Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cho phổi ngừng hoạt động 80 phút để bóc tách khối u hiểm ở trung thất

Người phụ nữ đi khám và được phát hiện một khối u hiểm dính nhiều mạch máu ở trung thất, trên nền bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim chậm…, bác sĩ phải cho phổi ngừng hoạt động để phẫu thuật.

Bệnh nhân N.T.H. (61 tuổi, ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) được chẩn đoán có một khối u ở trung thất, trên nền bệnh nhân bị tăng huyết áp, suy tim, nhịp tim chậm, có lúc chỉ đo được 49 lần/phút. 

Cách đây 2 tháng, bệnh nhân H. có dấu hiệu đau ngực nhẹ, ho nhiều, khạc đờm trắng, khó thở, gầy sút cân, đi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có một khối u ở trung thất, kích thước 70x82mm.

Bệnh nhân được nhập viện điều trị. Từ người chỉ có 42 kg, sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân H đã lên được 8 kg, với thể trọng là 50 kg, tuy nhiên tình trạng bệnh không có nhiều tiến triển.

  Khối u khủng nằm ở trung thất dính nhiều mạch máu phức tạp

Khối u khủng nằm ở trung thất dính nhiều mạch máu phức tạp

BSCKII Nguyễn Thành Long, BV Phổi Trung ương thông tin, đây là ca bệnh phức tạp, nhất là vị trí khối u nằm rất “hiểm”, ngay trạc ba khí phế quản (ngã ba giữa đường khí quản với chỗ chia nhánh vào phế quản phải và trái), dính sát màng tim phải và nhĩ trái, tổn thương chèn ép nhiều nhĩ trái, đè đẩy các thành phần trung thất và mạch máu phổi ra xung quanh. 

Khối u này còn  đặc biệt ở chỗ  ngoài nằm ở vị trí trạc ba khí phế quản nó còn bị “kẹp” giữa khí quản và thực quản. Xung quanh khối u là rất nhiều mạch máu lớn, đây là một thử thách rất lớn đối với các bác sĩ phẫu thuật.

Theo bác sĩ, không giống các khối u trung thất thường gặp, bệnh nhân hoặc có khối u bên phải hoặc bên trái, phẫu thuật viên  chỉ cần mở ngực trái, hoặc ngực phải để bóc khối u. Nhưng ở trường hợp này, khối u nằm ở chính giữa hơi lệch phải, nên các bác sĩ bắt buộc  phải mở xương ức để tiếp cận bộc lộ khối u.

Vì bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh, các bác sĩ đã hội chẩn nhiều chuyên ngành và các bác sĩ  Bệnh viện Phổi Trung ương quyết tâm phẫu thuật, bóc tách khối u cho bệnh nhân. Do khối u ở vị trí khó, xung quanh khối u có nhiều mạch máu lớn, ở chỗ tiếp giáp đường khí phế quản, và để đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân các bác sĩ quyết định sử dụng máy tim phổi nhân tạo.

  Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u ở trung thất cho bệnh nhân

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u ở trung thất cho bệnh nhân

Bài toán đặt ra cho các  phẫu thuật viên là nhiều nguy cơ có thể xảy đến với bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và “bài toán” này đã được giải đáp bằng máy tim phổi nhân tạo.

TS BS Đinh Văn Lượng cho biết, máy tim phổi nhân tạo giúp bệnh nhân ngừng hô hấp, tim mạch ngừng hoạt động. Hệ thống này tương tự tim, phổi của người bình thường, có vai trò đưa hệ thống tuần hoàn máu ra ngoài cơ thể cũng như hệ thống hô hấp tương tự 2 lá phổi của con người. Với phương pháp này, trong quá trình mổ, các mạch máu lớn ở trong lồng ngực sẽ kiểm soát, chủ động được.

TS Lượng cho rằng, nếu không có máy tim phổi nhân tạo, trong quá trình bóc tách khối u, có nguy cơ ảnh hưởng tới đường khí phế quản, bệnh nhân sẽ bị thông khí ra ngoài, có khả năng chết trên bàn phẫu thuật hay  bị rách nhĩ trái hoặc tác động tới mạch máu ….. có thể khiến bệnh nhân nguy kịch. Để phòng các trường hợp đó, máy tim phổi nhân tạo sẽ hô hấp và tuần hoàn thay cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật.

Chỉ trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, 3 êkíp gồm kíp 6 bác sĩ phẫu thuật, kíp bác sĩ gây mê, và kíp bác sĩ chạy máy tim phổi nhân tạo đã phối hợp phẫu thuật thành công cho bệnh nhân. 

Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã ngừng hoạt động phổi của bệnh nhân trong 80 phút, thay thế vào đó là sử dụng máy tim phổi nhân tạo. Trong lúc đó bệnh nhân H. hoàn toàn không phải ngừng tim.

Hiện sau phẫu thuật các hình ảnh chụp chiếu cho thấy khối u hoàn toàn biến mất, bệnh nhân hồi phục rất tốt.

TS.BS Đinh Văn Lượng cho biết, từ trước đến nay, máy tim phổi nhân tạo thường được sử dụng trong các ca mổ tim mở, việc sử dụng máy này trong phẫu thuật phổi rất hiếm.

Ở Bệnh viện Phổi Trung ương đây là ca mổ thứ 2 tiến hành theo phương pháp này. Ca phẫu thuật được hỗ trợ bởi các chuyên gia đến từ BV E. Từ nay, những trường hợp phẫu thuật lồng ngực khó như các khối u ở vị trí khó, tiên lượng phẫu thuật có thể gây ra rách mạch máu lớn, chảy máu, nguy cơ rò khí hoặc trong trường hợp tạo hình khí quản, phế quản lớn, hoặc ở những người bị chít hẹp khí quản, hẹp phế quản hẹp khí do di chứng sau lao, sau chấn thương, biến chứng của thở máy dài ngày, những người bị dị dạng đường thở do bẩm sinh hoặc bệnh lý... đều có thể được cứu sống nhờ phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo hoạt động giống tim, phổi của người bình thường, đưa hệ thống tuần hoàn máu ra ngoài cơ thể cũng như hệ thống hô hấp tương tự 2 lá phổi của con người.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO