Báo Điện tử Gia đình Mới

Bố mẹ đi làm xa, hai chị em bắt cóc tự làm thịt ăn bị ngộ độc nặng

Hai chị em bắt được cóc mang về làm thịt, tự nấu cho nhau ăn dẫn tới bị ngộ độc, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Một em đã tử vong, còn một em đang được cứu sống.

Bé gái đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương

Bé gái đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung Ương

Ngày 31/5, Khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Thị Mây (11 tuổi, Hòa Bình) bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc. 

Theo lời kể của người mẹ, vợ chồng chị đi làm ăn xa, hai con gái ở nhà cùng bà ngoại, khoảng 8 giờ tối ngày 30/5 hai chị em bé Mây rủ nhau đi bắt cua và có bắt được một con cóc rồi mang về tự nấu cho nhau ăn.

Sau khi ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng có biểu hiện: nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu… nhưng do ăn nhiều hơn em nên chị gái của bé Mây đã không qua khỏi, còn Mây được các bác sĩ chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Mây nhập viện trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Các bác sĩ xác định bé bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm cần thiết. Kết quả sau hai ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện. Hiện bé đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Về vấn đề này, TS.BS Lê Ngọc Duy – Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa lành bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cháu.

Thịt cóc không chứa độc tố, tuy nhiên nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin – một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong như trường hợp của bé Mây.

Trẻ bị ngộ độc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Duy khuyến cáo các gia đình không nên ăn thịt cóc. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm nếu sơ suốt khi chế biến.

Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc. Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng…

Nếu muốn dùng thịt cóc, cần tránh sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn như ruốc cóc, thịt cóc,… do không đảm bảo về an toàn và vệ sinh. Tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi chế biến phải để thịt cóc sạch sẽ, không bị da, nhựa,… dính vào.

Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ…và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO