Báo Điện tử Gia đình Mới

Cú sốc của bà mẹ 20 năm nuôi con tự kỷ thời kỳ... cậu bé dậy thì

Trong suốt thời gian đầu dậy thì, cậu bé liên tục làm đau chính mình, mọi nếp sinh hoạt xây dựng được từ trước đều bị đảo lộn.

Cú sốc của bà mẹ 20 năm nuôi con tự kỷ thời kỳ... cậu bé dậy thì 0

Gần 30 tuổi, chị Nguyễn Mai Anh sinh đứa con đầu lòng. Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999) con trai chị được sinh ra ở một thời điểm hai chữ “tự kỷ” rất hiếm người biết tới. 

Khi Hiếu được 2 năm 6 tháng, gia đình chị mới biết Hiếu mắc hội chứng tự kỷ. Ngay sau đó, chị quyết định nghỉ việc khi đang là một kỹ sư hóa thực phẩm, công tác trong một công ty bánh kẹo lớn nhất nhì ở Hà Nội. 

Suốt gần 20 năm nuôi con tự kỷ, sau Tết Nguyên Đán 2014 là lần đầu tiên chị xa con lâu đến vậy. 

Lúc đó là thời điểm Hiếu bước vào giai đoạn dậy thì. Hiếu thay đổi hoàn toàn, mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Cậu được gửi về nhà ông bà, còn chị Mai Anh cần không gian để lấy lại bình tĩnh.

Dùng kéo tự cắt da thịt mình

Chị Mai Anh kể, thời điểm đó, Hiếu sụt cân rất nhanh, có tháng Hiếu sụt 5kg. Đưa con đi đâu, chị cũng nhận được cùng một câu hỏi: Sao nó gầy thế?

Hiếu không thích luyện đàn hay đan lát, viết lách gì cả mặc dù vẫn làm hàng ngày theo thời khóa biểu. Đến bữa cơm Hiếu không chịu ăn, mẹ đút cơm vào miệng thì cậu bé nhè ra. Cậu không có nhu cầu ăn bất cứ thứ gì và cũng không tự ăn.

Ngày 30/4 năm đó là ngày đánh dấu mốc con cực kỳ tăng động và mất tập trung, con khó có thể ngồi im 15 phút. Rồi cuối tháng 5 đi chơi, khả năng nghe lời của Hiếu rất kém. Chị Mai Anh lúc này khó kiểm soát được con.

  Trung Hiếu cho tay vào cánh quạt đang chạy để làm đau chính bản thân mình trong giai đoạn dậy thì.

Trung Hiếu cho tay vào cánh quạt đang chạy để làm đau chính bản thân mình trong giai đoạn dậy thì.

Sự phát triển của hóc môn giới tính khiến Hiếu không thích ứng kịp, nhiều lần buổi đêm Hiếu tự dùng tay cấu vào da thịt đến tóe máu, có khi cho ngón nhân dưới chân bàn rồi bê bàn đập thật mạnh làm móng chân bật ra, không thì lại dùng chiếc kéo tự cắt một mảnh da thịt mình...

Những ngày hè nóng nực, Hiếu cúi người khi đi qua ti vi, sợ một số âm thanh, luôn chống đối mẹ, luôn nói với mẹ rằng: “Con muốn hư, con không thích ngoan!”

Rồi Hiếu bắt đầu có biểu hiện tự hủy hoại bản thân như lấy dao cứa tay, cho tay vào cánh quạt đang chạy, đập đầu vào tường, cào cấu chân, cấu mẹ và em trai.

Khi quạt máy đang quay vù vù, Hiếu thản nhiên cho ngón tay vào cánh quạt. Bị quạt “chém” chảy máu con không có phản ứng gì, không đau cũng không khóc.

Sợ hãi, lo lắng chị Mai Anh ôm Hiếu vào lòng và thét lên: “Con đừng làm đau con nữa, khó chịu trong người thì con cứ đánh mẹ đây này…”.

“Lúc đó tôi thực sự hoảng loạn, con đau một thì mẹ đau mười. Tôi đã phải dùng rất nhiều biện pháp có thể giảm bớt những rủi ro cho con, trong đó có cả kỹ năng điều hòa cảm giác”, chị Mai Anh chia sẻ.

Thời điểm đó, mặt, chân tay Hiếu chi chit vết thương. Thậm chí cậu tự cấu môi mình đến mức một bên môi sưng vều. Mẹ nói gì con cũng gắt: “Con biết rồi, được rồi”.

  Hiếu tự làm đau chính mình

Hiếu tự làm đau chính mình

Chị Mai Anh kể, tháng 10 năm đó, Hiếu có thêm hành vi cù nách, sờ “ ti “ mẹ và các cô. Thỉnh thoảng giữa trưa con nằm úp tự kích thích. Đỉnh điểm vào giữa tháng 10, chị Mai Anh gần như không kiểm soát được con.

“Tất cả những gì mà tôi đã dầy công dạy dỗ luyện tập trong 12 năm con không làm nữa, không thể hiện nữa”, chị Mai Anh tâm sự.

Bước vào tuổi 17, Hiếu dịu dần. Cậu thôi không tự hành hạ bản thân nữa. Chị Mai Anh luôn bên cạnh Hiếu 24/24 giờ tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ở độ tuổi dậy thì, Hiếu bộc lộ cảm xúc với người khác giới mạnh mẽ.

Thấy phụ nữ lạ, Hiếu chạy đến mân mê mái tóc họ. Người quen thông cảm được với người lạ chị không biết giải thích thế nào cho họ hiểu.

Lúc này, chị Mai Anh phải dạy cho Hiếu về vòng tròn giới tính. Chị đặt ra quy định chỉ bố mẹ là Hiếu được ôm hôn, còn người ngoài phải đứng cách xa nửa mét.

Vậy là, đi đâu chị cũng phải hô khẩu lệnh "nửa mét, nửa mét" để Hiếu nhớ. 

Cú sốc của bà mẹ 20 năm nuôi con tự kỷ thời kỳ... cậu bé dậy thì 3

Luôn bên con

Vợ chồng chị Mai Anh là những người đầu tiên khủng hoảng theo con. Gần như ngày nào chị cũng khóc. Khoảng thời gian đầu tháng 10, chị hay giam mình trong phòng ngủ gào khóc vào buổi trưa để đến chiều tối còn gồng mình chịu trận cùng con.

Có một lần bố đã phải òa khóc khi thấy ngón tay con vừa cho vào cánh quạt nát bét và tím đen như quả nho ròng ròng chảy máu.

Để con có một cú thay đổi ngoạn mục như thế, chị Mai Anh đã làm nhiều thứ cùng một lúc, liên tục từ sáng sớm đến 22 giờ sau khi cho con ăn xong bát yến chưng với đường phèn, chị Mai Anh mới lên giường.

Ngay khi con bắt đầu có hiện tượng, vợ chồng chị Mai Anh đã theo dõi và điều chỉnh các phương pháp can thiệp. Đầu tiên là việc cải thiện sức khỏe của con.

Việc thứ hai chị Mai Anh làm là tăng cường vận động, làm tích cực các bài tập mà chị đã được học. Việc tiếp theo điều chỉnh rối loạn cảm giác của Hiếu.

Cuối cùng và quan trọng vô cùng là quản lý hành vi tuổi mới lớn, thay đổi cách giao tiếp, luôn tìm hiểu tâm tư tình cảm của Hiếu để hướng con tự biết thay đổi, tự kiềm chế được hành vi của mình.

Dần dần, Hiếu giảm hẳn các hành vi, đã có thể tự ăn hết hai bát cơm và thỉnh thoảng giúp được mẹ chút việc nhà. Hiếu tự xin tiền đi mua nghệ về và hì hục ngồi bôi vào các vết thương ở chân và ở mặt, mấy hôm gần đây con đã ngủ ngon hơn mà không phải dùng thuốc.

Nhớ lại quãng thời gian đó, chị Mai Anh thổ lộ: “Thời kỳ này với gia đình tôi còn khủng khiếp hơn thời kỳ bắt đầu biết con mắc chứng tự kỷ. Bản thân tôi thấy sốc nặng, vì mọi thứ đang theo đà tiến triển rất tốt, tự nhiên đảo lộn hết”.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO