Báo Điện tử Gia đình Mới

Cafe sáng: Con trai vào bếp nói lên điều gì?

Những người có con trai vào bếp như bạn mình không ít, và những người có quan điểm đừng dạy con trai làm bếp, sợ sau này lấy phải vợ lười thực ra còn khá nhiều.

Con trai bạn năm nay 13 tuổi, và cậu bé không chỉ giỏi các môn thể thao cậu ấy ưa thích là bóng rổ và bơi, cậu còn rất thích vào bếp. Cái sự thích ấy bắt đầu từ khi cậu chừng 10 tuổi, sau khi bỗng dưng thấy một sự đam mê nào đó bùng lên sau khi xem các show trên tivi về Master Chef. Thế là cậu xin mẹ cho vào bếp, và từ chỗ chỉ là “phụ bếp”, cậu đã thành bếp chính khi mẹ và bố đều bận công việc, có nhiều hôm về nhà rất muộn.

Bạn vui lắm, rất tự hào và đem khoe với mọi người. Rất nhiều người thích cậu bé, ủng hộ. Nhưng cũng có vài người bạn nữ thì lại bảo, “sao lại làm thế, sau này nó lớn lên lấy phải vợ đoảng không làm được việc nhà thì sao”.

Bạn có vẻ buồn, và trong một lần chat với mình, bạn bảo, thôi không khoe nữa, bởi thiên hạ nhiều chuyện quá. Mình thì bảo, sao lại thế, hay mà. Con trai vào bếp là một điều rất tuyệt.

Bởi con làm việc nhà, con biết nấu ăn, con chủ động rèn cho mình nhiều kĩ năng cơ bản, trong đó có kĩ năng đi chợ và nấu ăn. Như thế, con sẽ càng tự lập, tự tin và tự chủ hơn nữa chứ, sao lại ngại mấy chị phụ nữ có tư tưởng cũ kĩ kia.

Cafe sáng: Con trai vào bếp nói lên điều gì? 0

Những người có con trai vào bếp như bạn mình không ít, và những người có quan điểm đừng dạy con trai làm bếp, sợ sau này lấy phải vợ lười thực ra còn khá nhiều. Nhưng bây giờ là thế kỉ 21 rồi, nên nghĩ thoáng một chút đi.

Một con người, dù là nam hay nữ, mà có thể làm được nhiều thứ, nếu không nói là đa năng, thì càng tốt chứ sao, nhất là khi người ấy được khuyến khích và tạo điều kiện cho từ khi còn nhỏ. Đấy là khuyến khích sáng tạo, tạo điều kiện cho tư duy độc lập, dám nói lên chính kiến và quan điểm của mình, dám ước mơ. Vào bếp là vào với dạ dày, vào với trái tim của ngôi nhà, vào với những điều nhẹ nhàng và đáng yêu của gia đình.

Nếu đấy là đam mê của trẻ trai, nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con. Nếu con chưa biết làm những việc như thế trong bếp thì cũng tạo điều kiện cho con làm, thậm chí đừng ngại giao cho con việc chọn đồ ăn khi đi chợ để bắt đầu phát triển các kĩ năng sống và từ đó phát triển cả khả năng quản lí chi tiêu.

Con trai vào bếp chẳng có gì phải xấu hổ cả. Vì cái bếp không phải và không bao giờ là độc quyền của phái nữ cả. Và còn câu chuyện về “nữ công gia chánh” nữa. Đừng coi đó chỉ là những thứ mà nữ xứng đáng học, cần học.

Trương Anh Ngọc

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO