Báo Điện tử Gia đình Mới

Giao thừa của bác sĩ: Giành giật sự sống cho bệnh nhân, sợ Tết kéo dài

Trong khi cả nước đang háo hức chờ năm mới, nhiều bác sĩ vẫn đang miệt mài trong ca trực làm tròn trách nhiệm của chính mình. 

30 năm đón giao thừa tại bệnh viện

(BS. Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận) 

“Kết thúc năm 2018 của tôi có thể là ca gây mê của ca mổ cột sống của bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. 

Còn giao thừa và trực tết, suốt 30 năm làm trong ngành y cũng gần như từng đấy năm tôi đón giao thừa tại bệnh viện.

Khoảnh khắc giao thừa, lúc có bệnh nhân, tất cả anh em dồn lực vì người bệnh. Khi rảnh, các bác sĩ mới có thời gian nghĩ đến thời khắc chuyển mùa. 

  Ca gây mê cuối cùng trong năm 2018 của BS. Tuấn

Ca gây mê cuối cùng trong năm 2018 của BS. Tuấn

Rảnh thì mình ngó ra ngoài xem có thấy chùm pháo hoa nào không hay tư lự nhìn ra ngoài đường xem mọi người đi chơi. Bây giờ có facebook thì mình đi chúc tụng mọi người cho có khí thế.

Khoảnh khắc giao thừa mà tôi nhớ nhất có lẽ là ngày vẫn còn làm việc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ở đó, đêm giao thừa thường rất đông bệnh nhân vì tai nạn, rồi còn tai nạn do pháo từ thời chưa cấm pháo ấy nên chúng tôi cứ làm việc xuyên đêm đến sáng”. 

Mong năm mới nâng thu nhập và an toàn hơn

(BS. Hoàng Công Tình - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình)

“Năm nay có 4 ngày nghỉ, tôi trực 2, đêm nay (31/12 và ngày mai 1/1/2019). Hiện tại, khoa đang quá tải bệnh nhân và quá tải về máy thở để thở máy cho bệnh nhân.

  Khoa của BS. Tình luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân

Khoa của BS. Tình luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân

Phần nhiều là các bệnh nhân chấn thương phải phẫu thuật và các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính do thời tiết rét đột ngột và rét sâu nên bệnh nặng lên phải nhập viện. 

Chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ nữa là bước sang năm mới 2019 và còn một ngày mai nữa mới hết đợt nghỉ Tết Dương lịch.

Chung chiến hào với anh em trên mặt trận trực Tết, tôi cảm nhận rõ nét nhất sự quá tải bệnh nhân nặng, thể hiện trong không khí làm việc và trên từng nét mặt của anh em đồng nghiệp (họ sợ Tết, và sợ Tết kéo dài).

Tại các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, các khoa hệ Ngoại, các phòng cấp cứu của các khoa lâm sàng khác đã chật kín bệnh nhân nặng; trang thiết bị, thuốc men đã được huy động tối đa. Các khoa vẫn liên tục gọi điện báo làm thêm giờ cho cán bộ thường trú đến tăng cường.

Tại khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực đã hết máy thở và lâu lắm rồi, các đồng nghiệp của tôi phải dùng tay bóng bóp để hỗ trợ thở cho bệnh nhân. Đã có những bệnh nhân không qua được phải đưa xuống nhà xác, đã có những bệnh nhân nặng gia đình xin thôi điều trị trong ngày cuối năm.

Đâu đó là những hình ảnh mọi người đi nghỉ Tết với những bức hình, với những nụ cười tươi vui và những dòng trạng thái đầy háo hức. Chúng tôi cũng rất thèm muốn điều đó!

Khép lại một năm cũ, cá nhân tôi (cũng có lẽ là tâm trạng dân y) mong muốn một năm mới, dân Y sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn, được trang bị đầy đủ hơn về công cụ làm việc, được nâng cao thu nhập và một điều quan trọng nhất là “được làm việc trong môi trường an toàn”!

Trực tết là thời gian nhiều cảm xúc nhất

(Một bác sĩ làm việc tại bệnh viện đa khoa Phố Nối (tỉnh Hưng Yên)

“Có lẽ thời gian làm hồi sức cấp cứu là thời gian trực tết nhiều cảm xúc nhất, khi tôi mới ra trường xin vào một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh học việc không lương.

Mặc dù ngày ấy làm không tiền nhưng hăng say không biết mệt mỏi, ngày đó, tôi trực tuần 3 buổi, trực 24 giờ, không bao giờ ra trực, tức là nghỉ buổi chiều hôm sau. 

Giao thừa của bác sĩ: Giành giật sự sống cho bệnh nhân, sợ Tết kéo dài 2

Thời đó, hàng ngày tôi tiếp xúc với những bệnh nhân nặng nhất bệnh viện, lúc nào cũng trong tâm lý bệnh nhân có thể tử vong.

Buổi sáng nhận trực khoảng 20 bệnh nhân trong khoa và cứ đi theo một bác sĩ trực chính khám từng bệnh nhân, nắm diễn biến và tiên lượng điều trị cho họ. Sau đó cho thuốc xử lý các vấn đề của bệnh nhân phát sinh.

Rồi lại tiếp tục đón bệnh nhân mới, đến trưa tranh thủ ăn cơm căn tin. Khi không có bệnh nhân, các anh em thường đọc sách, một số chơi game.

Ngày cuối năm, buổi tối các chị y tá chuẩn bị chút đồ ăn đón giao thừa còn bác sĩ vẫn cứ xoay quanh bệnh nhân suốt. 

Có những đêm giao thừa vẫn gặp phải ca người nhà hách dịch hay một số dân xã hội đen, khi đó luôn phải tỉnh táo giữ thái độ ôn hoà”.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO