Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Cấp cứu 115 kể chuyện 'dở khóc dở cười' khi cách ly người nghi nhiễm COVID-19

TS.BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ những chuyện dở khóc dở cười khi cách ly người nghi nhiễm COVID-19 ở Hà Nội.

Sau nhiều lần bị “lỡ hẹn” vì dịch COVID-19, PV Gia Đình Mới cũng chờ gặp được TS.BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. 

Nhìn vẻ mặt căng thẳng, sự bận rộn của anh khi liên tiếp phải xử lý giấy tờ được trình và các cuộc điện thoại gọi đến vì dịch bệnh làm chúng tôi không kìm được tò mò và muốn bắt đầu ngay câu chuyện của các bác sĩ 115 trong mùa dịch.

Bi hài chuyện chuyển người nghi nhiễm COVID-19 mùa dịch

  TS.BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

TS.BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

PV: Không ít người cho rằng, trong mùa dịch COVID-19 chỉ những bác sĩ ở cơ sở y tế được phân công điều trị, cách ly người bệnh, người nghi nhiễm mới bận rộn, còn những nơi khác như 115 bên anh “nhàn” lắm?

TS.BS Nguyễn Thành: Quá nhầm! Những người nghĩ vậy là họ không hiểu rõ công việc của chúng tôi. Ngày thường công việc của cán bộ Trung tâm cấp cứu 115 đã quá tải, đợt dịch bệnh lại càng bận rộn gấp bội.

Mặc dù chúng tôi không phải là cơ sở điều trị, cách ly người bệnh, người nghi nhiễm của TP.Hà Nội, nhưng chúng tôi phải xử trí, vận chuyển những người nghi nhiễm đến các cơ sở cách ly, cơ sở điều trị. Có thể nói là chúng tôi đang làm không hết việc chứ đừng nói đến “nhàn”.

  Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đi vận chuyển người nghi nhiễm COVID-19 trong đêm

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đi vận chuyển người nghi nhiễm COVID-19 trong đêm

PV: Vậy công việc của bác sĩ 115 các anh trong mùa dịch COVID-19 có gì đặc biệt?

TS.BS Nguyễn Thành: Theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là đơn vị tiếp nhận vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 từ Trung tâm kiểm dịch quốc tế ở sân bay Nội Bài và tất cả các trung tâm y tế quận, huyện và các cơ sở y tế của Hà Nội.

Những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, nhưng chưa có triệu chứng sẽ được chúng tôi đưa về cách ly ở Bệnh viện Công an thành phố.

Còn bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng nghi ngờ (ho, sốt, khó thở…) thì được chúng tôi đưa đến các bệnh viện được Bộ Y tế và Sở Y tế phân công điều trị, cách ly bệnh nhân.

Số người nghi nhiễm đông, có những ngày chúng tôi phải chuyển hơn chục bệnh nhân, đã thế còn không ít lần gặp những tình huống “khó đỡ” như người dân không hợp tác, trốn cách ly làm chúng tốn thời gian, tốn phương tiện bảo hộ khi đi vận chuyển họ.

PV: Gặp những tình huống “khó đỡ”, bi hài như vậy bác sĩ 115 các anh xử trí thế nào?

TS.BS Nguyễn Thành: Những chuyện bi hài như vậy thường gặp ở những ngày đầu mới bùng phát dịch, do người dân chưa hiểu biết đúng về bệnh dẫn đến tâm lý phản kháng, trốn tránh.

Điển hình là trường hợp một người Trung Quốc đến Hà Nội làm việc. Người này có đầy đủ các yếu tố nghi ngờ nhiễm COVID-19 như đi vào vùng dịch, có triệu chứng ho, sốt…

Khi nhận được thông tin, chúng tôi phối hợp với y tế địa phương đến vận động, thuyết phục người bệnh đến bệnh viện để điều trị triệu chứng, cách ly, giám sát y tế.

Nhân viên 115 chúng tôi mất rất nhiều công sức vận động, thuyết phục và chuyển bệnh nhân chuyển đến cơ sở y tế, nhưng đến tối cán bộ địa phương lại gọi cho chúng tôi đến chuyển bệnh nhân này lần nữa do bệnh nhân trốn viện về nhà, không chịu cách ly, điều trị.

Hay như trường hợp một gia đình người Trung Quốc gồm 4 thành viên. Họ đến Hà Nội đi du lịch và nghỉ tại khách sạn.

Và có một thành viên trong gia đình bị sốt nên nhân viên y tế địa phương khuyến cáo cần phải cách ly cả 4 người để phòng ngừa.

Khi nhân viên 115 Hà Nội và chính quyền địa phương đến để chở họ đi cách ly đã gặp phải “phản kháng”.

Họ yêu cầu phải được cách ly theo chế độ ở khách sạn thì mới chấp nhận. Những người này biện minh rằng, họ đang ở khách sạn nên phải trả họ tiền theo chế độ ở khách sạn thì mới chịu cách ly.

Chúng tôi phải phối hợp liên ngành gồm Trung tâm y tế của địa phương, công an, chính quyền địa phương, nhân viên 115 giải thích, vận động người bệnh mãi họ mới chấp nhận để chúng tôi chở đến khu vực cách ly của thành phố.

  Nhân viên Cấp cứu 115 được trang bị bảo hộ kỹ càng trước khi đi vận chuyển người nghi nhiễm COVID-19

Nhân viên Cấp cứu 115 được trang bị bảo hộ kỹ càng trước khi đi vận chuyển người nghi nhiễm COVID-19

Để người thân ngoài đường vì sợ lây nhiễm COVID-19

PV: Những trường hợp anh kể đều là người nước ngoài, vậy người Việt mình thì sao?

TS.BS Nguyễn Thành: Ồ, người Việt mình thì lại hay ở chỗ không ít người sợ hãi dịch bệnh thái quá dẫn đến cách ứng xử hơi “lạnh lùng” với người thân.

Đơn cử như trường hợp một gia đình ở Hà Nội có làm ăn với người Trung Quốc. Sau đó trong nhà có một người phụ nữ bị sốt nên họ nghi bị COVID-19 và gọi 115 đến cấp cứu.

Khi chúng tôi đến nơi, người thân của họ bịt kín mít, bảo hộ rất kỹ càng, cả nhà đeo kín bưng và khiêng người bệnh để sẵn ngoài đường chờ 115 đến.

Gặp tình huống như vậy làm nhân viên 115 chúng tôi chột dạ và có suy nghĩ “người nhà bảo hộ kỹ càng như vậy, còn khiêng sẵn bệnh nhân để ngoài đường như vậy không khéo lại nghi ngờ COVID-19 rồi”.

Vì thấy như vậy, nhân viên y tế đi cấp cứu bệnh nhân cũng lo lắng và không dám tự quyết định nên phải gọi về trung tâm xin ý kiến chỉ đạo.

Và dù chỉ là nghi ngờ nhưng chúng tôi đã chỉ đạo anh em mặc đồ bảo hộ theo quy định, nghiêm túc thực hiện việc chuyển bệnh nhân theo đúng quy trình để tránh lây nhiễm.

Rất may mắn là cho đến nay tất cả các ca nghi nhiễm COVID-19 mà chúng tôi chuyển đến khu cách ly đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

PV: Tình trạng sợ hãi dịch bệnh thái quá cũng khiến không ít người dân ứng xử “lạnh lùng” với nhân viên y tế khi tiếp xúc với người nghi nhiễm. Nhân viên 115 Hà Nội có gặp phải tình trạng bị người dân “xa lánh tránh dịch”?

TS.BS Nguyễn Thành: May mắn là cho đến lúc này chúng tôi chưa nhận được phản hồi của anh em về việc bị người dân “xa lánh” vì thường xuyên tiếp xúc chuyển người nghi ngờ nhiễm COVID-19.

Nhưng tôi cũng có nghe nói về các đồng nghiệp của tôi tại các bệnh viện khác, bị người dân trong khu cư trú “ghẻ lạnh”. Thậm chí, có nhân viên y tế không được về phòng trọ ngủ chỉ vì làm việc trong bệnh viện có người nghi nhiễm COVID-19.

Những câu chuyện buồn này làm tôi nhớ đến dịch SARS 2003, khi đó tôi đang trực tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thanh Nhàn. Người dân họ khiêng người thân, bạn bè bị nhiễm, nghi nhiễm SARS vứt phịch vào phòng cấp cứu rồi bỏ chạy lấy người.

Người bệnh là người thân của họ nhưng họ sợ lây bệnh nên bỏ mặc, vứt cho nhân viên y tế muốn làm gì thì làm.

Điều đó làm tôi nhận thức được, những lúc dịch bệnh, khó khăn mới thấy hết được tình người là thế nào.

  Trang phục bảo hộ của nhân viên cấp cứu 115 khi đi làm nhiệm vụ mùa dịch bệnh

Trang phục bảo hộ của nhân viên cấp cứu 115 khi đi làm nhiệm vụ mùa dịch bệnh

Hoảng loạn hoặc chủ quan khi chống dịch đều cực kỳ nguy hiểm!

PV: Có kinh nghiệm chống dịch SARS 2003 chắc anh ứng dụng được nhiều điều trong dịch bệnh COVID-19 lần này?

TS.BS Nguyễn Thành: Hoảng loạn hoặc chủ quan khi chống dịch đều cực kỳ nguy hiểm! Đó là kinh nghiệm mà tôi học được từ dịch SARS 2003.

Vậy nên, tôi vẫn luôn khuyên anh em trong trung tâm cần bình tĩnh, thu thập những thông tin về dịch bệnh từ những kênh chính thống và đặc biệt cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng lây nhiễm của Bộ Y tế, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo hộ khi làm việc.

Trung tâm chúng tôi tổ chức tập huấn từ rất sớm cho anh em về COVID-19, tiếp đó là đảm bảo phương tiện bảo hộ cho anh em khi làm việc, thống kê bệnh nhân, theo dõi thông tin sức khỏe bệnh nhân được vận chuyển để kịp thời báo lại cho anh em. Chính vì vậy mà anh em an tâm hơn trong khi đi làm nhiệm vụ.

  Tâm lý bình tĩnh, tự tin và không kém phần vui vẻ của nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 khi nhận nhiệm vụ mùa dịch bệnh

Tâm lý bình tĩnh, tự tin và không kém phần vui vẻ của nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 khi nhận nhiệm vụ mùa dịch bệnh

PV: Vậy anh thấy tâm lý của nhân viên y tế 115 Hà Nội khi đi làm mùa dịch thế nào?

TS.BS Nguyễn Thành: Đến thời điểm hiện tại tâm lý của chúng tôi vẫn khá tốt, mọi người đều rất bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra khi đi làm nhiệm vụ và cũng không chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Điều được trong mùa dịch bệnh này của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là ý thức khử khuẩn, bảo vệ bản thân của anh em tăng lên.

Nó được thấy rõ trong việc anh em tuân thủ việc rửa tay sát khuẩn, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay đã lên đến 100%, trong khi thời điểm không phải dịch phấn đấu mãi mới đạt tỷ lệ 90 - 91%.

Anh em cũng có ý thức trước khi về nhà sẽ tắm gội bằng xà phòng tại trung tâm.

Hay như việc nhân viên tuân thủ đúng quy trình trong việc mặc, cởi đồ bảo hộ, khử khuẩn đồ bảo hộ theo đúng quy trình…

Nhất là việc tuân thủ khử khuẩn xe sau khi đi vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19. Xe cấp cứu của chúng tôi phải được khử khuẩn theo đúng quy trình để không trở thành nguồn lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng.

Thời gian khử khuẩn mất ít nhất 2 giờ đồng hồ, gồm phun thuốc khử khuẩn, lau xe, để xe khô tự nhiên, mở cửa và chiếu đèn cực tím… thì mới tiếp tục công việc.

Khi chúng tôi tuân thủ đúng các quy trình, hiểu biết đúng về dịch bệnh COVID-19 và có những phương án dự phòng với tình huống dịch lan rộng thì chúng tôi sẽ không sợ và sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của TS.BS Nguyễn Thành!

Chúc anh và những nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội luôn khỏe mạnh, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân!

Linh Nhi (thực hiện)

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO