Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

9 điều mẹ chồng nào cũng thầm mong con dâu sẽ hiểu

Chân dung mẹ chồng trong các câu chuyện trên diễn đàn phụ nữ đều hiện lên với vẻ thiếu thiện cảm và ghê gớm. Có bao giờ bạn nghĩ rằng mẹ chồng cũng có những tâm sự không thể nói ra?

mil3

 Các bà mẹ chồng thường là người đóng 'vai phản diện'

Nếu gõ tìm kiếm về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, ta đều sẽ thấy đa số kết quả là những câu chuyện oái oăm, đầy bức xúc, những trải lòng đẫm nước mắt của con dâu...

Tưởng như ‘cuộc chiến’ giữa mẹ chồng nàng dâu không bao giờ có hồi kết, mà nguyên nhân đa phần là ở mẹ chồng.

Thế nhưng mẹ chồng cũng có những nỗi lòng riêng khó có thể nói ra cùng chồng, cùng con trai hay con dâu, mà chỉ có thể thầm mong rằng con dâu sẽ hiểu cho mình.

1. Mẹ ‘ghen’ với con dâu

mil2

 

Cuộc sống của những người phụ nữ ngày xưa với quan niệm ‘tam tòng, tứ đức’ khiến họ thường xoay quanh người chồng, và sau này là những đứa con.

Với nhiều bà mẹ, đứa con trai là tất cả những gì họ có, buồn vui đều thường xoay quanh con cái – lo lắng khi con mải chơi điện tử, buồn rầu mất ăn mất ngủ khi con ốm, hạnh phúc khi con đỗ đại học, hay kiếm được công việc cho mình... Đứa con trai ấy là cả thế giới của họ.

Và rồi một ngày, thế giới của họ thay đổi.

Họ thấy con đi sớm về muộn, nhưng không phải là vì công việc. Họ thấy con thường dành thời gian bên ngoài hơn, thói quen và sở thích cũng nhiều thay đổi. Và rồi một ngày, họ thấy con nói rằng muốn kết hôn với một cô gái.

Có lẽ mỗi bà mẹ chồng đều biết rằng sẽ có ngày ấy, nhưng không ai bảo họ biết trước rằng cảm giác hụt hẫng lại lớn đến vậy.

Đứa con trai mà họ nghĩ chỉ biết đến họ nay đã đặt một người khác làm ưu tiên của mình, đứa con trai mà họ vẫn tưởng họ hiểu rõ nay đã thay đổi để phù hợp hơn với con dâu họ, và họ đột nhiên cảm thấy mình là ‘người thừa’.

Có những người mẹ chồng chỉ âm thầm ôm nỗi niềm ấy, nhưng cũng có những người phản ứng với cảm giác trống rỗng đó bằng cách tỏ ra sở hữu với đứa con trai, vô tình đẩy con dâu ra xa mình.

Thế nên, nếu bạn là một nàng dâu, xin hãy thông cảm cho những cảm xúc hỗn độn của mẹ chồng. Họ chỉ muốn chắc chắn rằng họ vẫn là người hiểu con nhất và vẫn rất quan trọng với con.

Đôi khi, hãy cho họ thấy rằng bạn cần những lời khuyên từ họ để có thể hiểu chồng hơn. Suy cho cùng, họ là người đã ảnh hưởng không nhỏ đến con người của chồng bạn, biết đâu việc trò chuyện với họ sẽ có thể cải thiện hạnh phúc hôn nhân của bạn hơn.

2. Mẹ chồng thất vọng

mil4

 

Càng muốn tỏ ra là một người mẹ chồng thấu tình đạt lý, họ càng khó có thể tâm sự điều này với ai. Nhưng sự thật là họ có thể đã từng mong mỏi một người con dâu khác, một mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu lý tưởng khác.

Họ có lẽ chẳng có lý do nào để kỳ vọng, suy cho cùng chính con trai họ mới là người sống chung với vợ mình kia mà. Nhưng đó vẫn là một tâm lý khó tránh khỏi của những người mẹ chồng.

Và rồi bạn xuất hiện, rất có thể là trái ngược với những tưởng tượng của họ. Bạn hoàn toàn không thể và càng không cần thay đổi bản thân, nhưng bạn có thể để mẹ chồng dần thích nghi với việc ‘vỡ mộng’ và hiểu được những mặt tốt của con người bạn.

3. Họ vẫn là một bà mẹ

mil5

 

Nhiều quan điểm hiện đại cho rằng vai trò của cha mẹ đã chấm dứt khi đứa con đủ trưởng thành và tự lập. Nhưng các ông bố bà mẹ đều biết rằng điều này không hề đúng.

Mối quan hệ ấy có thể thay đổi về các khía cạnh khác nhau, nhưng cuối cùng, một người mẹ vẫn sẽ mãi là một người mẹ.

Vậy nên đôi khi họ vẫn tin rằng mình nên là người quyết định điều gì mới là tốt cho cuộc sống con trai mình, từ giờ ăn giấc ngủ cho đến những mối quan hệ hay quản lý tiền nong.

Điều này có thể gây khó chịu, nhưng phải cần đến sự kiên nhẫn để thuyết phục họ rằng hai vợ chồng cũng cần khoảng không gian riêng cho mình.

4. Mẹ không phải người biết ‘nhìn bì đoán mỡ’

mil6

 

Những người mẹ chồng không thể đọc được suy nghĩ của con dâu. Do định kiến từ mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu từ lâu đời, do khoảng cách thế hệ... hiểu được nàng dâu càng có vẻ như một ‘nhiệm vụ bất khả thi’ với mẹ chồng.

Thế nên nếu mẹ chồng có ‘chạm đến giới hạn’ của bạn, hãy thẳng thắn trao đổi về điều đó. Dù có vẻ như đó là điều hiển nhiên đi nữa, rất có thể mẹ chồng không hiểu hết được góc nhìn của bạn và tại sao bạn lại ‘bức xúc’ đến vậy.

Bỏ qua một bên những nhận xét nhắm đến cá nhân và tập trung vào việc giúp mẹ hiểu bạn đang nghĩ gì là chìa khóa để khiến mối quan hệ đỡ căng thẳng hơn, hay chí ít là tránh sự im lặng ‘chống đối ngầm’ sẽ khiến tình cảm sứt mẻ khó lòng cứu vãn.

5. Mẹ không biết cách trò chuyện với bạn

mil7

 

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là mối quan hệ vô cùng đặc biệt, bởi khác với quan hệ người yêu hay bạn bè, ta không thể lựa chọn và quyết định người sẽ trở thành mẹ chồng hay con dâu của mình.

Cả hai không phải là những người ‘hợp gu’ từ đầu, và nếu không may mắn thì còn có thể hoàn toàn trái ngược.

Nêu bạn cảm thấy không thể hiểu nổi và không sao nói chuyện được với mẹ chồng, thì rất có thể bà cũng vậy.

Cả hai cần đến thời gian để có thể vượt qua những ngại ngùng ban đầu, vậy nên trước khi đó, đừng vội quyết định bất cứ điều gì về mẹ chồng của bạn.

6. Mẹ sợ nàng dâu

mil8

 

Sâu thẳm trong họ luôn là nỗi sợ rằng họ sẽ bị đặt ngoài cuộc đời của con trai nếu con dâu không ưa mình. Họ sợ bạn sẽ tâm sự những điều bạn không thích ở họ với chồng và khiến con trai xa lánh họ.

Cũng như con dâu, những người mẹ chồng cũng có một ‘diễn đàn’ nho nhỏ nơi họ chia sẻ những câu chuyện của nhau.

Họ thấy những câu chuyện tiêu cực của bạn bè và những nỗi sợ càng ám ảnh họ - rồi con sẽ quên mất mình, những dịp lễ tết cũng chẳng có con cháu vui vẻ ở bên...

Họ bị giằng xé giữa áp lực để cố gắng hòa hảo thân mật với con dâu và cảm giác muốn khẳng định sức ảnh hưởng của mình đối với con cái.

Ở vị trí của họ, điều này thật khó khăn và đôi khi họ đã lựa chọn phương án dễ dàng hơn nhưng cũng là phương án khiến mối quan hệ với con dâu trở nên căng thẳng.

7. Mẹ muốn nhận được sự tôn trọng

mil9

 

Sự tôn trọng đôi khi không nhất thiết phải là đi thưa về gửi hay nghe răm rắp từng lời (dù trong thâm tâm bạn biết rằng điều đó là không đúng).

Đôi khi chúng ta cũng vướng vào ‘bệnh hình thức’ mà quên đi cách thể hiện sự tôn trọng ở dạng nguyên bản nhất của nó, đó là việc lắng nghe bằng tất cả sự chân thành.

Lắng nghe, mà trong khi ấy không có bất cứ phán xét nào trong đầu, rằng cách chăm con này lạc hậu quá, món ăn kia nấu không theo chế độ dinh dưỡng tiên tiến, quan niệm nọ quá mê tín dị đoan... Chỉ đơn giản là lắng nghe và hiểu rằng họ có một lý do cho suy nghĩ của mình.

Có một sự khác biệt rất lớn giữa ‘bằng mặt không bằng lòng’ và một sự tôn trọng từ sâu thẳm trái tim.

Không phải lúc nào mẹ chồng và nàng dâu cũng có thể thống nhất với nhau, nhưng nếu mẹ chồng cảm nhận được sự chân thành của bạn thì chắc chắn bà sẽ dễ lắng nghe bạn hơn rất nhiều.

8. Mẹ cũng biết đau lòng

mil10

 

Dù họ có vẻ ngoài cứng rắn đến mấy đi nữa, thì những người mẹ chồng cũng không phải là sắt đá.

Họ không biết làm cách nào để đối diện với những cảm xúc của mình. Chồng và con trai khó có thể hiểu cho cảm giác sợ bị bỏ rơi của họ bởi dường như họ không có lý do nào chính đáng.

Họ càng cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Thế nên phía sau những ánh mắt xét nét, những lời lạnh lùng hay thậm chí là cay nghiệt như những cái gai ấy rất có thể là trái tim của một con nhím đang bị tổn thương.

Ngay khoảnh khắc họ khiến bạn cảm thấy đau lòng, rất có thể chính họ cũng đang tự dày vò mình.

Hãy bảo vệ bản thân của khỏi những chiếc gai ấy, nhưng nếu có thể, hãy giúp họ thoát khỏi chính những chiếc gai trong lòng họ nữa.

9. Mẹ không muốn đứng ở giữa bạn và chồng

mil11

 

Trong nhiều trường hợp, khi cảm thấy không thể nào nói chuyện được với chồng lúc có mâu thuẫn, nàng dâu sẽ đem vấn đề ấy cho mẹ chồng ‘phân xử’.

Điều này đặt mẹ chồng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Dù bà có biết rằng con mình sai mười mươi đi nữa, nhưng bản năng của người mẹ khiến bà khó có thể vượt qua tình cảm cá nhân để lên án con và bênh vực bạn.

mil12

 

Hãy thử đặt ngược lại, liệu bạn có muốn chồng mình đến nói với mẹ chồng hay mẹ ruột bạn về những gì bạn làm sai hay không? Liệu họ sẽ thấy khó xử đến mức nào? Và liệu họ có thực sự giúp giải quyết vấn đề?

Trừ khi đó là một việc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không hãy giữ những mâu thuẫn với chồng cho riêng hai người biết.

Trong 90% trường hợp thì sự tham gia của mẹ chồng không có ý nghĩa thiết thực mà đôi khi còn khiến sự việc căng thẳng hơn khi họ lựa chọn đứng về phía con trai mình.

mil13

 

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là một mối quan hệ cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và mở lòng thấu hiểu.

Con dâu thì cho rằng mẹ chồng là trưởng bối, mình lại lạ nước lạ cái thì mẹ chồng nên là người thông cảm trước. Mẹ chồng thì cho rằng con dâu là phận làm con nên biết suy nghĩ cho họ, ‘nhập gia tùy tục’.

Không có ai sai, nhưng bước đi đầu tiên dù là bởi ai đi nữa, đều sẽ khiến cả hai xích lại gần hơn.

Trước khi mẹ chồng có thể cởi bỏ những khúc mắc trong lòng, tại sao bạn không thử tiến thêm một bước để hiểu rằng nhiều khi, người phụ nữ ấy không xa cách đến như mình tưởng.

Mai Hoa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO