Báo Điện tử Gia đình Mới

Cấp cứu thành công bệnh nhân nguy kịch có nhóm máu cực hiếm

Vừa qua, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang cấp cứu thành công một ca bệnh hi hữu. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, mất máu nặng. Đáng nói, nhóm máu bệnh nhân rất hiếm, chỉ có khoảng 0,08% người Việt có nhóm máu đó.

CD4E7800-B221-4F72-BAAC-687BBA1CF59C

Ngày 26/4, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận một bệnh nhân được người nhà đưa vào với tình trạng sốc nặng: khó thở, nhịp thở nhanh. Cùng với đó, bệnh nhân có nhiều vết thương nặng như vết thương thấu vai, thương đứt gân... gây ra tình trạng mất máu nặng...

Qua thăm khám và các xét nghiệm, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán: Đa chấn thương, sốc mất máu, suy hô hấp tràn máu tràn khí màng phổi bên phải do vết thương thấu ngực. Đáng lưu ý, bệnh nhân có nhóm máu hiếm - nhóm máu O Rh(-). Nhóm máu là sự "cản trở" rất lớn buộc các bác sĩ phải cân nhắc rất nhiều trong việc xử lý cấp cứu cho bệnh nhân. 

Về nhóm máu của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - PTK Huyết học truyền máu cho biết: "Khi người có Rh(-) trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh(+) thì sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến.

Nếu người cần được truyền máu là Rh(+) thì truyền máu Rh(+) hoặc Rh(-) đều được, nhưng nếu người cần được truyền máu là máu Rh(-) thì nhất thiết phải được truyền máu Rh(-).

Tỷ lệ Rh (-) của người Việt là 0,08% (rất hiếm), trong khi đó tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch".

Ngay lập tức, bệnh viện tổ chức hội chẩn các chuyên khoa tại chỗ, xác định tình trạng bệnh nhân rất nặng, cần phải phải can thiệp mổ cấp cứu ngay mới có thể giữ được tính mạng người bệnh bất kể nhóm máu bệnh nhân rất hiếm.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định đưa bệnh nhân lên bàn mổ.

Cuộc mổ kéo dài 2h30 phút, trong và sau mổ bệnh nhân được truyền 2 lít máu cùng nhóm. Bác sĩ Nam cho biết thêm: "Ngày hôm đó bệnh viện phải huy động “ngân hàng máu sống” tức đối chiếu nhóm máu của toàn bộ nhân viên đã được xét nghiệm trước đó, đồng thời xin trợ giúp từ viện Huyết học truyền máu trung ương để lấy máu".

Hậu phẫu bệnh nhân tiếp tục được an thần thở máy tại phòng hồi sức Ngoại. Sau 2 ngày rút ống nội khí quản, tập thở phục hồi chức năng, toàn trạng bệnh nhân ổn định.

Trước ca bệnh máu hiếm này, bác sĩ cũng khuyến cáo, “bản thân mỗi công dân cần biết nhóm máu của mình: ABO và Rh. Với các cá nhân có đủ điều kiện sức khỏe nên tham gia hiến máu nhân đạo”.

Ngoài ra, bác sĩ Nguyễn Sơn Hà - phụ trách kíp cấp cứu cho biết thêm: Trong bệnh cảnh Đa chấn thương, thời gian là vô cùng quý giá. Bệnh viện ĐK Đức Giang đã xây dựng quy chế “báo động đỏ” với mục đích điều phối và huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị khi xảy ra các tình huống như vậy.

Cụ thể, trong trường hợp này bệnh nhân đa chấn thương/ shock mất máu/ suy hô hấp cấp/ máu O Rh(-). Cần chẩn đoán xử trí mổ xẻ đúng, kịp thời, đồng thời phải huy động được những đơn vị máu hiếm thật sớm mới có thể cứu sống người bệnh.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO