Báo Điện tử Gia đình Mới

Dạy con kiểu Nhật: Đừng tước đoạt sự tự do của trẻ và 3 bài học dạy con tự lập

Để giúp con phát huy năng lực của bản thân và tự tin bước vào xã hội, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là một “coach - huấn luyện viên” của trẻ.

Trong quan niệm của phần lớn các bậc cha mẹ, trách nhiệm và vai trò nuôi dưỡng con của người làm cha, làm mẹ là đỡ đần, là hậu thuẫn, là hết lòng giúp đỡ con trong mọi chuyện.

Tuy nhiên, theo tác giả cuốn sách “Cha mẹ dạy con tự lập” – bà Sugahara Yuko, vai trò quan trọng nhất của cha mẹ là dạy con tự lập.

“Làm thay con chính là hại con”

Có một câu nói dành cho những ai đi giúp đỡ người khác, là “Cho cá hay là dạy họ cách câu?” Tác giả cuốn sách giải thích, hành động cho cá với người sắp chết là hành động đáng trân trọng, tuy nhiên nếu cứ đem cá cho họ thì tự bản thân họ không thể giải quyết được vấn đề và dần sẽ cảm thất vọng và bất mãn, vì mặc cảm mình kém cỏi.

Điều này cũng đúng trong việc nuôi dạy con, khi trẻ còn nhỏ, việc cha mẹ giúp đỡ giám sát trẻ sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Nhưng khi trẻ dần lớn lên và có sự va chạm trong các mối quan hệ xã hội thì chúng sẽ không biết phán đoán và hành động như thế nào khi không có cha mẹ ở bên.

Dạy con kiểu Nhật: Đừng tước đoạt sự tự do của trẻ và 3 bài học dạy con tự lập 0

Cuốn sách "Cha mẹ Nhật dạy con tự lập"

Theo tác giả Sugahara Yuko, các bậc cha mẹ luôn mang tâm lí muốn “bảo vệ con”, “muốn dạy con tốt” hay “muốn là cha mẹ tốt”… Tuy nhiên, thực tế của những hành động ấy lại “tước đoạt sự tự do, ngắt đi hạt mầm mới nhú giúp trẻ từ lập”.

Tình yêu vô điều kiện của cha mẹ phải được đặt đúng thời điểm, bởi khi trẻ đã lớn cha mẹ cũng cần trưởng thành, thay đổi cách tiếp cận của mình với con. “Để trẻ có kĩ năng sống thì cha mẹ không nên đóng mãi vai trò là “người bảo hộ” của trẻ khi trẻ đã lớn”.

Hơn thế, những đứa trẻ được cha mẹ đáp ứng mọi thứ thì lớn lên, “trẻ sẽ không biết cách diễn đạt chính xác mong muốn của mình với người khác".

Còn với trẻ từ nhỏ luôn bị cha mẹ phớt lờ khi trình bày ý kiến thì “thì lớn lên trẻ sẽ không biết diễn đạt tâm trạng của mình cho người khác”. Với những trẻ được cha mẹ đứng ra giải quyết thay mọi chuyện, “thì lớn lên sẽ không có dũng khí đối đầu với khó khăn”.

Vì vậy, thay vì giúp đỡ (HELP) trẻ như khi còn nhỏ cha mẹ chỉ nên ủng hộ, hỗ trợ (SUPPORT) con khi con lớn dần.

3 bài học cha mẹ nên dạy con

Tác giả cuốn sách Cha mẹ dạy con tự lập khuyên các bậc cha mẹ cần dạy con 3 bài học, đó là: “Yêu thương”, “trách nhiệm” và “hạnh phúc vì biết sống cho người khác”.

Yêu thương là yếu tố giúp nuôi dưỡng cái tôi của trẻ, đồng thời việc được yêu thương sẽ giúp trẻ vượt qua khó khăn, thậm chí trải nghiệm tồi tệ như cận kề cái chết.

Và sứ mệnh cao cả nhất của cha mẹ chính là dạy trẻ biết cách “tự khẳng định bản thân”, biết cách “yêu thương” bản thân và người khác. Chỉ có như vậy cuộc đời về sau của trẻ mới có thể sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, trong cách thể hiện tình yêu thương với trẻ, cha mẹ cần lưu ý phân biệt giữa “chiều chuộng” và “nuông chiều”. Chiều chuộng là tiếp nhận sự nũng nịu của trẻ, điều này sẽ giúp trẻ tự lập về mặt tâm lí.

Còn “nuông chiều” là hành động thỏa mãn tâm lí cá nhân, cha mẹ đã chăm sóc con quá mức cần thiết, những việc lẽ ra con phải tự làm thì lại làm thay con hết. Như vậy khi lớn lên, trẻ sẽ không biết cách tự lập hay tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm.

Dạy con kiểu Nhật: Đừng tước đoạt sự tự do của trẻ và 3 bài học dạy con tự lập 1

Trong nuôi dạy con, cha mẹ cần phân biệt giữa "Chiều chuộng" và "nuông chiều".

Về bài học trách nhiệm, tác giả Sugahara Yuko cho rằng nên giúp trẻ nuôi dưỡng qua việc để trẻ tự thức dậy mỗi sáng. Bởi trong trường hợp cha mẹ là người đánh thức trẻ, nếu trẻ bị muộn học, trẻ sẽ đổ lỗi “nếu cha mẹ gọi con dậy sớm hơn thì con đã không muộn học như thế”. Ngược lại, trường hợp trẻ tự thức dậy, nếu bị muộn học ngày mai trẻ sẽ biết cần dậy sớm hơn.

Vì vậy, trong quá trình trải nghiệm, cha mẹ cần để trẻ tự chịu trách nhiệm với kết quả mình làm. Đây cũng là cách để trẻ học về bài học nhân quả. Qua đó giúp trẻ rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại, khả năng xử lí tình huống để thay đổi kết quả sự việc.

Bên cạnh bài học về lòng yêu thương, tinh thần trách nhiệm, tác giả của Cha mẹ Nhật dạy con tự lập còn gợi ý các bậc cha mẹ hãy giúp trẻ nuôi dưỡng “Hạt mầm “hạnh phúc khi là người có ích”.

Việc cha mẹ thường dạy trẻ cách cư xử lịch thiệp nơi công cộng, giúp đỡ người hoạn nạn hay nhường ghế cho người già chính là bắt nguồn từ nguyên tắc biết sống vì người khác.

“Khi gieo vào tâm hồn trẻ hạt giống biết sống vì người khác thì chắc chắn trẻ sẽ hành động đúng, cha mẹ cũng không tốn công sức nghĩ cách khen hay mắng để thúc trẻ làm theo ý mình”.

Nhờ vậy, trẻ cũng hoàn toàn tự nguyện đem lại niềm vui cho người khác mà không cần báo đáp, bản thân trẻ cũng thấy vui.

Và thông điệp lớn mà tác giả cuốn sách muốn gửi đến các bậc cha mẹ là, một đứa trẻ hạnh phúc là một đứa trẻ trưởng thành độc lập, biết tự đi trên chính đôi chân của mình. Cuốn sách sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức và tự tin trong hành trình cùng con trở thành người tự lập.

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO