Báo Điện tử Gia đình Mới

Bị cảm cúm, khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nhiều người cứ nghĩ cúm là bệnh thông thường nên mặc kệ cho bệnh tự khỏi. Nhưng thực tế cúm cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vậy bị cúm cần đi gặp bác sĩ khi nào?

Bác sĩ Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh thông tin, cúm là một bệnh lây nhiễm mạnh, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường hay xảy ra vào những tháng mùa đông, vì thời tiết lạnh, mọi người dành nhiều thời gian “cho nhau” hơn. Bệnh rất dễ lây từ người sang người khi ho, hắt hơi, hoặc chạm vào các bề mặt có chứa dịch tiếp xúc.

Nhiều người cứ nghĩ cúm là bệnh thông thường, nhưng thực tế cúm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, nhất là ở trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc những người có các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, bệnh tim, bệnh phổi mạn tính...

  Người bị cảm cúm thường có triệu chứng ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, đau cơ, đau họng... Ảnh minh họa

Người bị cảm cúm thường có triệu chứng ho, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, đau cơ, đau họng... Ảnh minh họa

Những triệu chứng thường gặp của cúm

Triệu chứng của bệnh cúm mùa có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng thường có các triệu chứng sau:

- Sốt trên 37,8 độ C

- Đau đầu, đau cơ

- Mệt mỏi

- Ho và đau họng có thể xuất hiện.

- Hắt hơi, chảy nước mũi

Người bị mắc cúm thường sốt từ 2 đến 5 ngày. Đó là sự khác nhau với sốt do nhiễm virus đường hô hấp trên gây ra, thường hồi phục sau 24 đến 48 giờ.

Hầu hết người bị cúm mùa thường có sốt và đau cơ và một vài người có triệu chứng giống như cảm lạnh (chảy mũi, đau họng).

Triệu chứng của cúm mùa cải thiện sau 2 tới 5 ngày, mặc dù bệnh có thể kéo dài tới 1 tuần hoặc hơn. Yếu cơ và mệt mỏi có thể dai dẳng sau vài tuần.

Mặc dù cúm là bệnh thông thường nhưng cũng có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm ở một vài người.

Trong đó, viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất. Viêm phổi là một nhiễm trùng nguy hiểm ở phổi và hay xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc người trên 65 tuổi, người sống trong trại dưỡng lão, người mắc đái tháo đường hoặc có các bệnh lý nền tim - phổi. Viêm phổi cũng thường gặp ở bệnh nhân miễn dịch suy giảm như bệnh nhân ghép tạng.

Cúm thường được chẩn đoán bằng triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, đau cơ). Xét nghiệm cúm có thể được sử dụng trong một vài trường hợp, đặc biệt là trong mùa dịch cúm bùng phát và bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.

  Người bị cúm nên đến cơ sở y tế thăm khám khi cảm thấy khó thở, có triệu chứng đau hoặc thắt chặt vùng ngực hoặc dạ dày. Ảnh minh họa

Người bị cúm nên đến cơ sở y tế thăm khám khi cảm thấy khó thở, có triệu chứng đau hoặc thắt chặt vùng ngực hoặc dạ dày. Ảnh minh họa

Khi nào cần người bị cúm cần đi khám bác sĩ?

Theo chia sẻ của bác sĩ Thi, hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục sau 1 đến 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số biến chứng nguy hiểm của cúm có thể xảy ra.

Vậy nên, người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay khi có các biểu hiện như:

- Cảm thấy khó thở

- Có triệu chứng đau hoặc thắt chặt vùng ngực hoặc dạ dày.

- Có các dấu hiệu thiếu dịch như chóng mặt khi đứng hoặc không đi tiểu

- Cảm thấy rối, lo lắng.

- Người bệnh bị nôn nhiều, không thể dừng lại, hoặc không thể uống đủ dịch.

Nếu con trẻ bị cúm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu trên hoặc nếu có thêm các dấu hiệu dưới đây:

- Da xanh hoặc hơi tím

- Trẻ kích thích, không muốn được ôm- giữ.

- Khóc không có nước mắt (ở trẻ nhũ nhi)

- Sốt và phát ban

- Không dễ đánh thức

Có một vài đối tượng có nguy cơ cao biến chứng của cúm bao gồm: Phụ nữ mang thai, trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt là dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có các bệnh phổi mạn tính như hen, bệnh tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (như HIV, ghép tạng) và một vài bệnh lý khác.

Vì vậy, nếu bản thân hoặc người thân có triệu chứng của cúm và thuộc nhóm tăng nguy cơ biến chứng, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc điều trị triệu chứng của cúm có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, nhưng không giúp nhanh khỏi cúm. Quan trọng là người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao. Uống đủ nước để tránh bị mất nước. Một cách đơn giản giúp chúng ta biết có uống đủ nước không là quan sát màu sắc nước tiểu. Bình thường, nước tiểu có màu vàng nhạt - trong. Nếu uống đủ nước, thì sẽ buồn tiểu mỗi 3 đến 5 giờ.

Để phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt những điều sau:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc-xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO