Báo Điện tử Gia đình Mới

Đứng lâu bị tức chân, thay đổi màu da, cẩn thận mắc bệnh hay gặp ở phụ nữ

Có biểu hiện tức nặng chân, nhất là khi phải đứng lâu, kèm theo những biến đổi sắc tố da ở vùng cổ chân, nam bệnh nhân P.Q.Đ. (35 tuổi, ở Hưng Yên) đi khám thì phát hiện mắc bệnh mà chị em sau sinh hay gặp.

Sau khi được bác sĩ của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp thăm khám, bệnh nhân Đ. được chẩn đoán bị suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên giai đoạn 4.

  Các bác sĩ đang tiến hành điều trị suy tĩnh mạch cho bệnh nhân

Các bác sĩ đang tiến hành điều trị suy tĩnh mạch cho bệnh nhân

Theo ThS.BS Tạ Xuân Trường, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp, khi bị suy giãn tĩnh mạch người bệnh thường gặp các triệu chứng như:

- Bệnh nhân thường thấy chân bị sưng, phù…, các triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi chiều tối sau một ngày làm việc phải đứng hay ngồi lâu và hết sau khi nằm nghỉ ngơi kê cao chân.

- Có cảm giác nặng chân, mỏi chân, đau nhức hoặc tê chân.

- Khi bệnh nhân đứng, các búi tĩnh mạch sẽ nổi rõ ngoằn ngoèo ở vùng đùi và cẳng chân.

- Ban đêm thường bị chuột rút ở chân

- Da chân đậm màu, sạm da, ngứa da hoặc có vết loét.

- Phần lớn bệnh nhân không biết về bệnh gì, thường lầm tưởng là đau xương khớp hoặc bệnh ngoài da.

Cũng theo bác sĩ Trường, những người dễ bị suy giãn tĩnh mạch là những người lớn tuổi. Suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở những người từ 30 tuổi trở đi.

Càng lớn tuổi càng dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Ngày nay do tình trạng ít hoạt động và chế độ ăn ít chất sơ suy tĩnh mạch có thể gặp cả ở độ tuổi từ 20.

Bên cạnh đó, những người làm công việc ngồi lâu, ít vận động như tài xế, nhân viên văn phòng, hoặc đứng lâu như đầu bếp, nhân viên bán hàng, thợ cắt tóc, giáo viên, phẫu thuật viên,.. có nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch nhiều hơn.

Đặc biệt, phụ nữ dễ bị giãn tĩnh mạch chân do những thay đổi về hormone trong thay kỳ, kinh nguyệt và mãn kinh. những người có cha mẹ, anh chị em bị giãn tĩnh mạch chân cũng dễ mắc bệnh này.

Ngoài ra, những người bị thừa cân, béo phì cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do thừa cân tăng áp lực lên tĩnh mạch chân.

Với trường hợp của bệnh nhân Đ., các bác sĩ Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đã tiến hành can thiệp thành công bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần.

ThS.BS Tạ Xuân Trường, người thực hiện trực tiếp ca can thiệp cho bệnh nhân Đ. cho biết, với kỹ thuật này bệnh nhân sẽ được sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới.

Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần giúp nâng cao tỉ lệ thành công trong việc loại bỏ dòng trào ngược (nguyên nhân gây bệnh). Hơn nữa, phương pháp này ít đau, ít bầm máu, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày với một vết mổ nhỏ 0,3cm và ít xảy ra tai biến.

L.M/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO