Báo Điện tử Gia đình Mới

Người bị đột quỵ gia tăng trong những ngày rét đậm, làm sao để phòng ngừa?

Thời tiết rét đậm là một trong những nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Làm cách nào để phòng ngừa bệnh đột quỵ?

Vì sao mùa đông dễ bị đột quỵ?

Theo thông tin từ BV Bãi Cháy, từ đầu tháng 1 đến nay, lượng bệnh nhân vào đơn vị này điều trị liên quan đến đột quỵ tăng 10% so với thời điểm cùng kì. Thời tiết lạnh đột ngột, có những ngày xuống dưới 10 độ C khiến nguy cơ máu đông và tắc nghẽn động mạch tăng cao.

Những người cao tuổi (từ 50 trở lên), người bị huyết áp cao, người bị đái tháo đường, người hút thuốc lá và béo phì là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ mùa lạnh cao nhất.

Đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà còn do di chứng để lại là rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian nguy hiểm để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần...

  Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời có thể gặp phải những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong

Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời có thể gặp phải những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong

BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền, khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Bãi Cháy cho biết, đối với các bệnh nhân đột quỵ não cần phải vào viện cấp cứu sớm từ 3 giờ đến 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh.

Đây là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Căn cứ vào tình trạng người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám, đưa ra đánh giá và chỉ định điều trị phù hợp.

Với các trường hợp nhồi máu não trong “thời gian vàng”, bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để làm tan huyết khối, tái lưu thông mạch máu não.

Một số trường hợp xuất huyết não có thể chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất và bơm thuốc tiêu sợi huyết vào não thất dưới hướng dẫn của hệ thống định vị để dẫn lưu khối máu tụ ra ngoài…

Vì vậy để chủ động phòng ngừa bệnh đột quỵ thì việc nâng cao kiến thức phòng ngừa đột quỵ cho bản thân, gia đình và việc giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá là thực sự cần thiết.

Cách phòng ngừa đột quỵ trong ngày đông lạnh

Người dân cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa, không đi tập thể dục quá sớm, ăn uống đủ chất tăng sức đề kháng…

Bệnh tăng huyết áp cũng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Do vậy, trong mùa lạnh người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

Những người có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào cần bỏ thuốc vì hút thuốc là một trong những căn nguyên gây ung thư phổi và đột quỵ.

Hạn chế uống rượu, bia

Thường xuyên vận động, luyện tập nâng cao sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Khi thấy người thân có các dấu hiệu nghi đột quỵ như chóng mặt, đau đầu, tê nửa người, mặt thiếu cân xứng, miệng méo... hoặc một số biểu hiện khác như cảm giác tê mỏi chân tay, khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh hoạt, mỏi lưỡi tê cứng, nói chậm, rối loạn trí nhớ, không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh... cần chuyển đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO