Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh sởi là gì, phải kiêng ăn gì?

Sở Y tế Hà Nội cảnh báo số ca mắc bệnh sởi đang gia tăng, nhất là ở trẻ. Vậy bệnh sởi là gì? Khi mắc bệnh sởi phải kiêng ăn gì?

Bệnh sởi là gì?

Mới đây, tại hội nghị về công tác phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn TP Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 12/5, toàn thành phố ghi nhận 1.193 trường hợp mắc bệnh sởi. Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có các ca mắc rải rác.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Paramyxoviridae gây ra, rất dễ lây lan trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (các giọt dịch tiết bắn ra khi ho và hắt hơi).

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi

Thông thường là ho, sổ mũi, sốt cao và mắt đỏ. Trong niêm mạc miệng hai bên má có thể thấy các đốm trắng, đỏ thành từng cụm (đốm Koplik trong những ngày đầu của bệnh).

Phát ban bùng phát từ ngày 3 - 5 của bệnh, đôi khi cùng với sốt cao.

Bệnh sởi là gì, phải kiêng ăn gì? 0

Phát ban đỏ thường bắt đầu ở trán, lan khắp mặt, sau đó xuống cổ và thân đến cánh tay, chân và bàn chân.

Sốt và phát ban từ từ biến mất sau vài ngày.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các biến chứng của bệnh sởi.

Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi

- Viêm phổi,

- Tiêu chảy,

- Viêm thanh khí phế quản,

- Suy dinh dưỡng,

- Viêm tai giữa,

- Loét miệng,

- Biến chứng mắt (do bị bội nhiễm, loét giác mạc gây mù loà).

Các biến chứng ít gặp hơn nhưng rất nguy hiểm: Viêm não - viêm màng não - viêm tuỷ cấp tính; viêm cơ tim….

Ai sẽ bị bệnh sởi?

Những người dễ bị mắc bệnh sởi là:

- Trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi được tiêm phòng sởi,

- Những người chưa bao giờ tiêm phòng sởi,

- Những người không tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi,

- Người được tiêm ngừa nhưng không tạo được miễn dịch hiệu quả.

Ai có nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi?

- Trẻ nhỏ,

- Suy dinh dưỡng,

- Khu vực đông dân cư,

- Suy giảm miễn dịch,

- Thiếu vitamin A.

Người bị bệnh sởi kiêng ăn gì?

Chế độ ăn uống trong giai đoạn mắc bệnh sởi giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh sởi. Nếu không cung cấp dinh dưỡng đúng cách sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Khi trẻ bị sởi, bố mẹ không nên quá kiêng khem để tránh tình trạng thiếu chất trong quá trình dưỡng bệnh.

Bố mẹ cần cung cấp đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm của các nhóm chính là: Chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và chất khoáng. 

Tăng cường cho trẻ bị sởi ăn rau, củ quả, uống nhiều nước, các loại hoa quả giàu vitamin C.

  Khi trẻ bị bệnh sởi, kiêng thực phẩm chế biến với nhiều gia vị cay nóng mà tăng cường ăn rau củ quả.

Khi trẻ bị bệnh sởi, kiêng thực phẩm chế biến với nhiều gia vị cay nóng mà tăng cường ăn rau củ quả.

Khi bị sởi, không nên cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều gia vị và cay nóng như ớt, tiêu, hành tây, tỏi,... bởi chúng có thể gây ra các phản ứng nhiệt, động huyết, tăng nổi sởi dày hơn.

Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều chất béo như đồ chiên, xào và có nhiều dầu mỡ, chất bảo quản. Ngoài ra, cũng nên tránh các thực phẩm đóng hộp, nướng, xông khói từ nội tạng động vật. Đồng thời, cũng nên hạn chế các loại bánh kẹo, sô-cô-la.

Ngoài ra các thực phẩm như đậu nành, đậu tương có chứa lượng đạm cao cũng không tốt cho quá trình điều trị bệnh sởi ở trẻ. Cạnh đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện dị ứng với các loại thực phẩm như hải sản, đậu, pho mát, sữa,... thì cũng cần tránh xa để tránh gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.

Không cho trẻ uống đồ uống có ga, có cồn bởi chúng không chỉ gây mất nước mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.

5 khuyến cáo của Bộ Y tế về bệnh sởi 

 1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi -Rubella đầy đủ và đúng lịch.

 2. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

 3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

 4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

 5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO