng được người khác nể phục. Nhờ vậy ở tuổi 29 tôi đã sở hữu được 1 bất động sản giá trị gần 1 tỉ đồng, một tài khoản hàng trăm triệu đồng trong ngân hàng và quan trọng nhất là giữ cho mình một niềm vui khi được sống cùng với những người yêu thương.

  Tôi đang chuẩn bị dẫn một chương trình phát thanh.

Tôi đang chuẩn bị dẫn một chương trình phát thanh.

Đồng tiền mình làm ra chỉ thật sự hạnh phúc khi nó tạo ra sự ấm áp cho mọi người bên cạnh mình!

Còn với tôi, thành công hiện tại đó là một hành trình tương đối dài kể từ sau khi tôi tốt nghiệp ra trường cho đến tận ngày hôm nay. Dù tôi đang thực hiện rất hiệu quả "Nguyên tắc 2+" hay "quy tắc 2/4 : 1/4 : 1/4 " thì tôi vẫn sẽ nghiêm túc và đầu tư hơn nữa trong mọi công việc và sự nghiệp giảng dạy của mình.

Vì ở đó, tôi sẽ tiếp thu thêm những bài học đáng giá để điều chỉnh bản thân mình cho hoàn thiện hơn nữa.

Người dự thi: Lê Đức Bảo (TP. Nha Trang, Khánh Hoà)

29 tuổi, tôi sở hữu tài sản hơn 1 tỷ đồng nhờ áp dụng những 'nguyên tắc vàng' khác biệt 7

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO