Báo Điện tử Gia đình Mới

8 người ngộ độc sau khi ăn nấm, cách phòng ngừa và xử trí khi ngộ độc nấm đúng nhất

Sau khi cùng ăn một loại nấm được hái trên rừng về, cả 8 người đều bị nôn ói, đau bụng, đi ngoài và phải vào viện cấp cứu. Với những trường hợp ngộ độc nấm thế này cần xử trí thế nào và cách phòng ngừa ngộ độc ra sao?

8 bệnh nhân (ở Trà Bồng, Quảng Ngãi) mới phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ói, đi cầu lỏng gây mất nước nặng, được chẩn đoán ngộ độc thức ăn.

Trước đó, tất cả các bệnh nhân đều ăn một loại nấm không rõ tên được hái trong rừng mang về.

Chỉ vài giờ sau khi ăn, các bệnh nhân có triệu chứng nôn ói, đi cầu lỏng nên được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, sau đó chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện sức khoẻ các bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm lạ đã ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại bệnh viện.

  Các loại nấm rừng được khuyến cáo không nên dùng khi không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa

Các loại nấm rừng được khuyến cáo không nên dùng khi không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa

Theo quan niệm của nhiều người, nấm là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ăn ngon, lạ, hấp dẫn, do vậy nhu cầu sử dụng nấm không ngừng tăng cao.

Việt Nam là một nước có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho các loài nấm tự nhiên sinh sôi nảy nở, trong đó có nhiều loài nấm độc. Do đó mà các loại nấm rừng được khuyến cáo không nên dùng khi không rõ nguồn gốc.

Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cách xử trí và dự phòng ngộ độc nấm như sau:

Cách xử trí khi bị ngộ độc nấm

- Ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.

- Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.

- Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.

  Không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ... Ảnh minh họa

Không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, nấm có màu sắc sặc sỡ... Ảnh minh họa

Dự phòng ngộ độc nấm

- Xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến lúc có triệu chứng ngộ độc nấm: Nếu dưới 6 tiếng: điều trị ở xã, huyện; nếu hơn 6 tiếng gửi bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh nơi có điều kiện lọc máu.

- Chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được

- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm mầu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả (mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc) đặc biệt là những loại nấm có đầy đủ vòng cuống, bao gốc thường là nấm độc.

- Không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ

- Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.

- Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc.

- Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO