Báo Điện tử Gia đình Mới

Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VI với chủ đề ‘Phòng chống các bệnh không lây nhiễm’.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng gia tăng ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng gia tăng ở Việt Nam

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện, bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế. Dự báo, trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra.

Trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch, đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt  và sớm. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc 2 căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm.

Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.

Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư…, chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật.

Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.

Nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng nhanh ở Việt Nam là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh: vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống  rượu, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch được phát hiện và quản lý điều trị còn rất thấp.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, với nhiều rau củ, quả có thể giúp dự phòng được các bệnh không lây nhiễm bao gồm bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư…

Một chế độ ăn uống lành mạnh, với nhiều rau củ, quả có thể giúp dự phòng được các bệnh không lây nhiễm bao gồm bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư…

Để khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, một chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập luyện đóng vai trò quan trọng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp dự phòng được các bệnh không lây nhiễm bao gồm bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư…

Chế độ ăn uống không lành mạnh đi kèm với ít hoạt động thể chất là những yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe.

Tổng năng lượng ăn vào nên cân bằng với tiêu hao năng lượng một ngày. Tổng lượng chất béo không nên vượt quá 30% tổng năng lượng khẩu phần để tránh tình trạng thừa cân.

Nên thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa và cố gắng giảm chất béo dạng trans (chất béo chuyển hóa) trong chế độ ăn.

Hạn chế lượng đường tiêu thụ trong chế độ ăn xuống dưới 10% tổng năng lượng và nếu có thể thì hạn chế dưới 5% tổng năng lượng ăn vào.

Tiêu thụ dưới 5g muối/ngày để dự phòng tình trạng tăng huyết áp và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ.

Đảm bảo ăn đủ hoa quả và rau xanh một ngày 400g để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và đáp ứng đủ nhu cầu chất xơ cho cơ thể.

Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch 

Để cải thiện sức khỏe tim mạch, khuyến cáo của các chuyên gia y tế về chế độ ăn uống bao gồm: 

Chế độ ăn ít chất béo: Lượng axit béo dạng trans thấp hoặc rất thấp. Lượng chất béo dạng trans nạp vào cơ thể cần ít hơn 1% tổng lượng năng lượng nạp vào mỗi ngày. 

Chế độ ăn ít tinh bột: Chế độ ăn ít tinh bột có những ảnh hưởng tích cực đến cân nặng và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. 

Chế độ ăn Địa Trung Hải: Chế độ ăn này tập trung vào các thực phẩm như rau, củ, quả, cá và các loại gạo nguyên cám nhưng chú trọng nhiều hơn đến các thực phẩm đặc trưng riêng của vùng Địa Trung Hải là các loại cá. Tiêu thụ cá thường xuyên (1 – 2 lần/tuần) sẽ giúp giảm bệnh mạch vành và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. 

Chế độ ăn ngăn ngừa tăng huyết áp: Chế độ ăn này chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và nhiều các vi chất như kali, canxi, magiê và chứa ít muối. 

Chế độ ăn ít muối: Ăn mặn làm tăng huyết áp và tiêu thụ quá nhiều muối là nguyên nhân dẫn đến 4,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Do đó, cần ăn ít hơn 5g muối một ngày để phòng ngừa các nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch. 

Ngũ cốc nguyên cám và chất xơ: Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, ngũ cốc nguyên cám và chất xơ giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên tăng cường chất xơ trong chế độ ăn để phòng bệnh tim mạch. 

Rau củ và trái cây: Việc tiêu thị rau củ và trái cây mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc mỡ máu, hạ huyết áp, chống oxy hóa… Do đó, nên nạp ít nhất khoảng 400g rau củ và trái cây mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh, phòng chống bệnh tật hiệu quả. 

Linh Ly/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO