Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Dấu hiệu có thai: Tất tật những triệu chứng 'dính bầu' giúp mẹ nhận biết sớm

Phát hiện sớm dấu hiệu có thai là điều hết sức quan trọng để đảm bảo cả bà mẹ và thai nhi được chăm sóc sức khỏe phù hợp. Sau đây là 8 dấu hiệu cho thấy người phụ nữ đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ.

Dấu hiệu mang thai sớm nhất 

  Dấu hiệu có thai ở mỗi phụ nữ lại khác nhau, vì thế bạn cần tìm hiểu kỹ - Ảnh minh họa

Dấu hiệu có thai ở mỗi phụ nữ lại khác nhau, vì thế bạn cần tìm hiểu kỹ - Ảnh minh họa

Dấu hiệu mang thai là điều mà nhiều người lần đầu làm mẹ cảm thấy băn khoăn. Sau đây là những dấu hiệu phổ biến nhất:  

1.Trễ kinh 1 -2 tuần là dấu hiệu mang bầu phổ biến nhất

Đây là dấu hiệu đầu tiên thông báo bạn đang mang thai nhưng không hoàn toàn chính xác vì stress, căng thẳng, lo lắng, sinh hoạt thất thường… cũng dẫn đến trễ kinh.

Vì vậy, để biết chính xác có mang thai hay không, bạn nên dùng que thử thai sau ít nhất 5-7 ngày chậm kinh. Bên cạnh đó, bạn có thể đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám uy tín để được siêu âm chẩn đoán chính xác.

2. Đi tiểu thường xuyên hơn

Phụ nữ mang thai trong những tháng đầu thường đi tiểu nhiều lần do tình trạng gia tăng các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên đè vào bàng quang.

3. Cảm giác cơ thể mệt mỏi

Khi mang thai, tâm trạng bạn sẽ rất thất thường do lượng hormone trong cơ thể đang có sự thay đổi mạnh mẽ. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi cơ thể đã quen với sự xuất hiện của bé yêu.

4. Cảm thấy ngực căng và đau hơn bình thường

  Cảm thấy căng tức ở ngực cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đã

Cảm thấy căng tức ở ngực cũng là dấu hiệu cảnh báo bạn đã "dính bầu"

Khác với đau tức và căng ngực trước mỗi kỳ nguyệt san, khi mang thai, đầu ti to hơn, thâm đen, quầng vú sẫm màu và trở nên nhạy cảm hơn.

5. Ra máu âm đạo

Thời điểm khoảng 11-12 ngày sau khi thụ thai, có thể bạn sẽ bị chảy một ít máu âm đạo với màu sắc nhạt hơn bình thường.

6. Luôn cảm thấy nóng bức - dấu hiệu mang thai nhiều người bỏ qua

Nếu tinh ý hoặc thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể, bạn sẽ thấy nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường. Hiện tượng này xảy ra từ ngày thứ 6 đến ngày 12 sau khi thụ thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị rôm sảy do sự tăng thân nhiệt này.

7. Buồn nôn (Ốm nghén)

Nếu cảm thấy buồn nôn vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã mang thai. Tình trạng này thường xảy ra sau khi thụ thai 1 – 2 tuần và là dấu hiệu khó chịu nhất đối với các mẹ.

Thông thường, những cơn ốm nghén sẽ biến mất sau 3 tháng đầu. Để giảm những cơn buồn nôn, bạn nên uống trà gừng, nước chanh hoặc ăn các loại trái cây như táo, lựu…

8. Đau lưng - dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn ở  bà mẹ sau sinh

Dấu hiệu có thai: Tất tật những triệu chứng 'dính bầu' giúp mẹ nhận biết sớm 2

Đau lưng là một trong những dấu hiệu có thai xuất hiện sớm, do dây chằng ở lưng phải giãn ra để thích nghi với sự lớn dần lên của tử cung trong bụng.

Tuy nhiên, nếu mẹ vừa sinh con xong lại dính bầu, thì dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi thông thường do đang chăm sóc con nhỏ.

 

Những cách thử thai chính xác nhất

Sử dụng que thử thai:

Đây là cách kiểm tra dễ dàng và nhanh chóng có kết quả nhất. Kết quả dương tính ngay sau khi thụ thai 2 tuần. Tuy nhiên, kết quả thử thai chính xác nhất là sau chậm kinh 5-7 ngày. Thời điểm tốt nhất là lần đi tiểu đầu tiên trong buổi sáng.

Siêu âm:

Cho phép chẩn đoán thai sớm từ tuần thứ 5. Đây là phương pháp có độ chính xác cao, giúp bạn xác định kết quả mà không cần khám chi tiết bên trong, cho biết tình trạng thai, số lượng thai trong tử cung và phần phụ của thai, thai thường hay thai bệnh lý, vị trí làm tổ của thai, tính tuổi thai, dự kiến ngày đẻ.

Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu, thử lượng beta hCG:

Phương pháp này sẽ giúp phát hiện hàm lượng nội tiết tố hCG – một hormone trong thai kỳ, cho kết quả chính xác chỉ trong thời gian 2 tuần sau khi thụ thai.

Kiêng cữ, những lưu ý cần biết khi phát hiện mình mang thai

Nếu xét nghiệm và kết quả cho thấy bạn đã mang thai, hãy thực hiện ngay danh sách các việc cần làm sau khi phát hiện mang thai để có khởi đầu hoàn hảo nhé:

-Chọn phòng khám uy tín cho 9 tháng thai kỳ. Bạn nên chọn những phòng khám hoặc bệnh viện gần nhà để tiện cho việc thăm khám và sinh nở sau này.

- Khám thai và thực hiện lịch khám thai định kỳ dù có bận rộn cách mấy. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên đúng đắn để có thai kì khỏe mạnh ngay từ bước đầu và xử lý kịp thời những vấn đề của thai nhi nếu có.

Thực hiện chế độ ăn uống đa dạng và đầy đủ dưỡng chất theo các gợi ý sau

- Trái cây: 400-500gr/ một ngày. Nên chọn các loại trái cây tươi, nước trái cây tự nhiên (không quá một ly mỗi ngày). Mỗi ngày ăn ít nhất một loại trái cây có múi (Cam, bưởi, quýt).

- Rau củ: 300-400gr/ ngày theo các màu xanh đậm (bông cải xanh, cải xoăn, cải bó xôi), màu cam (cà rốt, khoai lang, bí ngô, bí mùa đông), màu vàng (bắp, ớt chuông vàng), và màu đỏ (cà chua, ớt chuông đỏ).

- Thực phẩm từ sữa: 2-3 ly sữa (khoảng 500ml)/ ngày. Nên chọn các loại sữa hoặc sản phẩm từ sữa có ít hay không có chất béo.

- Thịt, cá, tôm, cua :200-300gr/ ngày + 1 quả trứng/ngày. Bạn có thể chọn thịt nạc, thịt gia cầm nhưng nên là loại thực phẩm ít chất béo nhất. Ngoài ra, các loại đậu và hạt cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

- Ngũ cốc: 300-400gr/ ngày. Bạn nên dùng ngũ cốc nguyên hạt thay vì những loại thực phẩm làm bằng bột mì trắng. Nên ghi nhớ một vài thực phẩm ngũ cốc còn cung cấp chất xơ rất tốt cho cơ thể như bánh mì ngũ cốc, bánh quy giòn và mì ống.

- Uống thuốc bổ sung các vitamin và dưỡng chất cần thiết như viên sắt, acid folic, canxi, magiê, vitamin B6, vitamin E, polyvitamin…  Đặc biệt, sắt, canxi, acid folic là ba thứ rất cần thiết cho các bà mẹ mang thai. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc cần theo hướng dẫn của BS mẹ nhé.

- Nói “không” với bia rượu, thuốc lá. Dù bạn uống ít hay nhiều, lượng rượu hay các chất từ thuốc lá cũng sẽ đến em bé thông qua các mạch máu và nhau thai. Vì vậy, hãy đoạn tuyệt ngay nếu bạn muốn bé yêu an toàn và khỏe mạnh.

- Không dùng caffeine hàng ngày. Dù các nghiên cứu đã chỉ ra 2 tách nhỏ cà phê hòa tan sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng để đảm bảo an toàn, bạn nên kiêng hẳn loại đồ uống này ít nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ. Hãy nhớ là caffeine có trong soda, trà, chocolate và nhiều đồ uống khác nữa.

Trên đây là những thông tin về thụ thai và những việc cần làm ngay khi có dấu hiệu thụ thai, hy vọng sẽ giúp ích được các ông bố bà mẹ tương lai. 

Đọc thêm các kiến thức về dấu hiệu "dính bầu" khi mẹ vừa mới sinh em bé tại đây.

Minh Anh (tổng hợp)/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO