Báo Điện tử Gia đình Mới

Chiến dịch 'xoay tiền' mua nhà Hà Nội của cặp vợ chồng có tổng lương 8,8 triệu/tháng

Sau 3 năm cưới và đã có một bé 2 tuổi, chúng tôi quyết định mua nhà trong sự sửng sốt của người thân quen. Lúc đó, lương của chồng tôi là 3,8 triệu gồm cả phụ cấp còn tôi mới tăng từ 3,3 triệu lên 5 triệu.

Gia Đình Mới khởi đăng series bài viết "Làm thế nào mua được nhà ở Hà Nội?" ghi lại những kinh nghiệm, kỷ niệm của người trong cuộc, đồng thời có tư vấn, chỉ dẫn của các chuyên gia giúp cho việc mua nhà đơn giản và dễ thực hiện hơn. 

Toà soạn mong nhận được các bài viết, chia sẻ của bạn đọc, nhất là những người từng trải qua hành trình mua nhà đầy gian nan nhưng vô cùng ý nghĩa. Xin bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi về theo email: [email protected]

Nhân vật trong bài mua nhà Hà Nội này từng là một chuyên viên truyền thông. Hồi đó, lương của hai vợ chồng tổng chỉ được 8,8 triệu, tiền thuê nhà và gửi 2 xe tổng đã lên tới 2,7tr gần bằng lương của chị vợ. 

Và họ vẫn quyết định mua nhà ở Hà Nội. 

Tất nhiên, nếu nói mua nhà bằng đồng lương như vậy chắc chắn là điều không tưởng. Vợ chồng họ đã có một hành trình dài để biến ước mơ về một ngôi nhà thành sự thật.

Thuê nhà 5 lần 7 lượt

Cưới nhau năm 2009, hai vợ chồng tôi thuê một căn phòng nhỏ ở phố Vương Thừa Vũ. Sau 3 tháng, có tin vui em bé đầu lòng.

Vì lối đi lại của nhà thuê quá bất tiện nên chúng tôi lại chuyển lên Nguyễn Bỉnh Khiêm trong một căn tập thể cũ. Căn nhà 25m2 chật hẹp có 2 vợ chồng và em gái, không có chỗ để xe, phải gửi ở một cơ quan cách nhà hơn 100m.

Ngoài mức lương cứng chỉ 3tr hồi đó nhưng vì làm báo nên tôi có thêm khoản thu nhập là nhuận bút. Từ nhuận bút hàng tháng, tôi tích cóp để có tiền đi đẻ, nuôi con và một chút nữa phòng thân. Còn đồ đạc trong nhà hai vợ chồng thống nhất sắm dần tùy theo điều kiện cho phép.

Cho tới khi con chào đời, chúng tôi cũng mới chỉ có tivi và tủ lạnh. Mãi sau này thì sắm thêm máy giặt khi con tròn tháng và cả nhà lại tiếp tục chuyển về ở một căn nhà nhỏ và ẩm thấp phố Hồng Mai với giá thuê 3 triệu.

  Nhân vật trong bài viết

Nhân vật trong bài viết

Ở Hồng Mai được 1 năm, chúng tôi lại chuyển nhà thêm một lần nữa về phố Trương Định. Căn nhà 3 tầng diện tích khá thoải mái nhưng mỗi lần trời mưa to, cái cảnh nước ngập đầy nhà không biết bao nhiêu lần khiến chúng tôi mệt mỏi.

Chưa kể, việc ở cùng nhà với quá đông người (lúc đó chúng tôi ở tầng 2, có 2 gia đình và một cậu trai ở chung nhau tầng 3, tầng 1 là không gian chung) cũng làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt. Quá nhức đầu vì suốt ngày phải nghĩ tới việc tìm nhà, chuyển nhà, chúng tôi nhen nhóm ước mơ mua một căn nhà cho riêng mình.

“Ong thủ” vì tiền

Lúc tôi nói với chồng: “Em muốn tìm mua nhà”, chồng tôi vô cùng sửng sốt và thốt lên: “Tiền đâu mà mua nhà?”. Khi đó, chồng tôi không hề biết gia đình đang có bao nhiêu tiền, anh ấy chỉ biết duy nhất một cuốn sổ tiết kiệm 40 triệu.

Kỳ thực, từ sau khi sinh con, tôi đã bắt đầu bán hàng online. Mới đầu là bán thứ mình dùng sau sinh – chè vằng. Do bán giá rẻ, lại chiều khách nên tôi có khá nhiều khách quen.

Tiền lãi không nhiều, chỉ mười mấy nghìn 1kg chè nhưng cũng có thêm đồng ra đồng vào. Sau đó, tôi góp vốn với bạn bán cả đồ trẻ con, đồ phụ kiện nhưng không được lâu.

Dẫu sao, việc buôn bán phần nào giúp chúng tôi trang trải một số chi phí nhỏ trong gia đình.

Trước và sau sinh con, tôi đều rất chăm chỉ “cày cuốc” viết bài. Nhuận bút ngày đó của tôi trung bình 4- 5 triệu/ tháng. Cộng với năm 2011 lương được tăng lên 5 triệu nên thu nhập hai vợ chồng từ đi làm rơi vào khoảng 13- 14 triệu/ tháng. Thường tôi chi tiêu cho gia đình, con cái, tiền thuê nhà khoảng 8- 10 triệu, còn lại tiết kiệm. Cứ dồn khoảng 2- 3 tháng tôi lại có một cuốn sổ tiết kiệm khoảng 10- 12 triệu. Sau một thời gian chăm chỉ tôi có 90 triệu trong tay.

Bắt đầu từ Tết năm 2010, khi con gần 1 tuổi, chúng tôi cũng bán thêm món đặc sản của quê hương là giò me Nghệ An và nem chua Thanh Hóa. Nhờ món ngon, lạ và có lẽ là dễ tính trong việc buôn bán nên lượng khách vô cùng đông.

Có những thời điểm hai vợ chồng 3- 4 điện thoại gọi liên tục và hàng ra lúc nào “cháy” lúc đó. 3 mùa Tết chúng tôi bán không ngơi tay, cũng vì thế mà đã tích cóp thêm được một số tiền hơn 100 triệu. Nhưng để có được điều đó, mỗi một tháng Tết là hai vợ chồng lại phờ phạc vì thiếu ăn thiếu ngủ, vừa sút cân lại vừa già đi mấy tuổi.

220 triệu và chiến dịch vay mượn

Đầu năm 2012, khi quyết định mua nhà, chúng tôi có khoảng 220 triệu trong tay. Lúc đầu, chúng tôi định tìm nhà mặt đất nhỏ khoảng tầm 800- 900 triệu trong phố để tiện đi lại.

  Chung cư Đại Thanh được chọn là nơi gửi gắm hy vọng về ngôi nhà đầu tiên

Chung cư Đại Thanh được chọn là nơi gửi gắm hy vọng về ngôi nhà đầu tiên

Tuy nhiên, sau khi cân lên đặt xuống nhiều lần và quá oải với việc tìm đất, tìm nhà thực sự phù hợp thì hai vợ chồng đã quyết định mua chung cư trả góp.

Thời điểm đó, khu đô thị Đại Thanh là khu nhà giá rẻ nổi tiếng và cũng tiện đi lại. Chúng tôi đã quyết mua 1 căn 2 phòng ngủ với diện tích 58.69m2 giá 820 triệu. Tôi tính toán rằng nếu trả theo tiến độ thì hai vợ chồng sẽ có thời gian để xoay xở và bớt mệt mỏi hơn so với việc lo liệu cùng lúc số tiền quá lớn.

Sau khi đặt cọc, chúng tôi bắt đầu “chiến dịch vay mượn”. May sao, ông bà ngoại đang có sẵn chút tiền và cho thêm 2 vợ chồng 100 triệu nên tính ra có được 320 triệu.

Nhưng chung cư đang ở giai đoạn đóng tiền lần 3 nên sẽ phải đóng hơn 500 triệu cho đợt đầu tiên. Vậy là chúng tôi dồn vay người nhà và một ít của bạn bè. May sao cuối cùng đủ để trả cho chủ đầu tư.

Có những lúc chỉ có 1.500 đồng trong túi

Bước tiếp theo mới thực sự vô cùng khó khăn vì quá bí. Trong lúc hai vợ chồng loay hoay để trang trải cuộc sống lại vừa tìm cách trả nợ thì may thay ở quê bố mẹ chơi phường với các thầy cô giáo trong trường.

Chúng tôi quyết định liều, chơi cùng một lúc 2 phường – 1 phường 5 triệu và 1 phường 4 triệu, tổng cộng 9 triệu. Cuộc sống rơi vào khó khăn khủng khiếp bởi tính cả tiền nhà và tiền đi học thì thu nhập đã bị âm, có những lúc cả hai chỉ có 1,5 nghìn trong túi và phải vay mượn bạn bè, đồng nghiệp để cầm cố.

Lần nộp tiền thứ 4, chúng tôi rút 2 phường cộng với một số tiền vay mượn mới để thanh toán cho chủ đầu tư. Sau khi rút, ngoài khoản 9 triệu hàng tháng cố định đóng phường còn phải thêm tiền lãi, hai vợ chồng lại nai lưng ra buôn bán để trả nợ.

  Một góc từ chung cư nhìn xuống

Một góc từ chung cư nhìn xuống

Đến tháng 8/2013, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao nhà. Lúc này hai vợ chồng gần như không thể vay mượn của anh em họ hàng và bạn bè, thì may thay, ngân hàng có gói vay 30.000 nghìn tỷ với lãi suất ưu đãi 6%. Hai vợ chồng đã phải lo thủ tục để vay cho bằng được và cuối cùng cũng thành công. Đợt nộp tiền nhà cuối cùng với số tiền 153 triệu đã được ngân hàng chuyển cho chủ đầu tư.

Gần 1 năm tiếp theo vừa trả phường vừa trả gốc lãi ngân hàng, lại thêm bầu em bé thứ hai, đã có những lúc hai vợ chồng tôi thực sự mệt mỏi nhưng nhờ “liệu cơm gắp mắm”, chi tiêu hợp lý cộng với việc chăm chỉ cày cuốc từ công việc chính và công việc tay trái mà hai vợ chồng cũng đã có thể trả xong phường.

Từ 2014 trở đi, hai vợ chồng tôi đã bắt đầu có thể tích cóp để trả nợ cho người nhà. Tới 2016, chúng tôi chỉ trả nợ ngân hàng mỗi tháng gần 2 triệu, nợ người nhà gần như trả xong (và đáng nhẽ có thể trả xong nếu thời điểm đó không đầu tư làm ăn – việc làm ăn này sau đó thất bại).

Từ 2017, chúng tôi không còn phải trả nợ và có cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, nghĩ lại quãng thời gian quyết định và quyết tâm mua nhà cũng thấy thực sự tự khâm phục bản thân thật nhiều. Bởi lẽ, mới lấy nhau thời gian không lâu, lương thấp, thu nhập cũng không hề cao, lại có em bé, vậy mà, cả hai vợ chồng cũng đã có thể cùng nhau để vượt qua quãng thời gian đầy khó khăn đó.

Hãy liều… trong khả năng

Tôi nghĩ rằng, một chút tính toán cho cuộc sống, chi tiêu hợp lý để làm sao tuy không phải sung sướng nhưng không phải tằn tiện quá mức, một chút quyết tâm, bản lĩnh “cày cuốc” cho mục tiêu của mình thì ai cũng có thể đạt được ước mơ của mình.

Chiến dịch 'xoay tiền' mua nhà Hà Nội của cặp vợ chồng có tổng lương 8,8 triệu/tháng 3

Tuy nhiên, đừng chọn những thứ quá xa vời mà bản thân khó lòng chi trả được. Bởi tôi chọn căn nhà hơn 800 triệu và biết rằng mình có thể, chứ nếu chọn căn nhà 1,8 tỷ thì hẳn nhiên mọi sự sẽ quá sức và gánh nặng tài chính sẽ còn nặng nề rất lâu.

Kinh nghiệm chọn mua nhà, quan trọng đầu tiên chính là khả năng chi trả, trả nợ. Tuy chúng tôi thu nhập chưa bao giờ cao, nhưng bằng cách cố gắng làm thêm và chi tiêu hợp lý (chúng tôi không quá tiết kiệm mà có cuộc sống khá thoải mái) nên vun vén mọi thứ không đến nỗi nào.

Tiếp đó, là hãy cố gắng kiếm tiền nhiều hơn để sớm trả nợ, đừng chỉ trông chờ vào 1 nguồn thu nhập, nhất là nguồn thu nhập đó lại bấp bênh. Có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền nên không quá khó khăn để kiếm thêm mỗi tháng, chỉ cần bạn kiên nhẫn và chịu khó.

Quan trọng nhất, tôi nghĩ rằng đó là việc thuận vợ thuận chồng. Có như vậy, những khó khăn, gian khổ cũng sẽ qua đi nhanh và nhẹ nhàng hơn cả. Tôi nghĩ rằng trong những lúc mệt mỏi, sự chia sẻ và cảm thông cho nhau là thứ giúp mình trở nên mạnh mẽ và hạnh phúc hơn cả.

Chúng tôi, từ hai đứa tỉnh lẻ với bàn tay trắng, ở tuổi 29 đã có căn nhà của riêng mình theo cách như vậy đấy. Có những giấc mơ, hoàn toàn có thể trở thành sự thật!

Tuấn Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO