Báo Điện tử Gia đình Mới

Tấm bằng đại học không phải 'vé vào' duy nhất để thành công

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định, chỉ cần bạn đặt ra mục tiêu thực hiện tất cả những cái được của việc đỗ đại học, chắc chắn bạn cũng sẽ thành công.

  Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Trước ngưỡng cửa của Đại học, rất nhiều phụ huynh và học sinh đang vô cùng căng thẳng để lo "tấm vé" tương lai của mình.

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Long Blackmoon) cho rằng, mỗi bạn trẻ trong 3 năm học cấp ba đã nên xác định cho chính bản thân mình rằng: Học đại học để làm gì? Môi trường đại học mang đến cho mình cái gì? Để từ đó, nếu không đỗ đại học, chúng ta phải đối diện và giải quyết như thế nào?

Đại học là quan trọng...

Theo quan điểm của tôi, việc đỗ đại học là quan trọng, bởi môi trường đại học cung cấp cho mỗi sinh viên 3 cái:

  • Thứ nhất: đó là một tấm bằng (nếu tốt nghiệp được). Tấm bằng này là chứng nhận cho việc bạn đã có quá trình học, thi các chương trình đào tạo của ngành, khoa, trường mà bạn chọn, thể hiện bạn là người có kiến thức, có trình độ.
  • Thứ hai: đó là các mối quan hệ. Đây là cái rất quan trọng cho cuộc sống của bạn sau này. Trên thực tế, đã có rất nhiều những người bạn học đại học cùng nhau lập ra những nhóm khởi nghiệp. Hoặc sau này, khi tìm nhân lực, khách hàng, đối tác, cố vấn cho đơn vị, doanh nghiệp, công ty thì bạn luôn tìm được từ những người bạn học chung thời đại học của mình hay từ thầy cô giáo, những giáo sư giỏi... trong trường.
  • Thứ ba: Những cảm xúc, kỷ niệm. Trong thời gian học đại học, các bạn sẽ tham gia những hoạt động, những chương trình kết nối ở khoa, ở trường... tạo nên những kỷ niệm rất đẹp trong quãng đời thanh xuân của mình.
  Môi trường đại học giúp mỗi sinh viên có tấm bằng đại học, có mối quan hệ và có cảm xúc.

Môi trường đại học giúp mỗi sinh viên có tấm bằng đại học, có mối quan hệ và có cảm xúc.

Tôi cho rằng, với mỗi người, khi được trang bị 3 yếu tố trên, các bạn sẽ có nền tảng quan trọng để xây dựng sự nghiệp, tương lai cho chính mình.

... nhưng có nhiều con đường khác để thành công

Vì một lý do nào đó, bạn trượt đại học. Thay vì chán nản, các bạn cần trả lời câu hỏi: Mình sẽ làm gì để trang bị cho mình 3 thứ mà các trường đại học đã cung cấp cho mỗi sinh viên.

Bởi không phải chỉ có duy nhất trường đại học mới cung cấp cho chúng ta 3 yếu tố trên, mà chúng ta vẫn có rất nhiều cách khác để bổ sung 3 yếu tố đó. Quan trọng là cách chúng ta trang bị 3 yếu tố đó như thế nào? Điều quan trọng nhất là bản thân các bạn phải có mục tiêu để đạt được.

Thứ nhất: Bằng cấp và kiến thức

Các bạn phải hiểu bằng cấp và kiến thức sẽ phục vụ cái gì cho cuộc sống sau này của các bạn. Bằng cấp và kiến thức sẽ tác động tới 2 đối tượng: nhà tuyển dụng, đối tác và chính bản thân bạn.

Tin vui cho các bạn là hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp không quá chú trọng tới bằng cấp của người lao động. Họ quan tâm tới thành tích đạt được từ một cuộc thi tay nghề liên quan trực tiếp tới lĩnh vực của họ, họ cũng lưu ý tới uy tín cá nhân của bạn trên mạng xã hội, các trang blog, group, diễn đàn thuộc ngành, nghề của doanh nghiệp đó.

Nếu bạn không có được một tấm bằng đại học chính quy nhưng bạn có kiến thức, có am hiểu về lĩnh vực mình theo đuổi, thì bạn hoàn toàn có khả năng tìm kiếm việc làm tốt. 

Để có được kiến thức mà không phải qua giảng dạy của các thầy cô trong trường đại học, bạn có thể tự tìm các khóa đào tạo ngắn hạn, các khóa học online của các trường đại học trong nước và quốc tế mở ra, qua đọc sách hay qua việc lập những nhóm bạn cùng theo đuổi lĩnh vực.

Việc theo học các khóa học như vậy bạn hoàn toàn được cấp chứng chỉ đủ tiêu chuẩn để tự tin tham gia tuyển dụng. Quan trọng nhất, bạn phải tích lũy kiến thức, tìm tòi về ngành, nghề bạn chọn một cách nghiêm túc.

Thứ hai: Về các mối quan hệ

Các bạn cần biết rằng để tạo lập các mối quan hệ, đó là kỹ năng chứ không phải là bẩm sinh mà có. Mà để có kỹ năng, thì mình phải tự học. Khi bạn trượt đại học, bạn không có cơ hội tạo dựng các mối quan hệ với những bạn học cùng khoa, cùng lớp, với những thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp, thì bạn phải đặt ra mục tiêu tự xây dựng và phát triển các mối quan hệ.

  Xây dựng tốt các mối quan hệ cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng để giúp ích cho công việc, cuộc sống của bạn.

Xây dựng tốt các mối quan hệ cũng là 1 trong những yếu tố quan trọng để giúp ích cho công việc, cuộc sống của bạn.

Bạn sẽ có 2 hướng xây dựng mối quan hệ: Trên mạng xã hội (online) và ngoài đời (offline).

Trên online: Bạn tham gia các forum, các nhóm hỏi đáp trực tuyến, các mạng lưới sinh hoạt chuyên đề được tổ chức trên mạng xã hội. Thay vì mất thời gian "tám chuyện" trên facebook, zalo, bạn hãy tìm những group về ngành, nghề mình quan tâm, trao đổi với những thành viên tích cực, tạo dựng các mối quan hệ.

Đối với offline: hãy tham gia các cộng đồng, các CLB sinh hoạt chuyên đề của các trường đại học mà không phải là sinh viên, bạn cũng có thể tham gia, rồi các buổi hội thảo, các CLB Tình nguyện... Bạn cũng có thể tìm đến các tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động xã hội.

Bạn cũng cần lưu ý, việc tham gia các hoạt động này không chỉ để trang bị kiến thức, mà còn để tạo dựng những mối quan hệ cho bản thân nên khi tham gia, bạn cần nhiệt tình, tâm huyết trong thời gian dài, khi đó mới hiểu được các thành viên khác như thế nào, để từ đó gắn kết, kết bạn.

Những mối quan hệ được tạo dựng chắc chắn sẽ giúp bạn nhiều trong cuộc sống, công việc.

Thứ ba: Về cảm xúc

Việc tham gia các CLB, sinh hoạt cộng đồng, tổ nhóm từ thiện... cũng sẽ giúp bạn có những kỷ niệm đẹp, cảm xúc buồn vui ở độ tuổi thanh xuân của mình thông qua các hoạt động thực tế.

Bên cạnh đó, dành thời gian đọc sách, những cuốn sách mang ý nghĩa tích cực như Hạt giống tâm hồn, Đánh thức con người phi thường trong bạn, 7 thói quen giúp người trẻ thành đạt... sẽ giúp bạn khám phá bản thân, có thêm động lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Thành công là một khái niệm rất rộng. Bạn hoàn toàn có thể đạt tới thành công theo năng lực của bạn nếu bạn đặt ra mục tiêu rõ ràng và nỗ lực đạt được mục tiêu của mình. Khi đó, dù không vào đại học, bạn cũng sẽ thành công.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO