Báo Điện tử Gia đình Mới

7 câu hỏi giúp phát hiện sớm ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh với số người mắc đứng thứ hai trong các loại ung thư. Trên thực tế thì căn bệnh này có thể phòng được nếu như chúng ta quan tâm đến nó, hiểu về nó và có ý thức phòng bệnh đúng cách.

Ung thư vú là bệnh có mối liên quan mật thiết đến nội tiết cũng như chức năng sinh sản của phụ nữ, trong khi phụ nữ chiếm hơn nửa dân số.

Bên cạnh đó ung thư vú là bệnh âm thầm tiến triển gần như không có dấu hiệu báo trước, việc khám bệnh cũng rất tế nhị chứ không giống như dễ dàng bắt mạch hay đo huyết áp. Do đó số ca mắc ung thư vú rất cao, đứng thứ hai trong các loại ung thư.

7 câu hỏi giúp phát hiện sớm ung thư vú 0

Bảy câu hỏi dưới đây sẽ giúp chị em có được những kiến thức cơ bản để có thể tự mình phát hiện sớm dấu hiệu các bệnh về vú, ung thư vú, tránh những trường hợp phát hiện muộn gây tổn thất về tinh thần, sức khỏe và kinh tế.

Câu hỏi 1: Thế nào là vú bình thường?

TL: Sau sạch kinh 3 - 5 ngày hoặc một tuần vú ở trạng thái bình thường, rất mềm và không đau.

Câu hỏi 2: Dấu hiệu nào cho thấy tại vú có vấn đề (chưa đề cập đến ung thư)?

  • Sau sạch kinh một tuần thấy một bên hoặc hai bên có một khối (cục) hoặc nhiều khối (cục) vẫn tồn tại mà không mất đi, ấn có thể đau hay không đau.
  • Vùng vú có đám da đổi màu (màu nâu đỏ, màu xám, màu nâu đen), sần sần, khi chạm vào có ít có cảm giác.
  • Đầu vú một bên hoặc hai bên thấy tụt vào trong.
  • Bầu vú một bên hoặc cả hai bên to dần, cứng, đau bất thường.
  • Bóp bầu vú thấy có dịch đục bẩn hoặc lẫn máu chảy ra.
  • Sau sạch kinh rồi mà thấy có cảm giác đau âm ỉ sâu trong bầu vú.
  • Có hạch ở hõm nách một hoặc hai bên.

* Lưu ý: U (cục) gây ung thư thường nhỏ, cứng chắc, không đau do đó khó sờ thấy. Đến khi thấy rõ u (cục) thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Câu hỏi 3: Làm thế nào để biết vú có dấu hiệu không bình thường?

TL:

  • Hãy lắng nghe cơ thể của mình và biết cách tự khám vú.
  • Đi khám sức khỏe, đặc biệt khám phụ khoa định kỳ để được bác sĩ khám vú, siêu âm kiểm tra vú.

Câu hỏi 4: Ai là người có nguy cơ bị ung thư vú?

  • Di truyền từ mẹ sang con gái.
  • Dùng thuốc nội tiết bừa bãi không có chỉ định của Bác sĩ.
  • Biến đổi tế bào cơ hội từ các ổ áp se tại vú
  • Dùng thuốc nam theo hình thức đắp lá thầy lang.
  • Người béo phì mắc kèm bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, HA, mỡ máu).
  • Nhóm người nghèo khó ăn ở thiếu vệ sinh, suy dinh dưỡng giảm sức đề kháng.
  • Người hút thuốc lá.

Câu hỏi 5: Làm thế nào để biết dấu hiệu không bình thường đã có ở vú và đã bị ung thư chưa?

TL: Khi đi khám bác sĩ thấy có các dấu hiệu không bình thường tại vú sẽ tư vấn và yêu cầu cần phải làm gì tiếp theo. Ví dụ như chọc tế bào xét nghiệm, siêu âm, chụp XQ vú, xét nghiệm máu. Khi kết quả được kết luận chắc chắn mới chẩn đoán xác định là có ung thư hay không

Câu hỏi 6: Khám vú khi nào tốt nhất? -  Cách tự khám vú như thế nào?

TL:

  • Khám vú vào thời điểm sau sạch kinh 3-5-7 ngày là tốt nhất bởi lúc đó vú mềm, dễ phát hiện được khối (u, cục ) ở vị trí sâu.
  • Khám vú có hai bước:Nhìn, sờ
  • Nhìn: Cởi áo đứng trước gương: nhìn màu da vùng vú có đám da đổi màu hay không, đầu vú tụt vào trong hay không, độ cao thấp của hai bầu vú, đầu vú ra sao. Sau đó giơ hai thẳng lên trên và hạ xuống nhìn xem hai bầu vú có lên xuống nhịp nhàng theo cánh tay không. Làm như vậy ở hai tư thể nhìn thẳng và nhìn tư thế nghiêng.
  • Sờ:
  • Sờ ở tư thế đứng, ngồi, nằm đều được tuy nhiên thực tế cho thấy sờ tư thế nằm là dễ nhất
  • Dùng 3 ngón tay đặt vào vú vùng núm vú ấn từ từ ép vào trong thành ngực day nhẹ cảm nhận có u cục gì không. Sờ lần lượt theo hình nan hoa hết diện tích vùng vú. Tay Phải sờ vú Trái và ngược lại.
  • Luồn tay vào hõm nách tìm xem có hạch không.
  • Bóp óp vú xem có dịch chảy ra ở đầu vú không.

Cứ như vậy chị em đã biết tự biết phát hiện sớm cho chính mình và phối hợp đi khám định kỳ tại các cơ sở y tế chắc chắn sẽ phòng bệnh một cách sớm nhất.

Câu hỏi 7: Cách phòng bệnh về vú, ung thư vú?

TL:

  • Hãy lắng nghe cơ thể của mình xem có dấu hiệu bất thường nào trong cơ thể nói chung và tại vùng vú nói riêng.
  • Khi tự khám phát hiện ra dấu hiệu khác thường hãy đến sớm với bác sĩ để được chia sẻ và khám tiếp.
  • Lên kế hoạch đi khám phụ khoa định kỳ để được tư vấn và bổ sung kiến thức.
  • Tự cải thiện tinh thần để luôn vui vẻ, cân đối chế độ ăn, tập thể dục, khi dùng thuốc nội tiết phải có chỉ định của bác sĩ.
  • Mát xa vú hàng ngày.

Chỉ cần tìm hiểu kiến thức, chủ động tự khám vú cho mình tại nhà chị em đã có thể phòng bệnh về vú và ung thư vú nhằm đem lại sức khỏe cho mình.

Nội dung trên được bác sĩ Trần Thị Minh Tâm truyền thông đến người lao động tại một số KCN trên địa bàn Hà Nội và Bắc Ninh trong khuôn khổ giai đoạn 2 Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của tổ chức DKT International Inc và Tập đoàn TH.

Bác sĩ CKI  Trần Thị Minh Tâm/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO