Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc

Khi mọi người đếm ngược thời gian và chờ đợi bắn pháo hoa ở các trung tâm vui chơi thì các bác sĩ cũng đếm ngược thời gian với số lượng bệnh nhân tăng dần trong bệnh viện.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 0

“Trong lúc hầu hết mọi người đang gửi tin nhắn chia tay năm cũ và gọi điện thoại chúc mừng năm mới, thì những nhân viên y tế trực tết vẫn làm việc chăm chỉ trong bệnh viện, để đảm bảo sự an toàn cho phần còn lại là những người không may mắn phải vào viện.” 

Đó là những lời tâm sự của bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội)- người đang phải trực tết, trực cấp cứu ở một bệnh viện tuyến đầu.

Bác sĩ Phúc đã tranh thủ ít thời gian hiếm hoi đỡ bớt bệnh nhân để trò chuyện cùng với độc giả báo Gia Đình Mới, thông qua ngôn ngữ đơn giản và cảm xúc, chia sẻ những tâm tư suy nghĩ của người bác sĩ.

-Phóng viên: Bác sĩ có thường xuyên phải trực giao thừa không?

-Bác sĩ Trần Văn Phúc: Ngày 31/12 dương lịch, đối với tôi hay bất cứ ai cũng vậy, đó là một ngày rất quan trọng, với nhiều kỉ niệm, nhiều cuộc đi chơi, tham dự nhiều lễ hội đón năm mới, có nhiều món ăn ngon và những lời chúc tụng.

Nhưng ngày 30 Tết Nguyên Đán thì vui hơn và quan trọng hơn, vì đêm giao thừa sẽ gắn với nhiều phong tục truyền thống, có những phong tục không thể thiếu mang đậm nét văn hóa của người Việt.

Bác sĩ chẳng ai muốn trực đêm giao thừa. Nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn. Bản thân tôi, trực giao thừa dường như là định mệnh, kể từ khi bước chân vào Đại học Y Hà Nội cho đến tận hôm nay, tôi liên tục phải trực giao thừa. 

Năm nay cũng vậy, dù đã làm việc cả năm nhưng giao thừa vẫn không được nghỉ, tôi phải trực cả 31/12 dương lịch và 30 âm lịch.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 1

-Cụ thể phiên trực của anh như thế nào? 

-Mọi người đếm ngược thời gian và chờ đợi bắn pháo hoa ở các trung tâm vui chơi. Tôi cũng đếm ngược thời gian với số lượng bệnh nhân tăng dần trong bệnh viện.

Tính đến 12 giờ trưa, tôi đã khám 49 bệnh nhân siêu âm, đọc 83 phim Xquang, chẩn đoán cho 6 bệnh nhân cắt lớp vi tính.

Buổi sáng làm việc như vậy vẫn được coi là tương đối yên tĩnh. Một phần năm nay cũng do trời rét quá, mọi người sẽ ngại ra đường, ít tiệc tùng. Rét quá bao giờ cũng ít bệnh nhân.

Nhưng hôm nay là tết nên chắc chắn buổi chiều sẽ đông, đặc biệt là tối, khi các nhà hàng và quán ba đã mở, các lễ hội bắt đầu bật lên, thì mọi người sẽ ngã xuống; tai nạn xe máy, thậm chí đi bộ cũng tai nạn, say xỉn, đánh nhau, rồi đau bụng nôn mửa do ăn uống không đúng cách.

Bận rộn là nét giai điệu vĩnh cửu với người trực cấp cứu.

Chuẩn bị cho những ngày nghỉ lễ và tết, các khoa cấp cứu và các phòng cấp cứu đều được kiểm tra kĩ lưỡng, xây dựng kế hoạch và quy trình triển khai cấp cứu, rà soát danh sách các ê kíp trực tại viện, trực thường trú, thành lập ê kíp trực cấp cứu ngoại viện, ê kíp trực cấp cứu thảm họa.

Riêng đội cấp cứu thảm họa, phải lựa chọn những người trẻ khỏe và có kĩ năng, có luyện tập cẩn thận từ trước, lên phương án cho các tình huống giả định cụ thể, đảm bảo sau khi nhận lệnh triệu tập 10 phút phải có đủ quân số, có đủ thuốc men và các phương tiện cấp cứu, nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ.

Tôi cũng đã tham gia trực cấp cứu thảm họa những năm còn trẻ.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 2

Một bữa ăn vội của các bác sĩ Bệnh viện bưu điện trong ca trực

-Trực thảm hoạ nghe khá lạ lẫm với người dân. Anh có thể giải thích hơn trực thảm hoạ thường là về những gì?

-Tết thường có lễ hội bắn pháo hoa. Chúng tôi rất sợ trực cấp cứu thảm họa bắn pháo hoa. Bởi vì đội trực cấp cứu sẽ được tập kết tại địa điểm bắn kể từ lúc pháo hoa bắt đầu lắp đặt, chỉ được phép trở về nhà khi lễ hội đã tan, thường kéo dài khoảng 1,5 - 2 ngày.

Trực thảm họa trong những lễ hội lớn như bắn pháo hoa, chúng tôi sẽ phải ăn cơm hộp tại chỗ, ngủ tại chỗ, vệ sinh cá nhân cũng tại chỗ, đương nhiên không có tắm giặt, cũng không được tiếp xúc với người ngoài hay tham gia bất kì trò vui nào của lễ hội.

Trực chuyên môn tại viện như tôi hôm nay, bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng nhận trực, bàn giao và làm công tác báo cáo tua trực xong vào khoảng 8 giờ 30 sáng mùng 1/1.

Hơn 24 tiếng đồng hồ không ngủ nghỉ, thậm chí không được ăn, trở về nhà vào sáng hôm sau chỉ muốn tắm giặt xong leo lên giường ngủ cho đến chiều tối.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 3

-Sau ngày trực cuối năm, vào mùng 1 Tết thì các bác sĩ chờ đợi điều gì nhất? 

-Một bữa tiệc ngày mùng 1 tết, với tôi hay những người phải trực đêm giao thừa, thực sự nó không có ý nghĩa vì chúng tôi chỉ muốn được yên tĩnh một mình ngủ và ngủ.

Trong các phòng cấp cứu, suốt 24/24 giờ luôn có một ê kíp nhân viên y tế, họ quá bận rộn, từ sơ cấp cứu ban đầu cho đến tổ chức phẫu thuật, họ âm thầm cống hiến và bảo vệ tiền tuyến sức khỏe cho nhân dân, ngăn chặn cái chết từ xa.

Ở khu vực hồi sức cấp cứu, đối ngược với những bước chân vội vã khẩn cấp cùng sự bận rộn dữ dội, là những âm thanh buồn tẻ của máy thở, tiếng bíp bíp của máy monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn, tiếng máy báo động của màn hình nhỏ giọt; đây được coi là tuyến phòng thủ cuối cùng của cuộc sống. 

Tết luôn là thời gian bận rộn nhất với khoa hồi sức cấp cứu. Giường bệnh luôn vượt quá công suất, bác sĩ phải đau đầu với quyết định chuyển bớt bệnh nhân đỡ nặng về các phòng cấp cứu của khoa lâm sàng. Bệnh nhân hồi sức không thể để người nhà chăm sóc.

Vì thế mà điều dưỡng phải đi đánh răng cho bệnh nhân, phải tắm rửa, gội đầu, lau chùi vệ sinh, cạo râu, cắt tóc, bấm móng tay, trăn trở và xoa bóp.

-Có kỷ niệm vào trong phiên trực làm anh nhớ nhất? 

-Tôi nhớ mấy năm về trước trực 30 Tết Nguyên Đán, có cháu bé 6 tuổi cùng bố mẹ đi ngắm pháo hoa đêm giao thừa, trên đường về bị tai nạn, lúc đó gần 2 giờ sáng. Tình hình rất khẩn cấp, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào, cả ê kíp ập đến.

Bác sĩ hồi sức ngay lập tức đặt ống nội khí quản, thiết lập đường thở, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, tăng cường nhỏ giọt tĩnh mạch, đẩy nhanh lên phòng mổ vừa làm chẩn đoán khẩn cấp vừa chuẩn bị mổ.

Cô bác sĩ học CK1 hỗ trợ tôi, do công việc quá nặng nhọc suốt ngày, cô mệt mỏi, từ phòng mổ về vị trí trực lúc 3 giờ đêm với khuôn mặt tái nhợt.

Tôi giúp đỡ bằng cách pha cho cốc nước ấm và khuyên cô nằm nghỉ. Cũng may tôi chưa phải cấp cứu cho đồng nghiệp. Đến 5 giờ sáng cô đỡ mệt và lại dậy hỗ trợ tôi. Câu đầu tiên cô hỏi: “Cháu bé kết quả mổ có qua khỏi không?”.

Trên khuôn mặt mệt mỏi của cô thoáng nở nụ cười, khi nghe tôi thông báo đã gọi điện cho bác sĩ trên phòng mổ và biết chúng tôi đã chẩn đoán đúng, kết quả sau phẫu thuật hi vọng tích cực.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 4

-Vất vả là vậy, các bác sĩ mong mỏi điều gì?

Chỉ cần nhớ rằng chúng tôi là bác sĩ!

Trong nhiều năm công tác, tôi nhận thấy những đồng nghiệp quanh tôi, họ làm việc bất kể ngày đêm, luôn lo lắng cho người bệnh.

Có những ca bệnh khó họ trăn trở lần hỏi, gọi điện với đồng nghiệp để trao đổi kết quả chẩn đoán và điều trị, họ chẳng thể yên tâm khi những băn khoăn chuyên môn chưa được làm sàng tỏ. 

Chỉ cần nhớ rằng chúng tôi là bác sĩ, như thế là quá đủ, quá đủ để chúng tôi quên đi rằng đằng sau chúng tôi vẫn có gia đình, có cha mẹ, có anh chị em, có vợ chồng con cái đang cần chúng tôi, đang muốn chúng tôi trở về nhà trong những đêm giao thừa.

-Quá áp lực như vậy thì bác sĩ có chán nghề không?

-Kiệt sức, vất vả, bận rộn, không có thời gian dành cho gia đình; đó là những từ ngữ mà bác sĩ chúng tôi cảm thấy rõ nhất, đặc biệt là những đêm giao thừa phải trực ở bệnh viện.

Những người vợ, người chồng, hay những đứa con thường hỏi bác sĩ chúng tôi, rằng tại sao lại lựa chọn một công việc khó khăn như vậy?

Câu hỏi chính là lời trách cứ.

Và trước câu hỏi đó, chúng tôi thường tự tin ngẩng đầu lên mà nói, chúng tôi không sợ, chúng tôi không buồn và không ân hận khi đã theo nghề y, nếu được chọn lại thì chúng tôi vẫn tiếp tục chọn công việc này.

-Ở nhà anh, vợ và các con anh có ý kiến gì về ngày trực không?

-Sáng nay ngủ dậy, biết tôi sẽ đi trực nên con dậy rất sớm, ngồi bơ vơ ngoài cửa đợi tôi xách ba lô bước ra. Con mở cửa và nói: “Lại một giao thừa nữa bố không đưa con đi chơi Bờ Hồ.”

Một thoáng giật mình và tôi chỉ biết ôm chặt con vào lòng. Con trai tôi năm nay đã 12 tuổi. Tôi cay đắng nhận ra rằng, năm nay không đưa con lên Bờ Hồ chơi, không cùng con ngửa mặt lên trời ngắm pháo hoa, sang năm con tôi sẽ lớn lên và không còn đi cùng tôi nữa.

Bác sĩ trực giao thừa: Kiệt sức, vất vả, phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc 5

Trái tim của người bác sĩ không được phép xao động. Tôi phải để trái tim lên đầu mà nghĩ về công việc.

Ở bệnh viện đang có nhiều bệnh nhân chờ tôi, vẫn có những đồng nghiệp như tôi làm việc không ngừng nghỉ, họ không bao giờ phàn nàn, họ luôn giúp đỡ bệnh nhân hết mình và tự biết cách tìm thấy niềm vui từ bệnh nhân, để cảm nhận được niềm vui trọn vẹn trong ngày đầu của năm mới.

-Đêm giao thừa trực ở bệnh viện bác sĩ làm gì đặc biệt để có niềm vui?

-Về cơ bản, trực tết chúng tôi không có gì cả, vì khá bận rộn, không thể có thời gian và điều kiện tổ chức ăn uống đặc biệt.

Như bữa trưa nay, những người trực trong khoa tôi vẫn mang cơm từ nhà, hơn 12 giờ mọi người phân chia công việc cho nhau, người tiếp tục làm việc, người quay cơm trong lò vi sóng để ăn.

Buổi tối có thể tôi sẽ mua chút đồ ăn mời mọi người. Những năm trước tôi cố gắng mang theo một chai rượu vang. Không có li cốc. Tôi dùng những chén uống nước trà thay cho li, rót cho mỗi người khoảng 5cc, lượng rượu đủ che phủ kín đáy chén nhỏ, đủ để chạm vào môi và cảm thấy chút hương vị của mùa xuân đang đến.

Đợi khi đồng hồ điểm 12 tiếng, chúng tôi sẽ nói với nhau những lời chúc tụng, chia sẻ những ước muốn trong năm mới, ước muốn của nhân viên y tế chỉ nhỏ thôi, đó là sự bình an cho tất cả mọi người, không bệnh tật và hãy nhớ chúng tôi là bác sĩ.

-Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống của bác sĩ và ngành y! 

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO