Báo Điện tử Gia đình Mới

Dùng than sưởi ấm: dễ bỏng, ngạt khí dẫn đến tử vong cho cả mẹ và bé

Mùa lạnh nhiệt độ giảm sâu, nhiều người vẫn giữ quan niệm sưởi ấm bằng than hoa, than củi. Tuy nhiên, không ít người trở thành nạn nhân của việc nằm than, phải cấp cứu trong tình trạng ngạt khí, hôn mê.

bệnh nhân Ngô Văn H. nhập viện vì ngạt khí CO2

bệnh nhân Ngô Văn H. nhập viện vì ngạt khí CO2

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 21/12, Trung tâm đang điều trị cho một bệnh nhân nam ngộ độc khí CO do sưởi bằng than củi trong phòng kín.

Bệnh nhân Ngô Văn H. (42 tuổi, quê Hải Phòng) được đưa đến Trung tâm Chống độc ngày 20/12 trong tình trạng hôn mê sâu.

Không chỉ riêng với người khỏe mạnh, tại nhiều địa phương vẫn có quan niệm, sau khi sinh, bà đẻ tính hàn nên cho nằm than để cân bằng, lấy lại sức.

Nhiều người cho rằng, quá trình sinh nở mất nhiều máu khiến cơ thể sản phụ lạnh hơn. Chưa kể, phụ nữ sau 9 tháng mang thai, sau khi sinh, các cơ quan như tim, phổi, gan… đột ngột giảm tải hoạt động.

Vì vậy, các cụ thường cho bà đẻ nằm than, trong phòng kín để cơ thể nhanh săn chắc, phục hồi sức khỏe.

Theo các chuyên gia việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại, từ mối tiềm ẩn hỏa hoạn khi lửa bén vào vật dụng cho tới khả năng gây ngạt, dị ứng.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS. TS Bùi Vũ Huy cho biết, phụ nữ sau khi sinh rất cần được giữ ấm và nhiệt độ lí tưởng cho cả mẹ và bé là 27 – 29 độ C.

Tuy nhiên không nên đốt than củi vì cacbon bay lên, trẻ hít vào không tốt, dễ sinh ra các bệnh liên quan đến hô hấp.

Khi trẻ hít bụi than cũng dễ gây ra viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp. Da của trẻ nhỏ mỏng hơn da người lớn gấp nhiều lần, vì vậy, nếu sưởi quá nóng có thể gây khô da, bỏng rát…

Chưa kể đến, nhiều người sưởi than, đóng kín phòng dễ gây ra ngạt khí, có thể tử vong cho cả mẹ và bé. Cùng với đó, nhiệt độ sưởi than thay đổi liên tục cũng không hề tốt. Theo bác sĩ Huy, muốn sưởi ấm, các gia đình có thể sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hòa để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

ThS. BS. Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại hoặc CO2  sẽ ngày càng tăng.

Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết ‘êm dịu’.

Cũng theo BS. Nguyên, bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và ‘cướp’ mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính.

40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO