Báo Điện tử Gia đình Mới

5 sai lầm thường gặp trong chi tiêu khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính

Nhiều gia đình trẻ đang gặp phải những sai lầm trong quản lý chi tiêu dẫn tới luôn cãi vã, thậm chí đổ vỡ trong hôn nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến khó khăn tài chính trong các gia đình?

Chia sẻ với Gia Đình Mới, Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội) cho biết, việc quản lý tài chính đóng vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc gia đình.

Hiện nay, có nhiều gia đình mắc phải những sai lầm trong chi tiêu dẫn tới vợ chồng thường xuyên cãi vã, bất hòa, thậm chí dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân.

  Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội)

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội)

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp của các gia đình:

1. Không có sự 'thuận vợ thuận chồng' trong chi tiêu

Sai lầm phổ biến nhất trong chi tiêu của các cặp vợ chồng là không có mục tiêu tài chính gia đình, không bàn bạc, thống nhất với nhau về quản lý tài chính gia đình. Không thể phủ nhận rằng mâu thuẫn tài chính gia đình làm gia tăng bất hòa, cãi vã trong các gia đình.

Vì vậy, tốt nhất là các gia đình, đặc biệt là những bạn trẻ sắp cưới, những vợ chồng trẻ mới cưới cần ngồi lại với nhau để thảo luận, bàn bạc và thống nhất thu chi, quản lý tài chính gia đình. Tốt nhất là làm việc này xong trước khi cưới.

2. Không có quỹ dự phòng để ứng biến với các rủi ro

Kinh tế khó khăn cũng thường làm gia tăng những cãi vã, xung đột trong gia đình. Do đó, các gia đình cần có những khoản tích luỹ an toàn hàng tháng, hàng năm để dự phòng cho những trường hợp rủi ro.

Quỹ dự phòng này thường sẽ được sử dụng trong trường hợp gặp khó khăn về kinh tế, sử dụng vào mục đích về y tế cho gia đình hoặc các biến cố bất ngờ xảy ra như thất nghiệp, giảm thu nhập, sửa sang nhà cửa…

Và khi kinh tế gia đình gặp khó khăn, hai vợ chồng nên ngồi lại để cùng nhau tìm cách gia tăng nguồn thu, giảm nguồn chi cho gia đình, để phù hợp với điều kiện kinh tế mới, thay vì căng thẳng và đổ lỗi cho nhau.

  Khi kinh tế gia đình gặp khó khăn, hai vợ chồng nên ngồi lại để cùng nhau tìm cách gia tăng nguồn thu, giảm nguồn chi. Ảnh minh họa

Khi kinh tế gia đình gặp khó khăn, hai vợ chồng nên ngồi lại để cùng nhau tìm cách gia tăng nguồn thu, giảm nguồn chi. Ảnh minh họa

3. Không minh bạch trong chi tiêu

Sai lầm thứ ba mà nhiều gia đình gặp phải là người “tay hòm chìa khóa”, quản lý tài chính gia đình cứ tự mình làm không ghi chép và minh bạch rõ ràng các nguồn tiền, tài sản, tài chính gia đình với bạn đời.

Chính sự không minh bạch trong chi tiêu, quản lý tài chính gia đình sẽ làm nảy sinh sự nghi ngờ của đối phương với người “tay hòm chìa khóa”. Và từ sự nghi ngờ, không tin tưởng sẽ dẫn đến mâu thuẫn, bất hòa giữa vợ chồng.

4. Chi tiêu tùy hứng không có kế hoạch

Nhiều người cầm tiền chi tiêu gia đình thường có xu hướng tự mua sắm theo ý mình mà không hỏi ý kiến, bàn bạc với người còn lại. Chính việc chi tiêu tùy hứng sẽ khiến tài chính gia đình dần dần kiệt quệ và nhanh chóng xảy ra cãi vã, bất hòa.

Chi tiêu theo hứng là tâm lý chung của một bộ phận lớn trong giới trẻ hiện nay. Nhiều cặp vợ chồng, nhất là các cặp vợ chồng trẻ đang dành nhiều tiền bạc cho việc mua sắm và ăn chơi.

Trong khi đó, các cặp vợ chồng có thể dành ra 30% thu nhập của gia đình để sử dụng cho các chi tiêu linh hoạt nhưng hợp lý như quần áo cần thiết, đồ gia dụng, ăn uống… Nên tham khảo thêm kinh nghiệm như bố/mẹ hoặc người lớn tuổi đáng tin cậy.

5. Không phân rõ quyền hạn quyết định với các khoản, quỹ tài chính gia đình

Nhiều gia đình không phân rõ quyền hạn quyết định với các khoản, quỹ tài chính gia đình. Nên khi quan điểm khác biệt, dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Ví dụ, trong một gia đình, nếu chồng giỏi kinh doanh, đầu tư hơn vợ thì ngay từ đầu vợ chồng hãy thống nhất để người chồng là người có quyền quyết định cuối cùng về các khoản kinh doanh, đầu tư của gia đình. Nhưng trước khi quyết định phải trao đổi với vợ.

Với những trường hợp thảo luận và cùng thống nhất quan điểm được thì tốt. Nhưng trong trường hợp không cùng quan điểm thì người có quyền quyết định cuối cùng sẽ quyết định theo kiến thức, kinh nghiệm, lựa chọn của họ. Lúc này đã thống nhất từ trước quyền quyết định rồi nên 2 vợ chồng sẽ vui vẻ thực hiện. Còn không, sẽ rất dễ xảy ra tự ái, nghi ngờ, giận dỗi ở người còn lại.

5 sai lầm thường gặp trong chi tiêu khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính 2

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO