Báo Điện tử Gia đình Mới

Học bơi: Lặn thụt dầu, bật nhảy nhô đầu mà sống

Kỹ năng thở, Lặn thụt dầu và bật nhảy nhô đầu để sống là những miếng ghép đầu tiên của Bơi tự cứu Dịch cân kinh có thể dạy ở mọi vùng miển Tổ Quốc.

Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi", người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.


Kích não (Brain Storming) với Hỏi & Đáp

Trong bài viết “Muốn nhanh biết bơi đừng lười luyện thở”, E-Bơi khuyến nghị nên học bơi theo trình tự sau:  

Lưu ý: 4 phần bên trên (in đậm) cùng với nội dung của gói 10 Biết trong phòng chống đuối nước (đăng trên Gia Đình Mới ngày 2/4/2019), là những gì mà ai cũng nên học để phòng chống đuối nước; 5 phần còn lại thuộc lựa chọn của mỗi người. 

Học bơi: Lặn thụt dầu, bật nhảy nhô đầu mà sống 0

4 kiểu bơi sải, ếch ngửa, bướm (bên trái)

Và bơi tự cứu dịch cân kinh (bên phải) 

Tại sao nên học bơi theo trình tự nói trên…

Vì:

Bơi chỉ là bức họa

Ba miếng ghép khác màu

Thở - Lặn / Nổi– Chuyển động

Trên mặt vải – Nước sâu

Học bơi giống học Toán

Học từ thấp tới cao

Đơn giản tới phức tạp 

Học ngược, học thế nào?   

Với trình tự này, cứ qua mỗi bài tập, mỗi bước, “sự sốt ruột” về thành tích của số đông người học sẽ được đáp ứng bởi các kết quả cân đong, đo đếm được.

Ví dụ, bạn được coi là “Biết Thở” khi có thể thoải mái úp mặt vào chậu nước hay chìm đầu trong nước (trong thùng phuy, ở bể bơi hay ở môi trường nước hở) và kiểm soát được hơi thở của mình y như đang thở trên cạn. Các ưu điểm khác sẽ được trình bày rõ hơn dưới đây. 

Tại sao lại học lặn trước khi học thả nổi?         

Có 2 kiểu lặn thông thường là lặn tại chỗ (nhảy chân xuống hay nhảy cắm đầu xuống của các vận động viên nhảy cầu) và lặn di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Ở bước 2 này, bạn sẽ học Lặn thụt dầu, lặn tại chỗ, chân xuống trước, rất đơn giản, chỉ là nhô lên thở vào, hụp xuống thở ra, chuẩn bị cho học Bơi tự cứu Dịch cân kinh (bước 4). Lặn thụt dầu giúp bạn:

  • Làm quen với việc phối hợp cùng lúc 2 kỹ năng là hít thở và chuyển động;
  • Cảm nhận một số tính chất của nước (có cảm giác nước);
  • Hết sợ nước và độ sâu nhờ chân vẫn bám đáy ở tư thế thẳng đứng quen thuộc.

Ở bước này, bạn cũng làm quen với thả nổi kiểu “trứng”, một kiểu thả nổi giúp bạn dễ thả chân xuống để đứng lên. Nhiều người mới học bơi, thả nổi sấp (nằm ngang) rất nghề, nhưng lại luống cuống khi đứng lên để thở vào khi sắp cạn hơi.

Bạn luống cuống vì độ trễ của “lực – phản lực” trong nước khác với “lực – phản lực” trên cạn. Nước là điểm tựa động nên “phản lực” của nó bị “trễ”, không tức thời so với “phản lực” của mặt đất.

Sau khi học bơi ếch (Bước 6), sau khi biết thả nổi sấp và biết đứng lên từ tư thế đó, bạn mới nên học lặn và di chuyển dưới mặt nước vì đây là một kỹ năng khá khó.

“Bơi tự cứu Dịch cân kinh”, “Bơi ếch” và “Đứng nước”, cái nào dễ nhất? 

­Xét về tiêu hao sức lực và độ khó kỹ thuật, Bơi tự cứu Dịch cân kinh là dễ nhất rồi tới Bơi ếch và khó nhất là Đứng nước.

Bơi tự cứu Dịch cân kinh -->  (Bơi chó) -->  Bơi ếch --> Đứng nước

Do người với nước “đặc” gần như nhau (khối lượng riêng xấp xỉ nhau) nên ở trong nước, người bị nước đẩy lên, đầu nổi lập lờ sát mặt nước. Tất nhiên, chỉ khi bạn không vùng vẫy hoảng loạn hay không bị rơi xuống quá sâu.

Tại “điểm cân bằng” này, nếu có ống thở thông lên bên trên thì chả cần động đậy vẫn có thể tồn tại dưới nước hàng giờ, trừ khi bị lạnh, bị sốc nhiệt, hay bị chuột rút do ngâm nước lâu.    

Trong Bơi tự cứu Dịch cân kinh, người ta chuyển động lên xuống xung quanh “điểm cân bằng” này. Rơi xuống do trọng lực (sức hút của Quả Đất); nổi lên tới điểm cân bằng do lực đẩy Archimedes, và nhô khỏi mặt nước để thở hay bơi xiên xiên tới do lực quạt tay.

Lực tiêu hao cho một chu kỳ bơi như vậy rất nhỏ, thời gian thư giãn lại dài nên kiểu bơi này rất phù hợp cho trẻ nhỏ, sức yếu để phòng chống đuối nước.

Bơi ếch rất khó về kỹ thuật, lại tốn sức hơn vì phải phối hợp nhịp nhàng cả chân và tay để di chuyển, kéo  thân người lướt ngang mặt nước rồi nhô thở, tuy vậy, ta vẫn có thể nghỉ ngơi, thư giãn lúc cơ thể duỗi dài lướt nước.

Đứng nước, kỹ thuật không khó nhưng mệt hơn hai kiểu bơi trên vì cần đạp quạt chân tay giữ cho đầu luôn nhô trên “điểm cân bằng”. Bơi chó cũng khó với đầu luôn cao hơn mặt nước nhưng khi đã biết Bơi tự cứu Dịch cân kinh thì dễ hơn bơi ếch vì động tác đơn giản.

Một ưu điểm nữa của trình tự học bơi nói trên là sau khi học bước 3, hiểu sự khác nhau của chuyển động bơi lội trong nước so với chuyển động trên cạn và sau khi biết bước 4 (Bơi tự cứu Dịch cân kinh), người học có thể tự học các kiểu bơi ếch, trườn sấp, ngửa, bướm hay sáng tạo ra các kiểu bơi khác mà không lệ thuộc vào thầy bà. Thông tin tự học bơi có rất nhiều trên Internet, chỉ có muốn học hay không thôi.

Tại sao lại “Lặn thụt dầu, bật nhảy nhô đầu mà sống”?

Cuộc chiến với Hà Bá để “trụ hạng” đơn giản là cuộc chiến bảo vệ khí quản khỏi bị nước lọt vào. Khi đầu nổi lập lờ sát mặt nước thì miệng của bạn chỉ cách sự sống, khoảng không bên trên tầm 15-20cm.

Vì vậy, các bài tập lặn và bật nhảy bằng chân ở nơi nước không quá sâu (từ ngập ngang cổ tới ngập quá đầu người ~ 30-40cm) hay các bài tập sau này dùng tay quạt nước để nhô lên thở đều nhắm tới mục đích giúp bạn có cơ hội tiếp cập khoảng không khí trên mặt nước. Nhô lên thở được là sống được.  

Ở nước ta, không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện để học bơi, nên để trẻ nhỏ mọi miền được bảo vệ bình đẳng khỏi tai nạn sông nước, trường học cần dạy trẻ 10 Biết trong phòng chống đuối nước và Bơi tự cứu Dịch cân kinh, một kiểu bơi đơn giản, dễ học, ít tốn diện tích mặt nước, ít tốn tiền bạc, trước khi trẻ có cơ hội học các kiểu bơi khó, tốn kém như ếch, trườn sấp,…

Kỹ năng thở, Lặn thụt dầu và bật nhảy nhô đầu để sống là những miếng ghép đầu tiên của Bơi tự cứu Dịch cân kinh có thể dạy ở mọi vùng miển Tổ Quốc. Trẻ có được học hay không, phụ thuộc vào sự quan tâm của các bậc cha mẹ, của nhà trường và xã hội.       

Trước khi luyện Lặn thụt dầu và Thả nổi, E-Bơi mời mọi người bổ sung các từ còn thiếu, chỗ có các dấu chấm (….) để hoàn thiện bài thơ lục bát 10 Biết trong phòng chống đuối nước dưới đây.

… Biết Đuối nước - Tại sao?

Hai ……… ………Nơi Nào xảy ra

Ba, Bốn ……Nước, Biết….

…… là Biết cách …. ra, Thở ….

Sáu Biết…. / Nổi lên cao

…. Biết Chuyển ….. thế …. cho xinh

Tám Bơi kiểu Dịch …………

Chín …… cứu bạn, cứu …. khi nguy

……, Nhấn tim, thổi ngạt học…

Phòng …. đuối nước có gì ….. đâu!

Gợi ý: Tên bài thơ và đáp án có trong bài viết “Trẻ em cần học gì để phòng chống đuối nước” được báo Gia Đình Mới đăng ngày 2/4/2019.

Tập luyện Lặn thụt dầu / Thả nổi

Sau khi học thở ở bài “Muốn biết bơi nhanh, đừng lười luyện thở”, giờ là lúc ghép thở với Lặn thụt dầu và Thả nổi:

  • Lặn chay luyện ý: Đứng thẳng, thở vào bằng miệng trong 2 hay 3 nhịp (đếm thầm 1, 2,… 3), ngồi thụp xuống thở ra bằng mũi ngân ư ư… trong 4 hay 6 nhịp (ư ư … đếm thầm 1, 2, 3, 4, … 5, 6) rồi đứng lên thở vào. Tập nhiều lần nối tiếp nhau, tưởng tượng là đang tập dưới nước. Việc ư ư … đếm giúp ta định tâm vào quá trình luyện thở (giống với cách định tâm trong Thiền).
  • Bật nhảy ngân thở với… bao tải (hình dưới): Khi bật nhảy thì ngân thở ư ư… dừng lại thì thở vào lấy hơi rồi nhảy tiếp. Có thể lập vài đội và thi đấu với nhau. Mục đích vẫn là phối hợp chuyển động và thở ra, thở vào.  
Học bơi: Lặn thụt dầu, bật nhảy nhô đầu mà sống 1

Học sinh Tiểu học Tuyên Quang tập bật nhảy với bao tải

  • Lặn thụt dầu với cốc nước: Vẫn tập như trên nhưng với một cốc nước cầm ở tay. Khi thụp xuống thì “phun mưa” vào cốc nước đó. Mục đích của bài tập là phối hợp chuyển động lặn thụt dầu và thở vào thở ra như yêu cầu;

Cũng có thể là lúc đầu đứng thở vào, thụt xuống thở ra rồi bật nhảy lên cao thở vào, rơi xuống  thở ra. Quá trình là bật nhảy, rơi xuống, bật nhảy rơi xuống…

Cũng có thể là bò chui qua gầm bàn thì thở ra, đứng lên thở vào.  Có thể sáng tạo ra nhiều bài tập với nguyên tắc luôn là dùng chân bật nhảy để vươn cao đầu thở vào và luôn ngân ư ư… định tâm khi thở ra.

  • Lặn thụt dầu trong thùng phuy: Trẻ tiểu học có thể tập trong thùng phuy (200 – 250 lít). Chả có bể bơi nào lại nhỏ, tiết kiệm được nước và chi phí như vậy mà tạo được cảm giác nước tuyệt với như vậy. 
  • Thùng phuy là thứ dễ kiếm, có bán nhiều trên thị trường với giá 200 – 250 ngàn đồng / chiếc. Vài hộ gia đình có thể mua tập chung cho nhiều trẻ. Nước ở nông thôn chả phải thứ khó tìm.   

 Học sinh Song Khê Bắc Giang tập Lặn thụt dầu trong thùng phuy.  

  • Lặn thụt dầu ở bể bơi: Nếu được tập ở bể bơi thì quá tốt rồi. Chỉ là nhô lên thở vào (bằng miệng), hụp xuống thở ra bằng mũi.

Bật nhảy thụt dầu ở bể bơi

  • Tập thả nổi trong thùng phuy: Kích cỡ thùng phuy 200 – 250 lít chỉ thích hợp với các học sinh lớp 1, 2. Các em lớn hơn nên tập ở bể bơi mini. Các bước tập như sau: Đứng thẳng, há miệng thở vào, nín thở hụp xuống nước rồi giữ nguyên tư thế ngồi xổm đó để nước đẩy nổi lên (giống tư thế của thai nhi trong bụng mẹ). Một lúc sau thở ra, người sẽ từ từ chìm xuống rồi đứng lên thở vào…
  • Tập thả nổi “trứng” ở bể bơi: Thả nổi “trứng” là thả nổi ở tư thế người cuộn tròn, bắt đầu là há miệng thở, vào nín thở, ngồi thụt xuống theo kiểu xổm, hai tay vòng ôm gối. Nước sẽ đẩy nổi lên, lưng ở phía lên, giống quả trứng nổi trong nước. Khi thở ra, người từ từ chìm xuống đáy và rồi chống tay, chống chân để đứng lên. 

Tư thế thả nổi “Trứng”

Về cách Tạo Cảm giác nước

Dù tập trên cạn, hay với nước / dưới nước, người tập cần ý thức về một số tính chất của nước dưới đây:

  • Nước truyền nhiệt tốt nên khi lặn thụt dầu có thể cảm thấy mát mẻ, dễ chịu hoặc quá nóng hay quá lạnh. Sự truyền nhiệt này có thể gây ra sốc nhiệt, cảm lạnh, chuột rút…;
  • Nước đặc hơn không khí, có tính đẩy nổi nên cơ thể rơi thụt xuống chậm so với rơi trên cạn. Khi rơi xuống nước, nếu không vùng vẫy hoảng loạn thì nước sẽ đẩy cơ thể nổi lên tới “Điểm cân bằng”, cách sự sống tầm 15-20cm;
  • Nước có thể lỏng, mềm mại như lụa hay rắn, cứng đanh như bê tông, tùy thuộc lực tác dụng vào nó chậm hay nhanh, nhẹ hay mạnh. Tốc độ Lặn thụt dầu khác nhau tạo ra các cảm giác nước khác nhau. Trẻ nô đùa, nhảy từ cầu cao xuống nước có thể bị nguy hiểm khi bụng rơi đập xuống nước làm chấn thương các cơ quan nội tạng;
  • Nước có tính bao bọc, lấp đầy mọi khoảng không nhỏ nhất nên nước dễ chui vào mũi, tai, mắt tạo cho người bơi các cảm giác khó chịu bất an;
  • Nước có tính khúc xạ lớn. Người bơi nên đeo kính để quan sát tốt hơn khi chìm đầu vào nước…
  • Hãy đọc bài “Hãy giúp con biết nước để sống an toàn với nước” đăng ngày 17/4/2019 trên Gia Đình Mới để có thêm cảm giác nước.

Biết Thở, biết Lặn thụt dầu và Thả nổi kiểu “trứng” là đã biết bơi 90% rồi. Các kiểu bơi khác nhau như ếch, bướm, trườn sấp, ngửa, chó, cá heo… chỉ là do cách chuyển động tay chân và thân người trong nước khác nhau. Dù bơi kiểu gì vẫn nên nhớ, biết bơi chưa phải đã an toàn đuối nước 100%. 

Các bài đã đăng cùng series:

TS Phạm Anh Tuấn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO