Báo Điện tử Gia đình Mới

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả, cha mẹ hay tự hào, khoe khoang ngờ đâu 'sai bét'

Những biểu hiện dưới đây của trẻ khiến cha mẹ dễ nhầm tưởng rằng con thông minh, lanh lợi. Tuy nhiên, có thể đó là dấu hiệu trẻ khôn lỏi, ''thông minh giả'' mà thôi.

Sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong mỏi con mình nhanh nhẹn, thông minh. Chính vì thế, cha mẹ thường sẽ để ý rất kỹ những hành động của con để xem con có thông minh hay không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều hành vi xấu ở trẻ mà cha mẹ nhầm lẫn là thông minh, vô tình cổ vũ khiến trẻ ngày càng phát triển sai lệch.

Các chuyên gia gọi những hành vi này là ''thông minh giả''. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả, cha mẹ hay tự hào, khoe khoang ngờ đâu 'sai bét' 0

Lợi dụng người khác

Có không ít những người lớn thích lợi dụng người khác để nhằm trục lợi cho mình, điều này tồn tại cả ở trẻ con. Bố mẹ nếu biết đó là thói xấu của người lớn thì hãy nhớ với đứa trẻ nhà bạn cũng vậy. Đừng nghĩ con lớn lên sẽ thay đổi, hay cho rằng từ nhỏ đã biết lợi dụng người khác là thông minh.

Hãy ngăn chặn ngay khi con mình có những biểu hiện như vậy bởi có những tính cách xấu nếu được dung túng và nuôi dưỡng sẽ mãi theo trẻ cho đến khi trưởng thành, sau này sẽ trở thành tính cách của trẻ.

Theo thời gian, trẻ có xu hướng hình thành ý nghĩ lợi dụng người khác để đạt được mong muốn của bản thân. Mọi hành động của trẻ sẽ khiến những người xung quanh khinh ghét và chẳng ai muốn ở bên cạnh một người như vậy.

Nịnh bợ, tâng bốc người khác

Một số đứa trẻ được bố mẹ khen rằng “thông minh, đáng yêu” khi thấy con biết cách giả đò nịnh bợ, tâng bốc người khác để lấy lòng, chiếm được tình cảm. Tuy nhiên, hành vi như vậy về lâu dài sẽ khiến trẻ sinh ra cảm giác tự mãn, khôn lỏi, cho rằng chỉ cần dùng miệng lưỡi là có thể đỡ chân tay, sống ích kỷ và chỉ biết tập trung làm hài lòng người khác.

Trẻ sẽ quên mất bản thân mình, đánh mất con người mình. Thậm chí khi có người nhìn ra động cơ phía sau việc nịnh bợ của đứa trẻ, hiểu rằng tất cả chỉ là giả tạo thì cảm giác ghét bỏ là chuyện đương nhiên. Bố mẹ đừng quên chỉ có người nhà mới dễ thông cảm cho nhau, nhưng người ngoài xã hội thì cách phản ứng lại rất khác. Sự chân thành luôn là chìa khóa của mọi mối quan hệ.

Ích kỷ và không biết chia sẻ

Nhiều bố mẹ thấy con không bao giờ chia sẻ đồ chơi, lúc nào cũng coi mình là nhất trong những cuộc chơi và không bao giờ biết xếp hàng chờ đến lượt… lại cho rằng con thông minh, tài lanh, biết bảo vệ bản thân. Tuy nhiên đây là suy nghĩ sai lầm, dẫn đến việc trẻ cho rằng mình là ''cái rốn'' của vũ trụ, muốn gì được nấy và không cần thiết phải chia sẻ cho bất kỳ ai.

Khi lớn lên, trẻ sẽ trở thành đứa trẻ tự kiêu tự đại, chỉ biết bo bo cho bản thân, không bao giờ biết cách làm việc nhóm dù cho xuất phát điểm thế nào. Việc người khác xa lánh đứa trẻ tương lai này cũng là điều dễ hiểu.

Đành rằng việc chia sẻ không thể ép buộc, nhưng bố mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu về tình yêu thương và các mối quan hệ. Mưa dầm thấm lâu, chỉ cần cố gắng, bố mẹ sẽ hình thành nên tính cách biết quan tâm người khác ở trẻ.

5 dấu hiệu trẻ thông minh giả, cha mẹ hay tự hào, khoe khoang ngờ đâu 'sai bét' 1

Thích trốn tránh trách nhiệm

“Tại anh đấy!”, ''Tại mẹ đấy'', “Không phải con”, “Là do ông ba bị”…, là câu quen thuộc của một vài trẻ khi mắc lỗi bị nhắc nhở. Một vài lần đầu trẻ bắt đầu đổ lỗi và trốn tránh trách nhiệm như vậy không sao, vì trẻ con thường sợ hãi khi mắc lỗi. Nhưng khi bố mẹ cho rằng đó là hành động thể hiện sự thông minh ở con và khuyến khích con phát triển điều này thì thực sự nguy hại. Bởi trách nhiệm là một trong những bài học đầu tiên bố mẹ cần dạy trẻ khi muốn con độc lập trong tương lai.

Hãy dạy con phải tự chịu trách nhiệm về việc của mình, về những gì mình làm ra, phải có lòng tự tin và năng lực thay vì trốn tránh như vậy. Chỉ như thế con mới có động lực để cố gắng, để tránh việc làm hại người khác và phấn đấu để có những thành quả xứng đáng dành cho chính mình, được xã hội công nhận.

Không biết từ chối

Cũng có những đứa trẻ luôn tìm cách chiều lòng người khác mà không phân định đúng sai, hành động như một chân sai vặt. Nhiều bố mẹ cho rằng con như vậy là ngoan, là biết suy nghĩ cho người khác và thông minh, hiểu chuyện từ nhỏ.

 Tuy nhiên một đứa trẻ như vậy cũng sẽ quên đi những mong muốn của bản thân, lấy sự công nhận của người khác làm mục tiêu sống và dễ dàng mất đi phương hướng, động lực cố gắng. Trẻ sẽ sinh ra chán nản, hoang mang khi bỗng một ngày không biết mình nên làm gì mới đúng bởi niềm tin và tình yêu nếu có cũng đã bị bẻ cong.

Bởi vậy nếu con bạn có một trong những biểu hiện trên, đừng tự hào, đừng nuôi dưỡng và phát triển những nét tính cách ấy. Hãy học cách dạy con, đồng hành cùng con để sửa chữa và định hướng con đường đi đúng cho con. Để dần dần con có cách cư xử đúng mực hơn, được mọi người yêu quý và công nhận vì tính cách tốt đẹp ở con.

Thạch Thảo/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO