Báo Điện tử Gia đình Mới

Cách rút tỉa chân nhang bàn thờ đúng phong thủy, tránh phạm điều kỵ

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà hướng dẫn cách rút tỉa chân nhang (chân hương), dọn dẹp bàn thờ theo đúng phong thủy, tránh phạm phải những điều tối kỵ.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Công ty phong thủy Song Hà, Hà Nội) cho biết, công việc rút tỉa chân nhang bao sái, tổng vệ sinh bàn thờ chúng ta phải làm sau khi tiến hành nghi lễ, thủ tục cúng ông Công ông Táo.

Cần chuẩn bị gì trước khi rút tỉa chân nhang?

Để thực hiện rút chân nhang, tỉa chân nhang, bao sái, tổng vệ sinh bàn thờ, các gia đình cần chuẩn bị:

- Một tấm vải đỏ hoặc vải vàng.

- Khăn mới, sạch sẽ

- Rượu (từ 40 độ trở lên), gừng cả củ, 5 loại nguyên liệu để tạo nước ngũ vị hương gồm: quế khô, hồi khô (2 loại bắt buộc) cùng với các nguyên liệu khác như xả, hương nhu, lá nếp, lá bưởi... 

  Rút tỉa chân nhang là việc rất quan trọng đối với mỗi gia đình dịp cuối năm.

Rút tỉa chân nhang là việc rất quan trọng đối với mỗi gia đình dịp cuối năm.

Cách thức thực hiện rút, tỉa chân nhang:

- Đầu tiên, phải tạo nước có 7 mùi hương: Gừng cả củ, không cạo vỏ, không bẻ nhỏ mà để nguyên rửa sạch. Sau khi rửa sạch, để ráo, để nguyên củ và đập dập, sau đó đem xay trong rượu. Ngâm rượu gừng 7 ngày 7 đêm với khoảng 1,5 - 2 lít rượu.

- Sau 7 ngày, 7 đêm ngâm rượu gừng, đến ngày rút tỉa chân nhang thì gia chủ đun nước ngũ vị hương. Dùng 5 loại nguyên liệu trên để đun tạo mùi hương, đổ 1 lít rượu gừng vào đun cùng.

- Ngâm khăn sạch trong nước ngũ vị hương.

- Đặt tấm vải vàng hoặc vải đỏ lên bàn, dọn các đồ thờ như cây nến, khay nước, chén nước, hũ tài lộc, lư đồng, bộ ngũ sự, tam sự, lọ hoa... đặt trên tấm vải. Tuyệt đối không được để dưới đất.

- Chú ý, để nguyên bát hương vì theo các cụ từ xưa truyền lại, bát hương phải luôn luôn an vị, an tọa trên bàn thờ, tuyệt đối không xê dịch bát hương. 

Chuyên gia Song Hà chia sẻ: "Với 17 năm kinh nghiệm trực tiếp đi thực hành, tôi nhận thấy những gia đình nào gây động ban thờ, mang bát hương đổ ra hoặc xê dịch bát hương, thì hầu hết gia đình đó gia đạo không bình an, công việc xáo trộn, tài chính giảm sút.

Do đó, những gia đình cẩn thận, dùng keo để dính đáy bát hương với bàn thờ".

  Chuyên gia phong thủy Nguyễn song Hà hướng dẫn cách thức rút tỉa chân nhang cuối năm.

Chuyên gia phong thủy Nguyễn song Hà hướng dẫn cách thức rút tỉa chân nhang cuối năm.

- Sau khi bỏ hết đồ thờ ra khỏi bàn thờ cho thoáng đãng để tiến hành lau dọn, một tay giữ bát hương, một tay nhẹ nhàng rút từng chân nhang ra. (Tuyệt đối không bê bát hương ra khỏi vị trí, rút hết các chân hương và đổ tro ra khỏi bát hương. Đó là việc làm sai hoàn toàn).

Chuyên gia Song Hà khuyên, trong mỗi bát hương, nên có cốt là chút bạc để tạo linh khí, kỵ tà khí. Đầy đủ hơn là sắm thất bảo: một chút lá bạc, một chút lá vàng, san hô đỏ, mã não, rubi, ngọc trai, hổ phách.

Nếu trong bát hương chưa có cốt, gia chủ muốn cho thêm vào thì vẫn phải giữ yên bát hương đó, rồi khéo léo nhồi nhẹ nhàng cốt vào bát hương. Cốt nên bọc trong giấy trang kim mới không cháy. (Tuyệt đối không xê dịch bát hương, đổ tro ra để cho cốt vào).

Nếu chẳng may trong quá trình rút tỉa chân nhang, bát hương bị xê dịch chút ít thì cần sắm lễ, đốt nến để xin an vị bát hương. 

Trong gia đình, ai là người rút tỉa chân nhang?

Chuyên gia cũng khuyên, việc rút tỉa chân nhang là việc vô cùng quan trọng, nếu không tự tin, gia đình cần bố trí 2 người lớn làm việc này.

Một người giữ chắc bát hương, một người nhẹ nhàng tỉa chân nhang. Để lại số chân nhang là số lẻ, ít nhất là 9 chân nhang, nhiều là 25 chân nhang. Tuyệt đối không để 4, 14, 24 chân nhang.

Những người tham gia vào công việc tỉa chân nhang, rút chân nhang, tổng vệ sinh bàn thờ phải lưu ý:

- Nếu là phụ nữ: Không trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Nam giới và phụ nữ không được sinh hoạt vợ chồng vào tối hôm trước, phải giữ gìn thân thanh tịnh.

- Không ăn những đồ phạm vào giới tứ linh: cá chép, rùa, ba ba, mắm tôm, mắm tép, thịt chó, tỏi...

- Khi làm công việc rút tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ thì người làm phải trong trạng thái vui vẻ, hoan hỉ, không cãi vã, tranh luận, tức giận... sẽ mang khí xấu ảnh hưởng việc thờ cúng.

Cần làm gì sau khi rút tỉa chân nhang?

- Sau khi rút tỉa chân nhang, tiến hành lau dọn ban thờ. Đầu tiên, dùng khăn ngâm nước 7 mùi hương lau bát hương. Lau mặt ngũ nghi trước (phía trước mặt), sau lau 2 bên rồi mới lau phía sau. Không lau lộn xộn. 

Lau bát hương xong, mới lau những đồ thờ còn lại.

Khi lau dọn bàn thờ, rút tỉa chân nhang phải làm nhẹ nhàng, gọn gàng, từ tốn, người trong gia đình không cãi vã, tranh luận để tránh kinh động đến cộng đồng chư vị linh thần.

Một sai lầm khi dọn dẹp bàn thờ là nhiều gia đình thường mở toang hết các cửa ở phòng thờ, khiến phòng thờ sáng choang. Điều này rất tối kỵ, chúng ta vẫn phải giữ gìn phòng thờ tránh ánh nắng mặt trời chiếu rọi, vì như thế là dương quan sát, ảnh hưởng rất xấu khi thờ cúng về sau.

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO