Báo Điện tử Gia đình Mới

Đừng tưởng tiểu nhiều mới là bệnh thận, tiểu ít còn nguy hại hơn

"Khi cơ thể có dấu hiệu không có hoặc có rất ít nước tiểu, cần đi thăm khám sớm, bởi đây là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh suy thận cấp. Bên cạnh đó là các dấu hiệu muộn hơn bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và giảm cảm giác thèm ăn" - Bác sĩ Trần Lê Vũ, Phòng khám CarePlus cho hay.

Thận có chức năng loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể, thông qua việc tạo nước tiểu. Khi thận suy hay như dân gian vẫn gọi là thận yếu, khả năng bài tiết lọc chất độc của người bệnh rất kém, các chất thải và hóa chất sẽ ứ lại và gây hại. Vì vậy, người bị suy thận luôn phải chú ý tới chế độ ăn nhất là lượng muối.

Bác sĩ Trần Lê Vũ cho biết, trước đây tỷ lệ tử vong của suy thận cấp rất cao, có khi đến 90%. Hiện nay, nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực lọc ngoài thận và kỹ thuật hồi sức, tỷ lệ tử vong còn khoảng 50%.

Tình trạng giảm lượng máu đến nuôi thận, nghẽn dòng nước tiểu khi nó được bài xuất khỏi thận đều có thể gây ra suy thận

Tình trạng giảm lượng máu đến nuôi thận, nghẽn dòng nước tiểu khi nó được bài xuất khỏi thận đều có thể gây ra suy thận

Những bệnh lý làm giảm lượng máu đến nuôi thận, hoặc làm nghẽn dòng nước tiểu khi nó được bài xuất khỏi thận, hay làm tổn thương các tế bào thận đều có thể gây ra suy thận. Trong đó, các bệnh thường gặp thúc đẩy suy thận cấp bao gồm: nhiễm trùng tiểu mạn tính, mất nước và tổn thương thận do hậu quả của suy tim, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Nguyên nhân của suy thận cấp bao gồm các bệnh ảnh hưởng gián tiếp đến thận như huyết áp thấp, tắc nghẽn đường ra của dòng nước tiểu và các tổn thương thận trực tiếp (do thuốc, chất cản quang, độc chất …).

Để nhận biết bệnh suy thận cấp, bác sĩ Trần Lê Vũ khuyến cáo cần chú ý các dấu hiệu sớm của suy thận cấp là không có hoặc có rất ít nước tiểu. Các dấu hiệu muộn hơn bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và giảm cảm giác thèm ăn.

Bên cạnh đó, biểu hiện kích động, rối loạn giấc ngủ, co giật, lú lẫn, hôn mê, ngứa nhiều toàn thân, huyết áp tăng hoặc tụt huyết áp, những vết bầm không biết do đâu cũng như chảy máu không rõ lý do là các dấu hiệu có thể thấy trong suy thận cấp. Trong vài trường hợp suy thận cấp, thận vẫn tạo ra được nước tiểu, nhưng nước tiểu đó lại không có chứa các hóa chất hoặc chất thải bình thường được bài xuất bởi thận.

Để chẩn đoán suy thận cấp, các xét nghiệm máu và nước tiểu có thể giúp định lượng chức năng thận. Sinh thiết thận có thể được viện dẫn đến trong vài trường hợp, cũng như chụp điện quang ngực, bụng, thận và niệu quản.

Việc điều trị suy thận cấp cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ

Việc điều trị suy thận cấp cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ

Và việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra suy thận cấp. Bác sĩ Vũ cho biết thêm, trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân suy thận cấp cần phải nhập viện. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc để tăng tạo nước tiểu và một máy thận nhân tạo có thể giúp thực hiện chức năng loại bỏ các chất thải của thận đang bị suy.

Bệnh nhân suy thận cấp thường được dặn dò ăn ít đạm, muối, và kali; cũng như dùng thuốc để ổn định huyết áp và bổ sung canxi. Trong nhiều trường hợp, thận có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng thời gian hồi phục có thể mất đến 6 tuần hoặc hơn.

Khi bị suy thận cấp nên làm gì?

1. Tuân thủ chế độ ăn ít đạm nếu được bác sĩ yêu cầu. Một chế độ ăn thích hợp là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng. Bạn có thể phải giảm ăn vài loại trái cây, sô-cô-la, và vài loại đậu, nếu chúng có chứa nhiều kali. Nếu thận không hoạt động bình thường, thì việc có nhiều kali trong máu có thể gây nguy hiểm cho tình trạng tim mạch của bạn (nhịp tim chậm hoặc thậm chí ngưng tim).

2. Dùng thuốc theo đúng yêu cầu của bác sĩ.

3. Theo dõi cân nặng, cũng như lượng nước đưa vào và thải ra hàng ngày, nếu được bác sĩ yêu cầu.

4. Báo với bác sĩ ngay sau khi tiếp xúc với bất kỳ thuốc hoặc chất độc nào.

5. Hạn chế đưa nước/dịch vào cơ thể để tránh phù phổi.

6. Báo cáo với bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả các loại thuốc mua không cần kê toa hoặc thảo dược.

7. Báo bác sĩ ngay nếu bạn sốt, ớn lạnh, nôn ói, đau đầu, đau cơ và tiêu chảy.

8. Tránh tiếp xúc bất cứ cái gì được biết gây hại cho thận, ví dụ vài loại thuốc chống chỉ định theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.

9. Ổn định các bệnh lý gây hại cho thận, ví dụ như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, và nhiễm trùng.

Điều không nên làm khi bị suy thận cấp

1. Tự ý ngưng thuốc hoặc tự chỉnh liều thuốc.

2. Tự ý uống thảo dược hoặc các loại thuốc không cần kê toa mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO