Báo Điện tử Gia đình Mới

Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào?

Bài này giúp mọi người tự học “Vũ điệu Bơi tự cứu Dịch cân kinh”. E-Bơi gọi bơi là “Vũ điệu” dưới nước bởi nó có nhịp (Tempo) và có điệu (Style).

Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.


Bơi tự cứu Dịch cân kinh là nội dung thứ 8 của 10 Biết trong phòng chống đuối nước đăng trên Gia Đình Mới ngày 2/4/2019, bài “Trẻ em cần học gì để phòng chống đuối nước”

Một Biết Đuối nước - Tại sao?

Hai Biết đuối nước Nơi nào xảy ra

Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta

Năm là Biết cách Thở  ra, Thở vào  

Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao

Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho “xuynh”

Tám Bơi kiểu Dịch cân Kinh

Chín Biết cứu bạn, cứu mình khi nguy

Mười, Nhấn tim, Thổi ngạt học đi

Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!

Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào? 0

7 Biết trước đó đã được đăng lần lượng trong mục  “Kỹ năng sống” của Gia Đình Mới. Bài này giúp mọi người tự học “Vũ điệu Bơi tự cứu Dịch cân kinh”. E-Bơi gọi bơi là “Vũ điệu” dưới nước bởi nó có nhịp (Tempo) và có điệu (Style).  

Bơi chỉ là vũ điệu

Thực hiện dưới nước sâu

Vũ điệu phải có nhịp

Uyển chuyển, chẳng vội đâu

 

Vũ điệu Bơi tự cứu

Nhấp nhô nhịp quân hành (2/4)

Còn ếch, ngửa, sải, bướm

Nhịp 4/4 là thành    

 

Bơi chỉ là bức họa

Ba miếng ghép khác màu

Thở - Lặn, Nổi – Chuyển động

Trên mặt vải – Nước sâu 

Ai bảo trong bơi không có nhạc

Chỉ là khua đạp quậy lung tung?  

Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào? 1

Bơi giúp vui vẻ, khỏe mạnh, an toàn hơn với sông nước và giúp mưu sinh khi cần thiết (qua sông suối tới trường, chăn trâu, kiếm củi, mò cua, bắt cá…). Không học bơi, không biết bơi thật thiệt thòi.

Sau Bơi tự cứu Dịch cân kinh, mọi người có thể tự học tiếp các vũ điệu bơi lội khác như:

  • Vũ điệu bơi chó
  • Vũ điệu bơi cá heo,
  • Vũ điệu bơi ếch hoặc bơi trườn sấp;
  • Vũ điệu bơi ngửa (y như bơi trườn sấp nhưng ở tư thế nổi ngửa trên lưng);
  • Vũ điệu bơi bướm; và
  • Sáng tạo ra các vũ điệu bơi khác…

Kích não (Brain Storming) với Hỏi & Đáp

Tại sao lại gọi là “Bơi tự cứu Dịch cân kinh”?

Hiện có nhiều kiểu bơi khác nhau được dân bơi gán tên là bơi tự cứu, bơi sống sót, bơi sinh tồn… Mục đích của các kiểu bơi này là giúp người bơi tồn tại lâu dài trong nước, nhất là khi gặp sự cố

Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi ngoài đáp ứng yêu cầu trên nó còn là kiểu bơi rất đơn giản mà người dân mọi vùng miền có thể tự học (tự cứu mình) với các vật dụng dễ kiếm là chậu nước, thùng phuy, bể bơi mi ni… Nó ít tốn sức nên thích hợp dạy trẻ từ 4-5 tuổi trở lên để phòng chống đuối nước.

Nó được thêm cụm từ “Dịch cân kinh”, vì động tác vẩy tay nhô lên thở của nó giống với động tác vẩy tay của bài thể dục Dịch cân kinh mà nhiều người hay tập.

Bơi tự cứu dịch cân kinh

Chỉ là giữ thẳng thân mình vẩy tay

Tập như thể dụng hàng ngày

Khi rơi xuống nước, bơi ngay sợ gì 

Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào? 2

Biết Bơi tự cứu Dịch cân kinh là không bị đuối nước?

Không đúng! Biết bơi kiểu gì mà chủ quan thì vẫn bị đuối nước / chết đuối. Ngoài bơi ra cần biết thêm nhiều kiến thức khác (10 Biết trong phòng chống đuối nước) mới may giữ được mạng sống. Chớ dại mà đùa với Hà Bá vì tai nạn sông nước là muôn hình vạn trạng, là khó lường.

Học phòng chống đuối nước

Để thấy nguy tránh ngay

Chớ có dại thử sức

Hà Bá bắt có ngày!

 

Ta cần gì để bắt đầu học Bơi tự cứu Dịch cân kinh?

Cần:

  • Luyện thở (theo bài “Muốn nhanh biết bơi đừng lười luyện thở”);
  • Luyện Lặn / Nổi (theo bài “Lặn thụt dầu, bật nhảy nhô đầu mà sống”);
  • Môi trường nước tối thiểu cần cho 1 người: Mặt nước rộng 1-1,5 m2; sâu 1- 1,5m. Cũng có thể sử dụng bể mini bằng plastic, có chiều dài hơn chiều cao cơ thể, chiều rộng tối thiểu 1m và chiều sâu khoảng 0,7m để tập thở nước và thả nổi trứng. Biết Thở, biết Lặn / Nổi là đã biết bơi 90%;   
  • Phụ kiện khác: Kính bơi, mũ bơi, nút tai, … Những thứ này có thì tốt, không có cũng không sao. Không nên lệ thuộc vào phụ kiện vì khi lâm nạn ít ai mang kính bơi, nút tai…  

Bơi tự cứu Dịch cân kinh được thực hiện theo nhịp nào, điệu nào với vòng lặp nào?

Nhịp (Tempo): Nhịp sinh học bình thường. Thở vào thở ra 12 – 15 lần/phút. Nhịp tim: 60-90 lần / phút. Bơi thoát đuối thì cứ từ từ để giữ sức. Nhanh quá dễ mất sức, chậm quá dễ bị lạnh khi mùa đông.   

Điệu: 2/4, quân hành mốt hai mốt… Có thể tập động tác ngay trên cạn theo bài hát mà E-Bơi chế dưới đây.

Vòng lặp:

… Rơi xuống – Nhô lên – Rơi xuống  - Nhô lên…

Khi rơi xuống thì nín thở hoặc thở ra, khi quạt tay nhô lên thì thở ra / thở vào. Muốn bơi tới thì quạt tay xiên xiên ra phía sau.

Thực hiện 5 Đúng trong chuyển động Bơi tự cứu Dịch cân kinh như thế nào?

  • Đúng đường hay đúng hình dáng chuyển động. Kiểu bơi này có thể chỉ dùng tay (1 hay 2 tay), không cần chân. Cũng có thể chỉ dùng chân đạp nước mà không dùng tay. Thân người rơi thẳng xuống nước do trọng lực, nổi lên tới “Điểm cân bằng” – đầu lập lờ sát mặt nước do lực đẩy Archimedes. Ở điểm cân bằng này, chỉ cần quạt nhẹ tay, ấn nước xuống phía sâu là có thể nhô đầu lên thở. Quạt 2 hay 1 tay đều được. Quạt kiểu gì, với hình dáng gì (gập khuỷu, duỗi thẳng) đều được miễn là luôn ấn nước từ trên xuống;   
  • Đúng thời điểm: Nên “Lựa gió bẻ măng” hay “Tát nước theo mưa” khi quạt tay nhô lên thở trước khi người nổi tới “Điểm cân bằng” thì sẽ ít tốn sức. Tuy nhiên, nếu rơi sâu quá, cần quạt tay ấn nước cho nổi lên nhanh hơn để khỏi bị ngạt. Quạt một lần chưa được thì quạt nhiều lần. Dưới nước chỉ nín thở hoặc thở ra, trên mặt nước mới được thở vào. Đó là đúng thời điểm;
  • Đúng cường độ lực: Khi quạt tay vươn đầu lên thở thì phải quạt mạnh, có lực. Khi giơ tay lên để chuẩn bị cho vòng quạt sau thì phải từ từ, nhẹ nhàng. Quạt tay xuống yếu quá, giơ tay lên mạnh quá đều không đúng luật Cương - Nhu;
  • Đúng điểm đến của Phản lực: Khi quạt xuống, tay phải gồng y như đang chơi vật tay. Nếu không gồng, phản lực ở bàn tay, cánh tay sẽ không làm cho đầu vươn lên thở được. Đập mạnh bàn tay xuống nước sẽ làm đau bàn tay chứ người không vươn lên. Đập tay khác với miết, xoa và khác với ấn tay;
  • Đúng nhịp sinh học: Bơi tự cứu Dịch cân kinh là để thoát đuối nước nên không phải vội vàng. Cứ bơi từ từ, di chuyển từ từ theo nhịp sinh học bình thường thì 50 m hay 100 m hay xa hơn cũng không phải là vấn đề.
  • Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào? 3

Những lỗi hay mắc?

  • Tập thở chưa tốt nên đầu óc phân tâm dẫn tới phối hợp động tác bơi lội không tốt. Thở chưa tốt có thể là: Mở miệng sớm quá bị nước chảy vào mồm; Mở miệng muộn quá, chưa kịp thở ra / thở vào thì đã rơi lại xuống nước; Ở dưới nước hít vào nên bị sặc; Nín thở lâu quá dưới nước cũng làm nhanh mệt và dễ cuống ở lúc cuối…;
  • Tập lặn thụt dầu chưa tốt nên vẫn có cảm giác sợ nước, sợ độ sâu. Hậu quả cũng là phân tâm, phối hợp động tác bơi lội không tốt. Lặn / Nổi chưa tốt nên không thấy tự tin trong nước, không cảm nhận được lực đẩy nổi của nước. Cơ bắp căng cứng, tim mạch hồi hộp, nhanh mệt dẫn tới làm sai động tác bơi lội… ;
  • Cương - Nhu sai: Vung tay lên lại mạnh, ấn tay xuống lại nhẹ nên khó vươn thở:
  • Vung tay ngược: Lẽ ra ấn tay xuống để thân và đầu vươn lên thì nhiều người làm ngược lại. Hậu quả, thay vì vươn lên thở lại tụt xuống sâu hơn hoặc đứng im ở một độ sâu. Đó là sai về hình dáng chuyển động;
  • Bơi không có nhịp điệu, khua đạp loạn xạ, không đúng thời điểm, Lực – Phản lực triệt tiêu nhau nên nhanh mệt, dễ sặc;
  • Tay không gồng nên phản lực không truyền tới nơi cần đến; và
  • Tổ hợp của các yếu tố trên tạo ra muôn hình vạn trạng các lỗi khác.

Để phòng chống đuối nước mà cần học tới 10 Biết là có vẻ quá nhiều, quá lâu?

Học bơi ếch thì chỉ 10 – 15 buổi hay lâu hơn chút là biết bơi. Tuy vậy, trẻ vùng sâu vùng xa học bơi ở đâu? Ngoài ra, biết bơi không đủ đảm bảo an toàn đuối nước. Đã có nhiều người bơi giỏi chết đuối. Gần đây nhất, 3/2019, 8 học sinh ở Hòa Bình bị chết đuối ở Sông Đà đều là các em biết bơi.

Học bơi là học động tác bơi lội còn học 10 Biết trong phòng chống đuối nước là nâng cao nhận thức giúp trẻ nhận biết được nguy hiểm mà tránh đi. Nâng cao nhận thức cho trẻ là một quá trình chứ không thể chỉ trong một vài buổi.

Với 10 Biết, người ta còn có thêm nhiều kiến thức khác ngoài bơi lội, phòng chống đuối nước để vận dụng trong cuộc sống. Quan trọng hơn nữa là học cách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để vượt qua khó khăn vươn tới mục tiêu của mình.

Vũ điệu bơi tự cứu dịch cân kinh được thực hiện như thế nào? 4

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành.

Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

TS Phạm Anh Tuấn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO