Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ nhãn khoa nói gì về ‘thuốc nhỏ mắt NanoDrops chữa cận thị’?

Trước thông tin thuốc nhỏ mắt NanoDrops có khả năng chữa trị mắt cận thị không cần phẫu thuật, ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội đã có bài viết dưới đây để chia sẻ về quan điểm của mình.

Gần đây tôi liên tục nhận được các câu hỏi của mọi người về thực hư chuyện thuốc NanoDrops chữa được cận thị. Người trong ngành thì hoang mang không biết độ xác thực như thế nào, độ tin tưởng ra sao trong khi bệnh nhân thì tràn đầy hy vọng vào một tương lai có thể không cần đeo kính hay phẫu thuật khi mắc tật khúc xạ.

ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết:

ThS.BS Bùi Cẩm Hương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết: "Cho đến nay chưa có bất kì thông tin chính thống nào của ngành nhãn khoa về thuốc chữa cận thị"

Đến nay, tôi chưa có bất kì thông tin chính thống nào của ngành Nhãn khoa về vấn đề này. Nhưng qua nghiên cứu và tìm hiểu thông tin thì được biết, trong chương trình hội nghị lần thứ 35 của Hiệp hội các phẫu thuật viên về phẫu thuật khúc xạ và thể thuỷ tinh châu Âu tại Lisbon Bồ Đào Nha tháng 10/2017 có ghi 1 báo cáo của Dr.David Smadja từ Israel với tiêu đề: “Nanodrops for restoring refractive errors”.

Tóm tắt báo cáo có ghi, nghiên cứu thực nghiệm sự thay đổi khúc xạ của 10 mắt lợn trước và sau khi nhỏ thuốc kết quả cho thấy có thể điều chỉnh độ khúc xạ trung bình là 2,24+/-0,07D với cận thị và 1,96+/-0.2D với viễn thị.

Báo cáo kết luận rằng, thuốc nhỏ mắt NanoDrops cho thấy tiềm năng đầy triển vọng trong cuộc cách mạng điều chỉnh tật khúc xạ không xâm lấn.

Tuy nhiên, đây mới là nghiên cứu ex vivo (tức là trên mô sinh học nhưng đã được lấy ra khỏi cơ thể sống và được đảm bảo hoạt động trong môi trường như cơ thể sống). Trong khi 1 loại thuốc muốn được đưa ra thị trường phải trải qua các nghiên cứu thử nghiệm in vivo trên người với rất nhiều giai đoạn và thủ tục phức tạp...

Một loại thuốc muốn được đưa ra thị trường phải trải qua các nghiên cứu thử nghiệm in vivo trên người và thông qua kiểm định gắt gao

Một loại thuốc muốn được đưa ra thị trường phải trải qua các nghiên cứu thử nghiệm in vivo trên người và thông qua kiểm định gắt gao

Trong bản tóm tắt cũng chưa nêu rõ cơ chế tác động của thuốc và cách thức tiến hành. Nhưng qua tìm hiểu thì được biết, bệnh nhân sau khi được đo xác định độ khúc xạ sẽ có hệ thống laser in dấu lên giác mạc (laser corneal stamping) dưới dạng mô hình quang học (optical pattern), các hạt nano sẽ kích hoạt mô hình quang học này và làm thay đổi sự hội tụ của tia sáng vào đúng võng mạc.

Các nhà nghiên cứu dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ thử nghiệm trên người nhưng báo cáo cũng chưa đề cập được các công việc cần thiết liên quan đến việc tiến hành thử nghiệm.

Như vậy, nghiên cứu này là có thật, nhưng chỉ mới ở mức thử nghiệm ex vivo trên mô, chưa được thử nghiệm trên người.

Hơn nữa, như đã nói thì không phải chỉ có nhỏ thuốc là điều chỉnh được tật khúc xạ mà cần phải có nguồn laser. Tiếp đó là hiệu quả của thuốc được bao lâu, liều thuốc cần đạt tác dụng là như thế nào? Mức độ thường xuyên phải nhỏ thuốc? Độc tính của thuốc với con người cũng chưa được biết đến.

Nói chung đây là một hướng đi mới và chúng ta cứ chờ đợi, hy vọng vào sự tiến bộ của khoa học, chưa biết bao nhiêu năm sau có thể được lưu hành trên thị trường. Còn bây giờ, nếu có tật khúc xạ, hãy trung thành với kính gọng (cổ điển nhất) hay là đeo kính áp tròng mềm, cứng hoặc phẫu thuật Lasik tuỳ thuộc quan điểm của từng người.

ThS.BS Bùi Cẩm Hương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO