Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ Ngô Đức Hùng: Viết sách là nhu cầu muốn được chia sẻ

“Những điều tôi viết trong cuốn sách này là viết cho chính mình, là thể hiện nhu cầu muốn được chia sẻ” – Đó là tâm sự của bác sĩ Ngô Đức Hùng khi nói về cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” của mình.

Bác sĩ là một nghề bận rộn và khắc nghiệt, nhất là với một bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, bác sĩ Hùng vẫn cố dành một khoảng thời gian cho riêng mình để quan sát mọi thứ xung quanh, để viết và chia sẻ chúng trên facebook.

Vậy làm cách nào mà anh có thể dung hòa được những điều đó? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi đến tham gia buổi ra mắt cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” của bác sĩ Ngô Đức Hùng diễn ra ngày 11/3, tại Hà Nội.

Với bác sĩ Ngô Đức Hùng (bên phải), viết sách là thể hiện nhu cầu muốn được chia sẻ

Với bác sĩ Ngô Đức Hùng (bên phải), viết sách là thể hiện nhu cầu muốn được chia sẻ

Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề này, bác sĩ Hùng cho biết: “Theo tôi, một bác sĩ lành nghề ngoài chuyên môn giỏi thì cần phải có kỹ năng giao tiếp cũng như xử lý tình huống tốt. Bác sĩ càng giỏi và càng hiểu biết thì càng tốt cho người bệnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều bác sĩ kỹ năng xã hội không tốt. Nguyên nhân là do họ ít được đào tạo về kỹ năng cũng như không chú trọng về vấn đề này. Bác sĩ có kỹ năng giao tiếp cũng như xử lý tình huống tốt mới có thể chuyên nghiệp được.

Mà không có giáo trình nào tốt bằng bài học cuộc sống. Những bệnh nhân tử tế dạy cho mình bài học về tình yêu thương con người, những bệnh nhân củ chuối dạy cho mình bài học về chữ nhẫn”.

Cuốn Để yên cho bác sĩ

Cuốn Để yên cho bác sĩ "hiền" là một góc nhìn của người làm nghề

Sau tất cả, “tôi nghiệm ra một điều rằng, cuộc đời mỗi con người là những chuyến đi. Có những chuyến đi gập ghềnh đầy nuối tiếc, đầy dự định dang dở và người ta không cam tâm bước lên nó. Họ đi với đôi mắt khép hờ.

Có những chuyến đi khác trên con đường vạch sẵn, dù không đến cuối cuộc hành trình thì bước chân vẫn nhẹ nhàng.

Đi nhiều, đọc nhiều, quan sát kỹ giúp tôi học hỏi được nhiều điều và hoàn thiện mình hơn. Cuộc sống có bạc bẽo, mình vẫn hạnh phúc thực hiện lý tưởng của riêng mình.

Công việc của bác sĩ rất bận rộn, nhưng tôi lại là người giỏi sắp xếp công việc và lên lịch trình cho bản thân mình. Tôi tận dụng những ngày nghỉ bù sau trực để đi và viết.

Mỗi người chọn một cách sống. Riêng tôi, tôi chọn sống tử tế và thoải mái. Cuộc đời tồn tại có một lần, nên cần phải làm những gì mình thích trước và đã thích là phải thực hiện ngay. Và tôi tin chính con người tạo ra số phận và quyết định số phận chính mình” – anh tâm sự.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng ký sách tặng độc giả

Bác sĩ Ngô Đức Hùng ký sách tặng độc giả

Có rất nhiều người chọn cách đi, trải nghiệm cuộc sống như bác sĩ Hùng nhưng cách thức thể hiện quan điểm, hình thức chia sẻ thông tin mỗi người khác nhau. Anh lựa chọn thể hiện bằng hình ảnh và chữ viết có lẽ một phần anh “văn hay chữ tốt” hơn người, cộng thêm chút tố chất hội họa và nhiếp ảnh.

Cũng vì lối diễn đạt “hóm hỉnh”, nhiều cung bậc cảm xúc mà nhiều người nhận xét, cuốn sách Để yên cho bác sĩ “hiền” của anh không đơn thuần là cuốn sách tự sự hay tản văn. Bởi, có thể coi cuốn sách là sự tổng hòa giữ bút ký, tự sự và tản văn với cấu trúc được phân theo bốn chương như tiểu thuyết xoay quanh những góc nhìn về cuộc sống của chính mình, bao gồm chuyện Nghề, chuyện Nghiệp, chuyện Đời và chuyện Tôi.

Nhưng tựu chung lại, nó là tâm sự chân thành của một bác sĩ để độc giả nhìn thấy được những nỗ lực của các y, bác sĩ, nhất là các bác sĩ công tác tại phòng hồi sức cấp cứu, nơi mà “mọi cái giường đều có người chết”.

Cuốn sách đầu tiên của bác sĩ Hùng về origami

Cuốn sách đầu tiên của bác sĩ Hùng về origami

Cuốn Để yên cho bác sĩ “hiền” là cuốn sách thứ 2 của tác giả Ngô Đức Hùng. Trước đó, anh có viết chung với các bạn của mình cuốn sách về origami, được in và bán với giá khá đắt đỏ ở Mỹ và châu Âu. 

Sau cuốn Để yên cho bác sĩ “hiền”, bác sĩ Hùng đang ấp ủ kế hoạch viết một cuốn sách về hiểu biết cơ bản những tình huống cấp cứu thường gặp tại cộng đồng. 

Đồng thời, anh cũng đang tham gia xây dựng chương trình đào tạo mới cho sinh viên y khoa về kỹ năng chuyên nghiệp trong y khoa. Theo anh, những kỹ năng này ở các nước phát triển có môn học riêng gọi là Medical professionalism (rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp trong y khoa). Trong khi, ở Việt Nam những môn học như này dành cho y, bác sĩ chưa có và đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho kỹ năng xã hội của bác sĩ không tốt.

Linh Ly/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO