Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cúng Rằm tháng Giêng cần những gì, nên cúng chay hay cúng mặn?

Tham khảo mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của chị Vũ Thanh Hoan (Hà Nội) để biết được cúng Rằm tháng Giêng cần những gì và nên cúng chay hay cúng mặn.

Cúng Rằm tháng Giêng cần những gì?

Trong văn hóa tín ngưỡng của ngươi Việt, cúng Rằm tháng Giêng là lễ cúng rất quan trọng và cần được chuẩn bị chu đáo nhiều ngày trước đó.

Dân gian có câu "cúng giỗ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" còn lưu truyền và phổ biến đến tận ngày hôm nay, cũng là để nhắc nhở con cháu đời sau về tính trọng đại của ngày lễ này. 

Cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Khi thực hiện nghi lễ cúng cần lưu ý những điều gì? Mời bạn tham khảo mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của gia đình chị Vũ Thanh Hoan (Hà Nội) để lễ cúng Rằm tháng Giêng được đủ đầy và chu đáo nhất.

  (Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

(Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng của chị Vũ Thanh Hoan gồm các món: Nem rán - Chả mực - Thịt bò xào rau tiến vua - Canh khoai cà rốt nấu sườn - Xôi gấc - Cải chíp chần nấm.

Mâm cúng gồm những món truyền thống nhưng được chị Hoan trình bày và trang trí đẹp mắt.

Ngoài xôi đặt mua sẵn và nem làm từ tối hôm trước, mâm cúng rằm được chị Hoan làm trong 1 tiếng đồng hồ.

Mâm cỗ cúng rằm thường không thể thiếu xôi gấc. Với màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cũng dễ hiểu khi món xôi này xuất hiện trong hầu hết mâm cỗ cúng của các gia đình.

Ngoài ra, có thể có thêm bánh chưng, tượng trưng cho sự vuông tròn, hài hòa của đất trời. Nhưng cũng nhiều gia đình không cúng bánh chưng, vì vừa trải qua dịp Tết Nguyên đán.

Những món khác trong mâm cúng rằm còn có một đĩa xào (có thể là rau củ xào chay hoặc thịt bò xào nấm, rau củ), một bát canh, một đĩa giò, một đĩa nem rán.

  (Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

(Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

Mâm cúng rằm năm nay của gia đình chị Vũ Thanh Hoan có thêm món chả mực – món ăn lạ miệng và chống ngán bên cạnh những món truyền thống khác.

Nói chung dù chuẩn bị những món gì cho mâm cúng rằm, thì yếu tố đầu tiên là sự hài hòa. Món luộc xen kẽ món mặn, món thanh mát xen kẽ món cầu kỳ. Nếu khéo tay hơn, có thể trang trí cho mâm cúng thêm đẹp mắt và hấp dẫn.

Như mâm cúng rằm của chị Vũ Thanh Hoan, chị sử dụng cà chua tỉa thành bông hoa hồng, và tận dụng rau xà lách để trang trí. Dù cách trang trí khá đơn giản, nhưng cách bài trí và kết hợp màu sắc của các món ăn khá hài hòa nên nhìn vẫn hấp dẫn.

Rằm tháng Giêng nên cúng chay hay cúng mặn?

  (Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

(Ảnh: Vũ Thanh Hoan)

Lễ cúng Rằm tháng Giêng gồm hai lễ: lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên. Vì vậy nhiều người thắc mắc Rằm tháng Giêng nên cúng chay hay cúng mặn.

Theo các chuyên gia phong thủy, có thể cúng chay hoàn toàn hoặc cúng mặn hoàn toàn đều được.

Nhiều gia đình cho rằng Rằm tháng Giêng là ngày quan trọng, nên tránh sát sinh và nên ăn chay để vận hạn cả năm tiêu tán hết. Vì vậy họ chọn cúng chay hoàn toàn.

  (Ảnh: Phùng Thanh Xuân)

(Ảnh: Phùng Thanh Xuân)

Quan điểm này không sai. Các gia đình hoàn toàn có thể dâng cúng hoa quả, các món chay như xôi chè, đậu, canh nấm chay, bánh trôi nước….

Thông thường một mâm cỗ chay có từ 10 đến 25 món khác nhau. Các món ăn đều mang màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.

Với những gia đình không theo đạo Phật, có thể chuẩn bị mâm cúng mặn với các món ăn truyền thống của ngày Tết.

Theo các chuyên gia, việc cúng chay hay cúng mặn thực sự không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất là nghi lễ được cử hành với sự chu đáo, kính cẩn và thành tâm của gia chủ.

Vì Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng nhất của năm mới, vì thế khi khấn lễ cúng Rằm tháng Giêng, cần hướng đến những điều thiện, hy vọng những điều tốt đẹp và tránh làm những điều xấu.

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO