Báo Điện tử Gia đình Mới

Bơi tự cứu dịch cân kinh – Kiểu bơi Phòng chống đuối nước

Bơi tự cứu dịch cân kinh là một kiểu bơi sinh tồn dựa trên kỹ thuật chống chìm theo kiểu nhô lên hụp xuống trong nước được HLV Thể chất Fred Lanoue của Học viện Công nghệ Georgia Mỹ đề xuất năm 1963.

Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.

Bơi tự cứu dịch cân kinh – Kiểu bơi Phòng chống đuối nước 0

Kỹ thuật chống chìm này rất đơn giản và dễ thực hành tại bể bơi. Khi là giáo viên ở GaTech, Fred Lanoue đã dạy cho 20.000 sinh viên của trường biết bơi kiểu này.

Năm 2010, với sự tài trợ của Tổ chức Viện trợ Nhân đạo thuộc Ủy ban Châu Âu (Humanitarian Aid – Eurocommission) cùng CECI và ACTED, 10.000 cuốn Kỹ thuật Bơi tự cứu của E-Bơi dựa trên kỹ thuật Drown Proofing của Fred Lanoue đã được in và phát tới Lào Cai, Kontum trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó thiên tai cho cộng đồng vùng cao Việt Nam”.

Kỹ thuật Bơi tự cứu có thể giúp người chưa biết bơi thoát đuối nước theo 3 bước dưới đây:

Bơi tự cứu dịch cân kinh – Kiểu bơi Phòng chống đuối nước 1
  1. Hãy rơi xuống nước trong trạng thái thả lỏng, cố gắng thẳng lưng, nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở (có thể dùng tay bịt mũi) để khỏi sặc. Tới độ sâu nhất định, cơ thể sẽ dừng lại, không chìm sâu hơn nữa do lực đẩy nổi của nước;
  2. Lực đẩy nổi của nước bắt đầu đẩy người nổi dần lên, đầu lập lờ, sát ngay mặt nước, thân người có thể thẳng đứng hay khom khom úp sấp (bập bênh bán an toàn). Tùy thuộc quần áo mặc trên người mà quá trình đẩy nổi này nhanh hay chậm. Nhanh thì 3-5 giây, chậm thì 7-10 giây. Nếu sợ nổi chậm quá dễ bị ngạt thì có thể quạt tay từ dưới sâu để nổi lên nhanh hơn. Trong suốt quá trình này, có thể nín thở, cũng có thể thở ra nhè nhẹ bằng mũi. Lưu ý thở ra nhiều thì nổi lên chậm, hay không nổi được nữa;
  3. Khi đầu tới sát mặt nước thì gập tay nơi khuỷu cho hai bàn tay lên ngang vai, lòng bàn tay hướng tới trước rồi gồng tay quạt, ấn nước xuống để đầu nhô khỏi mặt nước, há miệng thở ra rồi thở vào. Lúc này có thể mở mắt ra để quan sát. Tiếp đó lại rơi trở lại nước. Chú ý không quạt tay quá mạnh vì lên cao quá thì lại rơi xuống sâu, đợi nổi lâu.

Toàn bộ quá trình trên lặp đi lặp lại, giúp người gặp nạn có thể tồn tại rất lâu dưới nước mà không mất sức. Nếu quạt xiên tay ra phía sau thì có thể bơi tới, mỗi chu kì tiến được khoảng 30 – 40 cm.

Sau 3 lần trồi lên hụp xuống là có thể tiến được 1m, tất nhiên là rất chậm so với 4 kiểu bơi cơ bản. Bù lại, người bơi không mất sức và có khả năng quan sát tốt mỗi lần nhô lên; có thể la to gọi người tới cứu.

E-Bơi đã dạy nhiều trẻ tiểu học ung dung vượt qua đoạn bể 25 m rất dễ dàng. Thời gian tồn tại dưới nước không là vấn đề nếu nước không quá lạnh.

So sánh 4 kiểu bơi cơ bản trườn sấp, ếch, ngửa, bướm (4 hình bên trái) với Bơi tự cứu (hình bên phải) ta thấy trong 4 kiểu bơi cơ bản, thân người lướt song song mặt nước nhờ lực của quạt đạp của chân tay còn trong Bơi tự cứu, thân người chuyển động lên xuống vuông góc hay xiên xiên với mặt nước chỉ nhờ lực ấn nước của tay cộng với lực đẩy nổi của nước (lực Archimedes).

Diện tích mặt nước cần cho 1 người tập Bơi tự cứu Dịch cân kinh rất nhở chỉ là 1-2m2. Liệu bạn có thể tập bơi ếch, trườn sấp… từng đó mặt nước?           

  4 kiểu bơi sải, ếch ngửa, bướm (bên trái) và bơi tự cứu dịch cân kinh (bên phải)

4 kiểu bơi sải, ếch ngửa, bướm (bên trái) và bơi tự cứu dịch cân kinh (bên phải)

Với cách chuyển động này, Bơi tự cứu ít tốn sức mà trong tình cảnh hiểm nghèo, khi nước là đối thủ, là Hà Bá, là Thần Chết thì việc này vô cùng hữu ích.

Việc nhô lên hụp xuống giúp ta vừa tồn tại rất lâu trong nước vừa quan sát được xung quanh rồi gọi người tới cứu. Ta cũng có thể quạt nước để từ từ tiến vào bờ hay vào nơi bớt nguy hiểm hơn. 

Tại sao là “Bơi tự cứu Dịch cân kinh”?

Việc phổ biến rộng kiểu bơi trên khá khó khi nhiều vùng thiếu bể bơi. Để khắc phục, E-Bơi đã làm như sau:

  • Học lý thuyết trước – Thực hành sau
  • Tập trên cạn trước – Dưới nước sau, (Học bơi = Học trên cạn + Bơi dưới nước);
  • Tập miếng ghép trước – Tập lắp ghép sau (Drown Proffing = Thở + Lặn/Nổi + Chuyển động);

Bơi tự cứu dịch cân kinh

Chỉ là giữ thẳng thân mình vẩy tay

Tập như thể dụng hàng ngày

Khi rơi xuống nước, bơi ngay sợ gì

Thường thì người ta ít quan tâm tới kiến thức bơi lội. Cứ học bơi là nhảy luôn xuống nước quạt tay, đạp chân theo ý thích hoặc theo hướng dẫn của giáo viên (học kiểu bắt chước). Người có năng khiếu học nhanh, người không có năng khiếu học chậm, có thể sau vài khóa học cũng bơi được.

Vì không học lý thuyết nên ít người bơi đúng, bơi đẹp; học kiểu bơi nào biết kiểu bơi đó. Có chuyện học kiểu này bao tiền, kiểu kia bao tiền là vì vậy. Khi nắm vững lý thuyết bơi lội, bạn không những có thể tự học bơi ếch, sải, bướm, chó, đứng nước… mà còn có thể tạo ra các kiểu bơi khác theo ý mình.

Bạn đừng cười khi E-Bơi nói, học bơi chả khác gì với học toán, học lái xe, học đàn piano, hay học vẽ. Mọi sự học hành đều bắt đầu từ lý thuyết tới thực hành, từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, từ riêng rẽ tới tổng thể…

Lý thuyết và thực hành của Bơi tự cứu Dịch cân kinh hay của các kiểu bơi khác gói gọn trong 8 Biết, mà 4 Biết đã được đề cập khá chi tiết trong các bài viết trước: 

Một Biết Đuối nước - Tại sao?

Hai Biết Đuối nước Nơi Nào xảy ra

Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta

Năm là Biết cách Thở ra, Thở vào

Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao

Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho xinh

Tám Bơi kiểu Dịch cân kinh

Kiểu bơi dễ học cứu mình, cứu con

4 Biết còn lại là Thở, Lặn/Nổi, Chuyển động và Bơi tự cứu Dịch cân kinh sẽ được hướng dẫn chi tiết trong các bài viết tới đây trên Gia Đình Mới. Học đủ 10 Biết, mọi người sẽ vừa biết phòng chống đuối nước vừa biết Bơi tự cứu Dịch cân kinh và còn học được các kiểu bơi khác theo ý muốn.

Không biết huấn luyện viên Fred Lanoue đã dạy sinh viên Gatech thế nào, còn E-Bơi thì dạy thanh thiếu niên tập thở với chậu nước, tập lặn trong thùng phuy và tập chuyển động với bài hát cùng nhau ta tập bơi:

  Học sinh Chi Đông, Hà Nội, tập thở với chậu nước

Học sinh Chi Đông, Hà Nội, tập thở với chậu nước

  Học sinh Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang tập lặn trong thùng phuy

Học sinh Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang tập lặn trong thùng phuy

  Thanh thiếu niên Chi Đông Hà Nội tập Bơi tự cứu Dịch cân kinh với hát bài “Cùng nhau ta tập bơi”

Thanh thiếu niên Chi Đông Hà Nội tập Bơi tự cứu Dịch cân kinh với hát bài “Cùng nhau ta tập bơi”

Cùng nhau ta tập bơi

Kiểu bơi đơn giản nhất

Gọi tên Bơi tự cứu

Ta cứu chính ta thôi

 

Sợ chi rơi chìm sâu

"Òm om"... ngân thở khẽ

Bong bóng khí thoát ra

Nước sao sặc vào?

 

Cùng nhau ta tập bơi,

Kiểu bơi đơn giản nhất,

Gọi tên Bơi tự cúu,

Ta cứu chính ta thôi

 

Quạt tay vươn người lên

Đầu nhô ra khỏi nước

Miệng há lấy hơi thôi

Quá yên tâm rồi!

 

Quạt tay vươn người lên

Đầu nhô ra khỏi nước

Miệng há lấy hơi thôi

Quá yên tâm rồi!

* Lời bài hát này được E-Bơi chế từ bài "Cùng nhau đi Hồng binh" của cố Nhạc sĩ Đinh Nhu. Rất mong Nhạc sĩ và gia đình Nhạc sĩ cho phép "Để trẻ em Việt Nam không còn bị đuối nước".

Sau khi học lý thuyết, thực hành trên (cạn có nước, không có nước), khi có điều kiện mọi người có thể thực hành Bơi tự cứu Dịch cân kinh trong bể bơi mini, bể bơi công cộng hay ở môi trường nước hở khác.

Tuy nhiên, luôn nhớ rằng, biết bơi không đảm bảo an toàn đuối nước 100%. Ngay khi luyện tập với nước/ dưới nước, trẻ nhỏ cần được bố mẹ, người lớn trông nom cẩn thận vì sơ sểnh một tẹo là nguy hiểm!

Khi ai cũng có thể học Drown Proofing với cách thức như trên, không phân biệt vùng miền, không phân biệt điều kiện kinh tế thì nó trở thành Bơi tự cứu.

Tự cứu ở đây với nghĩa ta tự cứu ta không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Vì cách vẩy tay lên xuống giống như cách vẩy tay của Dịch cân kinh, nên E-Bơi gọi nó là Bơi tự cứu Dịch cân kinh.

Bơi tự cứu dịch cân kinh

Tự học rất dễ, cứu mình, cứu con

Khắp miền non nước nước non

Ai ai cũng biết thì còn lo chi

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

Bơi tự cứu dịch cân kinh – Kiểu bơi Phòng chống đuối nước 6

TS Phạm Anh Tuấn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO