Báo Điện tử Gia đình Mới

5 dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang vô tình tạo ra một đứa con kém cỏi

Giáo dục không đúng cách có thể dẫn tới việc hình thành nên một đứ trẻ kém cỏi, tự ti, cảm xúc không ổn định và khó thành công.

Giáo dục gia đình không đúng cách thường là nguồn gốc gây nên những thiếu sót, bất thường trong tính cách, tâm lý ở trẻ em. 5 dấu hiệu dưới đây chứng tỏ cha mẹ nuôi con kém cỏi cần được nhận thức sớm, tránh tự tay mình khép cửa tương lai của con.

1. Quá nhút nhát, sợ làm sai

Mặc cảm tự ti là một khiếm khuyết của tính cách, vì thế nếu không được sửa chữa kịp thời, nó sẽ trở thành “cơn ác mộng” của cuộc đời trẻ, khiến trẻ không thoát khỏi ám ảnh và sợ hãi để bứt phá. Một trong những dấu hiệu của mặc cảm, tự ti là đứa trẻ tính tình nhút nhát, không dám thể hiện mình, luôn sợ mình làm sai, sợ làm phật lòng người khác.

2. Quá nhạy cảm, trái tim thủy tinh

Đứa trẻ quá mỏng manh, yếu đuối, dễ khóc, dễ tổn thương và thường sợ hãi, cả gia đình phải nói chuyện cẩn thận, e dè vì sợ một câu không hay thôi thì đứa trẻ sẽ khóc toáng lên. Chỉ cần bị nhắc nhở vài câu là đứa nhỏ đã khóc lóc thảm thiết, đôi lúc cảm xúc thái quá, không tài nào dỗ được.

Điều nghiêm trọng hơn là những người xung quanh rõ ràng không nói về mình, không liên quan tới mình, đứa trẻ cũng dễ hiểu sai, quá nhạy cảm cho rằng mọi người đang đánh giá mình, từ đó có những lo lắng, bất an, khó chịu. Nhiều đứa trẻ nhạy cảm kiểu này rất hay phải nhìn sắc mặt người khác, e dè, nhút nhát, sống theo đánh giá của người khác từ đó tự gây mệt mỏi cho bản thân.

5 dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang vô tình tạo ra một đứa con kém cỏi 0

3. Quá tốt và ngoan ngoãn

Nhiều cha mẹ tự hào vì có một đứa con ngoan ngoãn, hiểu chuyện nhưng nếu nó luôn như thế và đến mức hoàn hảo gần như tuyệt đối thì phải xem xét lại ngay. Ngoan ngoãn và quá tốt đôi khi lại là biểu hiện của đứa con kém cỏi, nhu nhược.

Đôi khi sự ngoan ngoãn với ba mẹ xuất phát từ nỗi sợ, sợ ba mẹ không thương mình nữa, bỏ rơi mình, hoặc hiểu lệch đi rằng chỉ có ngoan thì mới được ba mẹ thương yêu. Nhưng trẻ con mà không phạm lỗi, đôi lúc không sai lầm, lì lợm đôi chỗ thì thật có vấn đề, không hợp tuổi, không đúng với tính cách vốn có của trẻ nhỏ.

4. Ghen tị với người khác

Những người hay ghen tị, đố kỵ, hạnh phúc của họ không dựa vào sự nỗ lực không ngừng của bản thân mà dựa trên sự so sánh với người khác. Khi cảm xúc của một người bị điều khiển bởi thế giới bên ngoài, tâm lý phải liên tục đấu tranh, đồng thời cũng vô cùng đáng thương.

Con cái có tính ghen tị thường xuất phát từ những gia đình có nhiều con, việc phân chia tình yêu giữa các con trong nhà không đều, hoặc cả những gia đình con một nhưng ba mẹ đặt kỳ vọng quá con, hay so sánh con với người khác. Ghen tị thực tế là một kiểu cảm xúc lo lắng, tự ti, sợ mình thua kém người khác, không bằng người khác, sợ mình không có giá trị.

5. Đứa trẻ sống khép mình, tránh va chạm

Trẻ em sợ hãi và tránh cạnh tranh, va chạm, đối mặt ở mọi nơi. Có nhiều nguyên nhân khiến đứa trẻ khép kín hay né tránh sự va chạm, có thể do đứa trẻ được nuông chiều quá mức, bao bọc kỹ, còn được dạy bảo phải ngoan hiền nên bất kỳ sự cạnh tranh nào cũng có thể gây áp lực, sợ hãi.

Trường hợp khác là trẻ bị dạy dỗ quá nghiêm khắc gây tác dụng phụ, thay vì trở nên mạnh mẽ, trẻ chọn cách sống khép mình lại, hạn chế mọi vấn đề va chạm với mọi người, chỉ mong được sống bình yên, không ai động đến mình.

5 dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang vô tình tạo ra một đứa con kém cỏi 1

Vì sao cha mẹ nuôi con kém cỏi?

Việc cha mẹ nuôi dạy đứa con kém cỏi thường xuất phát từ phương pháp dạy không đúng, cha mẹ nghĩ điều đó tốt cho con nhưng cách làm sai lại biến thành điều xấu, ảnh hưởng đến tâm lý con. Tâm hồn trẻ nhỏ non nớt bởi mới nói dạy con rất khó.

Luôn mắng mỏ trẻ

Các giáo sư Harvard đã thực hiện các thí nghiệm và thấy kết quả: “Những đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ la mắng, quát tháo sẽ trở nên đần độn”. Đồng thời, việc cha mẹ la mắng, mắng mỏ sẽ trở thành “tiếng nói phản biện nội tâm” của trẻ. Trẻ sẽ cho mình là vô dụng, kém cỏi, làm không tốt, lâu dần trở nên mặc cảm, tự ti. Vì vậy, lời ăn tiếng nói của một gia đình quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.

 Chăm sóc con quá mức

Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ như vậy của cha mẹ, trẻ sẽ trở nên phụ thuộc hoàn toàn, từ đó sẽ có những cảm xúc thụ động đối với học tập và cuộc sống, thiếu khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời, trẻ được chăm sóc kỹ từ nhỏ, lớn lên phải đối mặt với các vấn đề như sợ hãi, thiếu chính kiến và tự ti.

Cầu toàn, kỳ vọng cao

Đứa trẻ đang dần trở nên kém cỏi trước những tiêu chuẩn cao siêu về tính cầu toàn của cha mẹ. Thậm chí đứa trẻ thực sự cho rằng bản thân không đủ giỏi như ba mẹ muốn. Sự cầu toàn khiến con trẻ mệt mỏi, áp lực. Cha mẹ nên hạ thấp tiêu chuẩn của họ đối với con cái và biết tạo động lực để con luôn cố gắng. Là cha mẹ, chúng ta phải thực sự nhìn nhận và chấp nhận trẻ từ tận đáy lòng, cho phép trẻ thử và mắc sai lầm.

Thạch Thảo/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO