Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom theo dân gian, là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến viện khám và điều trị. Bệnh tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ.

BỆNH TRĨ LÀ GÌ? BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG VÀ VÌ SAO BỆNH THƯỜNG ĐIỀU TRỊ MUỘN?

1. Bệnh trĩ là gì và vì sao bệnh thường điều trị muộn?

  • Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ gồm có trĩ nội và trĩ ngoại. 

Theo GS.TS Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn đến viện thăm khám và điều trị.

Thực tế thăm khám cho bệnh nhân nhiều năm giáo sư Long nhận thấy rằng bệnh trĩ đang có xu hướng gia tăng, bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân một phần là do nữ giới phải trải qua giai đoạn mạng thai, sinh con. Mặc dù bệnh thường gặp nhiều ở người lớn tuổi, nhưng thời gian gần đây cũng xuất hiện ở người trẻ, thậm chí là trẻ nhỏ.

Có thể hiểu, bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở vùng hậu môn.

Đáng chú ý là, người mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn, sau nhiều năm có biểu hiện bệnh.

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 0

Do bệnh xảy ra ở vùng kín nên nhiều người có tâm lý ngại ngùng. Hơn nữa, bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua.

Trĩ là bệnh vùng kín, hầu như ai cũng ngại đi khám

1. Ngồi ở cửa phòng khám chờ bác sĩ thăm khám, chị Nguyễn Ngọc Đ. (47 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) có chia sẻ chị thường hay bị táo bón khi đi ngoài. Tình trạng táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ, gây đau khi đi đại tiện, ngứa hậu môn.

Dần dần búi trĩ ngày càng to, lòi dần ra ngoài hậu môn và trong một lần đi đại tiện chị Đ. rặn quá mức dẫn đến búi trĩ lòi hẳn ra ngoài, không nhét vào lại được mới tìm đến bác sĩ nhờ sự giúp đỡ.

Chị Đ. tâm sự: “Tôi hay bị nóng trong, từ hồi còn trẻ đã luôn gặp tình trạng táo bón, đi ngoài có chảy máu.

Khi thay đổi chế độ ăn, uống nhiều nước, đi lại nhiều hơn thì đại tiện cũng dễ dàng hơn. Tình trạng phân đại tiện bất thường như vậy kéo dài một thời gian thì tôi thấy vùng hậu môn đau rát, ngứa ngáy, thỉnh thoảng có thấy chảy máu khi đi vệ sinh.

Lâu dần, ở vùng hậu môn có xuất hiện khối nhỏ lòi dần ra ngoài, sau khi vệ sinh khối nhỏ này tự tụt vào được, đến khi khối này to lên, tụt ra ngoài nhiều hơn thì tôi phải dùng tay ấn vào.

Vì bệnh ở vùng kín nên tôi ngại đi thăm khám và cứ để tình trạng kéo dài đến cả chục năm, đến khi bị chảy máu nhiều dẫn đến cơ thể gầy gò, da xanh xao, búi trĩ to lên tòi ra ngoài không ấn vào được mới tìm đến bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ có bảo bệnh của tôi đã ở giai đoạn nặng, cần phải tiến hành phẫu thuật cắt búi trĩ và sau đó tập phục hồi cơ hậu môn, thay đổi chế độ ăn, thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng sức khỏe”.

Hơn nữa, nhiều người cứ nghĩ rằng bệnh trĩ thường xảy ra với những người có tuổi, nhưng thực tế hiện có không ít người trẻ tuổi cũng mắc bệnh. Và vì trẻ tuổi nên việc thăm khám vùng kín cũng gây ra nhiều trở ngại về tâm lý đối với bệnh nhân trẻ tuổi.

2. Cậu sinh viên Trần Huy H. (21 tuổi) đang theo học tại một trường đại học ở Hà Nội phát hiện vùng hậu môn có khối nhỏ đã nhiều năm. Nhưng vì ngại nên H. nhất quyết không chịu đi viện khám.

Khi vùng hậu môn liên tục chảy máu đỏ tươi, khối nhỏ lòi ra ngoài mẹ H. lo lắng nên ép cậu phải đi khám.

Mẹ H. đã tìm đủ cách dụ dỗ nhưng cậu vẫn không chịu đi viện vì không muốn để người khác nhìn thấy “vùng kín” của mình.

Mãi đến khi mẹ H. bảo rằng được giới thiệu một thầy thuốc Đông y, khám trĩ không cần nhìn “vùng kín”, chỉ cần khám trên miệng là ra bệnh, đến lúc đó H. mới chịu cùng mẹ đi khám.

Khi đến khám, vị thầy thuốc khám cho cả 2 mẹ con H. thì phát hiện cả 2 người đều mắc trĩ ngoại với tình trạng khá nặng và phải dùng thuốc uống, thuốc ngâm để cải thiện sức khỏe.

2. Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại có nguy hiểm không và vì sao bệnh hay bị nhầm lẫn với các bệnh khác?

  • Dấu hiệu của bệnh trĩ nội, trĩ ngoại

GS Đào Văn Long cho biết, các triệu chứng của bệnh trĩ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên nếu không thăm khám sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người bị trĩ thường bị chảy máu nhiều ở vùng hậu môn, đau rát, sa búi trĩ…, trong khi đây cũng là triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nên dễ lầm lẫn nếu không đi khám.

Với triệu chứng chảy máu, bệnh ung thư hậu môn trực tràng cũng gây ra triệu chứng này. Nếu người bệnh bị chảy máu ở hậu môn và cứ cho rằng mình bị trĩ, không đi thăm khám đến khi khối u phát triển to sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, bệnh polyp đại tràng cũng gây ra hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện. Khi chẳng may bị polyp, người bệnh cần đi thăm khám để điều trị sớm bằng cách cắt polyp để tránh phát triển thành ung thư.

Ngoài ra, khi búi trĩ sa ra ngoài cũng thường bị lầm với sa trực tràng, trong khi hai bệnh có cách điều trị khác nhau.

  GS Đào Văn Long thăm khám cho bệnh nhân nghi bị bệnh trĩ

GS Đào Văn Long thăm khám cho bệnh nhân nghi bị bệnh trĩ

  • Bệnh trĩ có nguy hiểm không?

Bệnh trĩ tuy lành tính nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và làm giảm sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu của bệnh cần đi thăm khám và điều trị sớm. Hiện nay, sự kết hợp giữa chăm sóc, thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ ăn, dùng thuốc điều trị, vật lý trị liệu đã làm hạn chế sự phát triển của bệnh và giảm được khả năng bệnh nhân phải mổ.

NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH TRĨ LÀ GÌ? DẤU HIỆU NÀO NÊN ĐI THĂM KHÁM SỚM

1. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ là gì?

Theo GS Long, cho đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra bệnh trĩ. Tuy nhiên, có một số yếu tố thuận lợi để bệnh trĩ hình thành và phát triển. Trong đó phải kể đến các yếu tố như:

  • Thường xuyên bị táo bón: Những người hay bị táo bón khi đi đại tiện phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng hậu môn. Tình trạng táo bón lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ, búi trĩ dần dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài.
  • Tiêu chảy kéo dài: Bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến tính trạng phải đi đại tiện nhiều lần, rặn nhiều lần làm tăng áp lực trong ổ bụng và gây ra trĩ.
  • Bị tăng áp lực ổ bụng: Những người bị viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản dẫn đến ho nhiều hay những người làm công việc khuân vác nặng... sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng và dễ gây ra bệnh trĩ.
  • Lối sống thiếu khoa học: Những người phải đứng nhiều, ngồi nhiều, ít đi lại, uống ít nước, ăn ít rau xanh, ăn ít chất xơ… thường bị mắc trĩ nhiều hơn.
  • Người có khối u ở vùng hậu môn, phụ nữ mang thai… có thể chèn ép và cản trở đường về  tĩnh mạch hồi lưu làm cho các đám rối trĩ căng phồng lên tạo thành bệnh trĩ.
  Táo bón lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

Táo bón lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ

2. Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ, dấu hiệu cần đi thăm khám sớm

GS.TS Đào Văn Long hé lộ, có 2 dấu hiệu dưới đây người dân cần đi thăm khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh trĩ kịp thời:

  • Dấu hiệu thứ nhất là triệu chứng chảy máu. Đây là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất khi bị trĩ. Lượng máu, hình thức chảy máu của mỗi người không giống nhau.

Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, người bệnh tình cờ phát hiện trong một lần đi đại tiện do nhìn vào giấy chùi vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn vào phân thấy vài tia máu nhỏ dính vào phân. Với những người bị nặng hơn thì sau mỗi lần đi đại tiện, ngồi xổm máu chảy ra, có những người máu chảy nhiều dẫn đến mất máu, cơ thể xanh xao, gầy yếu, thậm chí phải đi viện cấp cứu.

Tuy nhiên, không phải người nào bị trĩ cũng bị chảy máu. Thực tế có nhiều bệnh nhân mắc trĩ cả chục năm, búi trĩ to, thường xuyên lòi ra ngoài nhưng không có hiện tượng chảy máu.

  Thăm khám kỹ để phát hiện bệnh ở khu vực hậu môn, trực tràng trong đó có bệnh trĩ

Thăm khám kỹ để phát hiện bệnh ở khu vực hậu môn, trực tràng trong đó có bệnh trĩ

  • Dấu hiệu thứ 2 nên nghi ngờ mình bị mắc trĩ để đi thăm khám là bị sa búi trĩ. Tình trạng sa búi trĩ xảy ra sau một thời gian đi đại tiện có chảy máu.

Lúc đầu sau mỗi khi đại tiện sẽ có khối nhỏ lồi ra ở lỗ hậu môn, khối nhỏ này sẽ tự tụt vào được. Càng về sau búi trĩ to dần lên và không thể tự tụt vào sau mỗi lần đi vệ sinh mà phải dùng tay nhét vào. Khi bệnh ngày càng nặng thì búi trĩ sa ra hẳn ngoài hậu môn không nhét vào được.

Ngoài 2 triệu chứng chính kể trên, người bị bệnh trĩ có thể gặp phải những triệu chứng khác như đau rát khi đi đại tiện, ngứa quanh lỗ hậu môn.

Triệu chứng đau xảy ra khi có biếng chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt, nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn… Còn triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho hậu môn ẩm ướt và ngứa.

Các triệu chứng này kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu được phát hiện sớm và lựa chọn cách chữa trị kịp thời, an toàn thì người bệnh có thể giảm triệu chứng, giảm nguy cơ tái phát và giảm những biến chứng nguy hiểm.

Khi đi thăm khám, tùy mức độ bệnh của từng người mà các bác sĩ sẽ chỉ định: 

- Làm các xét nghiệm cơ bản 

- Soi trực tràng: Chẩn đoán trĩ, tìm các tổn thương khác ở ông hậu môn – trực tràng… 

- Soi đại tràng: Ngoài chẩn đoán trĩ  còn thăm dò cao hơn tìm các tổn thương ở các đoạn đại tràng – trực tràng. 

- Các thăm dò khác để tìm nguyên nhân của bệnh trĩ: Siêu âm ổ bụng đánh giá bệnh lý u phì đại tuyến tiền liệt, đo chức năng hô hấp nếu có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính…

CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ HIỆU QUẢ

1. Điều trị bệnh trĩ thế nào?

Bệnh trĩ có điểm khác biệt với các bệnh khác là khi mới chớm bệnh, bệnh nhân chỉ cần điều chỉnh dinh dưỡng và sinh hoạt thì mọi chuyện sẽ ổn mà không cần can thiệp bằng các biện pháp y tế.

Người ta chỉ điều trị khi trĩ gây những rối loạn ảnh hưởng đến sinh hoạt và năng suất lao động của người bệnh. Hiện, điều trị trĩ có 2 hướng gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật.

Điều trị bệnh trĩ bằng nội khoa bao gồm:

- Rửa và ngâm nước ấm sạch 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần 15 phút.

- Thuốc uống: gồm các thuốc có tác nhân trợ tĩnh mạch.

- Thuốc tại chỗ có thể là các loại thuốc mỡ bôi ngoài da hoặc đạn dược đặt hậu môn.

Việc điều trị nội khoa có thể dùng thuốc Tây y hoặc Đông y, với cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.

  Mỗi hình thái, mức độ của bệnh trĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau

Mỗi hình thái, mức độ của bệnh trĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau

Điều trị bệnh trĩ bằng thủ thuật gồm:

- Chích xơ: Phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản, nhanh chóng và an toàn. Người thực hiện thủ thuật phải là bác sĩ có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt để tránh các biến chứng. Thông thường, chích xơ được chỉ định trong trĩ độ 1 và trĩ độ 2.

- Thắt trĩ bằng vòng cao su: Được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và 2.

- Quang đông hồng ngoại: Sử dụng nhiệt điều trị trĩ với mục tiêu là làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn. Quang đông hồng ngoại được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2. Phương pháp này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là đắt và thường phải làm thủ thuật nhiều lần.

- Phẫu thuật: Tuỳ mức độ phát triển của bệnh trĩ bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp, phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam là phẫu thuật Longo. Ưu điểm của phương pháp này là áp dụng được với trĩ độ 3, độ 4, không đau, thời gian nằm viện ngắn. Nhược điểm của phương pháp này là hơi tốn tiền. Phương pháp phẫu thuật dựa trên nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định mô trĩ vào ống hậu môn.

2. Bệnh trĩ có thể không cần phẫu thuật

Tùy vào vị trí của búi trĩ mà bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội xuất hiện trên cơ thắt hậu môn và là loại trĩ thường gặp. Còn trĩ ngoại là những búi trĩ xuất hiện phía dưới cơ thắt hậu môn.

Đối với trĩ nội độ 1, 2, 3 và trĩ ngoại không có biến chứng thì người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa, không cần phẫu thuật.

Tuy nhiên, đối với trĩ nội độ 4 và trĩ ngoại có biến chứng thì người bệnh cần được phẫu thuật điều trị và thực hiện thủ thuật trong điều trị.

Với những người bệnh ở thời kỳ đầu, triệu chứng mới xuất hiện, nếu kết hợp ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, bệnh nhân có thể tự điều chỉnh bệnh mà không cần phải dùng thuốc.

Trong trường hợp biểu hiện nghiêm trọng hơn (mức dưới cấp độ 3), búi trĩ còn nhỏ, chưa chảy máu nhiều, ở giai đoạn cấp tính gây đau, viêm nhiễm, nên dùng thuốc đặc trị kết hợp với ăn uống và sinh hoạt điều độ.

Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng đối với những bệnh nhân có dấu hiệu tiến triển nặng: trĩ độ 3 có búi trĩ to, trĩ độ 4, trĩ bị huyết khối gây tắc nghẹt cấp tính, trĩ hỗn hợp với trĩ ngoại lớn gây chảy máu và đau đớn nhiều, hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn gây đau thì cần phải phẫu thuật để điều trị hiệu quả.

Tuy nhiên, phẫu thật hay thủ thuật không phải là kết luận cuối cùng mà chỉ là một mắt xích trong phác đồ tổng thể.

Vì sau đó còn một việc cực kỳ hệ trọng là phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn tái phát. Vậy nên, các biện pháp điều trị và dự phòng tái phát là vô cùng quan trọng.

Sai lầm trong điều trị bệnh trĩ 

Một sai lầm thường gặp là cắt trĩ cho bệnh nhân ung thư trực tràng. Trong trường hợp này trĩ có thể là triệu chứng của ung thư trực tràng, có thể là ung thư trực tràng xuất hiện trên một bệnh nhân có trĩ đã lâu. Trong khi đó, việc phẫu thuật chỉ nên thực hiện khi trĩ là bệnh mà không phải là triệu chứng của một bệnh khác. Vì vậy, trước khi phẫu thuật phải khẳng định không có các thương tổn thực thể khác ở vùng hậu môn trực tràng. 

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 5

Cách đây không lâu, ông Vũ Ngọc Linh (55 tuổi, ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã phải nhập viện cấp cứu vì tự điều trị bệnh trĩ tại nhà. 

Ông Linh chia sẻ lại rằng trước đó ông thường xuyên đi ngoài ra máu nhưng nghĩ bị bệnh trĩ nên chỉ đến tiệm mua thuốc tây về uống. Đến khi bệnh nặng, mất máu nhiều, ông được người nhà chuyển vào Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ cấp cứu. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ra máu đường ống hậu môn trực tràng, choáng, mệt. Các bác sĩ thăm khám và xác định xuất huyết tiêu hóa dưới cấp tính (chảy máu hậu môn), có khối u lớn ở trực tràng bít tắc ống hậu môn. 

Ngay lập tức, các bác sĩ đã phẫu thuật khẩn cấp để cứu bệnh nhân. Sau khi bóc tách, lấy khối u kích thước 5x6 cm ra khỏi cơ thể người bệnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn có 2 khối u khác (kích thước 3x4 cm, 2x2 cm) nằm cách u ban đầu 15 cm. Sau nhiều giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy toàn bộ 3 khối u, cứu sống bệnh nhân.

3. Phòng ngừa bệnh trĩ bằng cách nào?

Theo chuyên gia tiêu hóa Đào Văn Long, bệnh trĩ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người tuân thủ một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.

Trong chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung nhiều chất xơ, đặc biệt chất xơ tinh bột chứa trong các loại khoai, củ, quả... khi được đưa vào ống tiêu hóa có tác dụng làm khuôn phân mềm, di chuyển dễ nếu có lượng nước thích hợp, chất nhờn của tinh dầu (vừng, lạc, dừa,...) của các loại lá có độ nhớt cao (nước rau mùng tơi, lá rau lang,...) và chất xơ tinh bột cũng có tác dụng hấp thu nước để tự làm mềm khối phân khi di chuyển.

Đồng thời, cần hạn chế các loại thực phẩm cay, nóng, không uống rượu, bia, cà phê, trà...

Ngoài ra, để tránh bị trĩ mọi người cũng cần uống đủ nước, ít nhất khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn.

Cần có cuộc sống điều độ, tập thể thao hàng ngày với các môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy, bơi…, tránh căng thẳng và tránh các môn thể thao nặng như tạ, tennis…

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 6

Nên tập thói quen xoa bụng sau khi ăn để giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn. Để lòng bàn tay áp sát bề mặt da bụng và xoa tròn đều theo chiều kim đồng hồ làm cho tay ma sát với bụng để cho bụng ấm dần lên.

Bắt đầu từ vùng thượng vị, bàn tay xoa rộng sang hai bên hông, rồi xoa dần đều xuống vùng bụng dưới, thực hiện lần lượt như vậy cho hết phần bụng. Cách tốt nhất là có thể thực hiện luôn trong thời gian đi bộ vào buổi tối, sau bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ, vừa đi bộ vừa xoa bụng giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn.

Khi có cảm giác muốn đi đại tiện nên đi ngay, trong lúc đi đại tiện không nên căng thẳng và nín thở, vì điều này sẽ dễ làm tăng lực ép lên tĩnh mạch ở đầu cuối trực tràng.

Tốt nhất nên tập thói quen đi đại tiện hàng ngày, đúng khung giờ, hỗ trợ thêm bằng cách xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và ngâm hậu môn bằng nước ấm mỗi ngày 15 phút.

Khi đi đại tiện cũng nên ngồi đúng tư thế để cơ thắt hậu môn được thả lỏng, giúp chất thải có thể ra ngoài dễ dàng hơn.

Tư thế thả lỏng cơ thắt hậu môn tốt nhất là ngồi xổm. Với bồn cầu được thiết kế không phù hợp với việc ngồi xổm có thể sử dụng một chiếc ghế nhỏ cao khoảng 20cm để đặt chân lên ghế khi đi vệ sinh sẽ giúp nâng cao đầu gối lên vị trí cần thiết.

Đặc biệt, những người làm văn phòng không nên ngồi quá 2 tiếng liên tục, cần đứng lên đi lại, vươn vai cơ thể, uống đủ nước.

Với những lái xe đường dài nên dừng xe nghỉ ngơi để uống nước, đi lại khoảng 5 – 10 phút.

Bên cạnh việc thay đổi lối sống cũng cần điều trị các bệnh lý nguyên nhân gây ra trĩ như: U phì đại tuyến tiền liệt, táo bón, xơ gan cổ chướng, bệnh lý hô hấp,…

  Nên tập thói quen không ngồi quá lâu

Nên tập thói quen không ngồi quá lâu

 

ĐÔNG Y CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ THẾ NÀO

1. Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ dưới góc nhìn của Đông y

Theo lương y Nguyễn Thanh Thúy (Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, ngõ 183 /22 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) bệnh trĩ hay còn gọi là bệnh lòi dom theo cách gọi dân gian, là bệnh xảy ra do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.

Trong Đông y, nguyên nhân gây bệnh trĩ là do sự kết hợp giữa hai yếu tố bên ngoài (ngoại tà) và yếu tố bên trong (nội nhân) gây ra. Ngoại tà khi xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương tràng vị, dẫn đến huyết mạch không được lưu thông, kinh lạc bị ứ trệ, thấp nhiệt bị tụ lại ở trực tràng gây nên bệnh.

Còn các yếu tố bên trong cơ thể do rối loạn chức năng của các tạng phủ, mất cân bằng âm dương, khí huyết hư nhược, huyết dịch không thông suốt làm tĩnh mạch trực tràng giãn to tạo thành bệnh trĩ.

Các thầy thuốc Đông y cũng cho rằng các nguyên nhân phát sinh bệnh trĩ đều tác động đến tỳ vị làm tỳ vị hư yếu mới làm bệnh trĩ bùng phát.

Bên cạnh đó, bệnh trĩ thường do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều chất chua cay, tửu sắc quá độ làm "thấp nhiệt nội sinh" đưa xuống đại tràng gây nên bệnh.

Ngoài ra, bệnh còn do bệnh tả lỵ lâu ngày; những người do công việc phải ngồi lâu hoặc đứng lâu, mang vác nặng; đại tiện táo bón, phụ nữ có thai… đều gây nên âm dương bất hòa, khí huyết rối loạn, trọc khí ứ trệ lưu trú ở hậu môn gây nên bệnh.

Do đó, để chữa trị và dự phòng sự tái phát bệnh trĩ, ngoài việc điều trị triệu chứng (làm teo các búi trĩ, chống táo bón, chống chảy máu…) phải tập trung vào điều trị gốc bệnh bằng cách bổ dưỡng tỳ vị.

2. Tìm dấu hiệu của bệnh trĩ từ miệng theo Đông y

Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ thêm: “Nhiều bệnh nhân tìm đến phòng khám Đông y của tôi để khám và điều trị trĩ do ngại đi khám và nội soi ở vùng hậu môn, một số khác tìm đến do sợ phải làm các thủ thuật gây đau đớn.

Điều thú vị của Đông y khi thăm khám và điều trị bệnh trĩ là chỉ cần bắt mạch, khám ở miệng bệnh nhân là có thể biết bệnh nhân có bị trĩ hay không, tình trạng bệnh ở mức độ nào mà không cần quan sát, đụng vào vùng kín của bệnh nhân.

Theo cách thăm khám bệnh của Đông y, để phát hiện bệnh nhân có bị trĩ hay không rất dễ, chỉ cần lật phần môi trên của bệnh nhân lên và quan sát đường nối từ mặt trong môi trên đến phần lợi răng hàm trên.

Nếu đường này là một đường thằng bình thường thì người đó không bị bệnh, còn nếu đường này xuất hiện một khối nhỏ bất thường thì người đó mắc bệnh trĩ. Khối nhỏ này kích thước càng lớn thì mức độ bệnh càng nặng.

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 8

Ngoài việc khám trĩ không cần đụng chạm vùng kín, trong Đông y, việc điều trị bằng các loại thảo dược không gây đau đớn hoặc các biến chứng hậu phẫu thuật như nhiễm trùng, hẹp hậu môn…

Phương pháp dùng thảo dược cũng hoàn toàn phù hợp giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng đối với bệnh nhân trĩ nặng nhưng không có chỉ định phẫu thuật (trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại, tình trạng sức khỏe không đủ, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em…).

Đó cũng là những lý do nhiều người bị trĩ tìm đến Đông y để được trợ giúp. Tuy nhiên, việc dùng biện pháp nào của Đông y để trị bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ Đông y để đạt hiệu quả tốt nhất và không gặp biến chứng do tự ý điều trị bệnh tại nhà”.

3. Các loại thảo dược giúp phòng và điều trị bệnh trĩ

Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ thêm, nhiều loại thảo dược Đông y có tác dụng kiện tỳ, bổ khí, cầm máu, giảm đau, chống viêm, thanh nhiệt, giải độc, sát trùng... Từ đó giúp bảo vệ và tăng sức bền của thành tĩnh mạch, tăng cường sức khỏe tĩnh mạch và đường tiêu hóa, giải quyết các vấn đề bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, chảy máu, đau rát hậu môn, phòng tái phát, bảo vệ bền vững.

  Có thể sử dụng lá diếp cá để cải thiện tình trạng của bệnh trĩ

Có thể sử dụng lá diếp cá để cải thiện tình trạng của bệnh trĩ

Rau diếp cá: Theo Đông y rau diếp cá có vị cay, tính hàn giúp thanh nhiệt giải độc cho cơ thể, các tinh dầu trong diếp cá có tác dụng làm bền mao mạch, tĩnh mạch, chống viêm, tiêu sưng diệt khuẩn nên có thể sử dụng chữa trị các bệnh lý về đường ruột hiệu quả.

Với những người bị bệnh trĩ thì việc sử dụng rau diếp cá mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị những triệu chứng về bệnh trĩ như táo bón, chống viêm, co búi trĩ.

Ngâm rau diếp cá với nước muối cho sạch rồi để ráo nước và ăn sống rau diếp cá trong các bữa ăn hàng ngày để giúp hỗ trợ điều trị bệnh.

Bên cạnh việc ăn sống, người bị bệnh trĩ cũng có thể xay rau diếp cá lấy nước uống hàng ngày sẽ hỗ trợ việc phòng và điều trị bệnh trĩ một cách hiệu quả.

  Cây nhọ nồi có thể hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

Cây nhọ nồi có thể hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

Cây nhọ nồi: Theo Đông y, cây nhọ nồi không độc, có vị chua và ngọt, có tính hàn, đây là loại thuốc quý chữa được nhiều bệnh tật.

Tác dụng của cây nhọ nồi là lương thuyết, cầm máu tốt, bổ thận, điều trị chứng bệnh huyết nhiệt, huyết áp cao, chảy máu cam, mề đay…

Với người bị trĩ chảy máu, dùng nhọ nồi xay hoặc giã uống có tác dụng cầm máu và hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt.

  Đương quy hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

Đương quy hỗ trợ điều trị bệnh trĩ

Đương quy: Vị thuốc này có vị ngọt, cay, ấm rất lành tính, có tác dụng bổ máu, hoạt huyết, giảm đau... đi vào can, tâm và tỳ được áp dụng tốt cho các trường hợp thiếu máu, chảy máu, đau do ứ máu. Với công dụng này, đương quy có thể điều trị bệnh trĩ rất tốt.

Ngoài ra, các loại rau sam, chua me đất, cùi ồi chín… cũng có tác dụng nhuận tràng, giúp phòng và điều trị bệnh trĩ.

4. Tự bấm huyệt chữa trĩ

Để chữa trĩ, người bệnh cũng có thể tự bấm các huyệt Khổng tối, Bách hội, Thượng liêm, Túc tam lý…

Trong đó, huyệt khổng tối là huyệt khích của thủ thái âm phế kinh, có vị trí nằm ở gần khuỷu tay, cách cổ tay lên trên 7 thốn (nếu tính từ lằn chỉ cổ tay đến lằn nếp khuỷu là 12 thốn thì huyệt vị này có vị trí bằng 7/12 khoảng cách trên).

Huyệt bách hội có vị trí nằm chính giữa đỉnh đầu, giao điểm của đường chính trung và đường nối hai đỉnh vành tai. Bách hội là nơi hội tụ của lục phủ ngũ tạng, có tác dụng nâng được dương khí bị hạ hãm.

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 12

Thượng liêm là huyệt thuộc kinh Thủ dương minh Đại tràng, nằm dưới đầu ngoài nếp gấp ở khuỷu tay 3 thốn.

Huyệt túc tam lý là huyệt thuộc kinh túc dương minh vị, có vị trí nằm ở gần đầu gối, cách hõm ngoài đầu gối ngang một bàn tay khoảng 3 thốn. Khi phối hợp với huyệt thừa sơn, nó có tác dụng sơ thông trệ khí ở tràng vị (ruột và dạ dày).

Bệnh trĩ nội, trĩ ngoại: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 13

Thừa sơn là huyệt thuộc kinh túc thiếu dương bàng quang, nằm ở bắp chân, chỗ trũng của 2 bắp cơ sinh đôi, khi co bắp chân sẽ hiện rõ khe của cơ sinh đôi này. Bấm huyệt thừa sơn có tác dụng làm mát huyết, điều hòa khí các phủ, trị trĩ, sa trực tràng.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO