Báo Điện tử Gia đình Mới

Giới trẻ ngày càng kết hôn muộn và ‘ngại đẻ’, TP. HCM có mức sinh thấp nhất cả nước

Xu hướng kết hôn muộn, tâm lý ngại đẻ của giới trẻ hiện nay khiến tại các khu vực đô thị, kinh tế xã hội phát triển, mức sinh của chị em thấp, có nơi rất thấp.

Đó là thông tin được ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ tại hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế tổ chức.

Theo ông Sơn, mức sinh giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Hiện có 33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số.

Các địa phương có mức sinh cao chủ yếu là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên...

Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục… của địa phương và của cả nước.

  Xu hướng kết hôn muộn, tâm lý ‘ngại đẻ’ khiến nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ sinh rất thấp. Ảnh minh họa

Xu hướng kết hôn muộn, tâm lý ‘ngại đẻ’ khiến nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ sinh rất thấp. Ảnh minh họa

Hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, mức sinh ở TP.HCM thuộc nhóm thấp nhất cả nước (mức sinh: 1,39 con).

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Ông Mai Trung Sơn cũng cho biết thêm, sự khác biệt của các yếu tố tác động đến mực sinh dẫn đến chênh lệch mức sinh ở các vùng, miền.

Theo đó, mức sinh thấp là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp.

Bên cạnh đó, hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; thiếu chính sách đủ mạnh để người dân ở vùng mức sinh thấp sinh đủ 2 con.

Đặc biệt, tình trạng phá thai tại khu vực tư nhân phát triển mạnh nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới hậu quả vô sinh.

Còn ở những vùng có mức sinh cao là do ảnh hưởng của văn hóa, phong tục tập quán và bất bình đẳng giới; xu hướng sinh nhiều con để có nhân lực tham gia lao động, sản xuất và phụng dưỡng, chăm sóc gia đình.

Ngoài ra, tuổi kết hôn sớm và khoảng cách sinh con ngắn; tâm lý bao cấp về phương tiện tránh thai và kế hoạch hóa gia đình còn nặng nề cũng là nguyên nhân dẫn đến mức sinh cao tại những vùng kinh tế khó khăn.

Mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh... đặt ra nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc điều chỉnh mức sinh là vô cùng cần thiết.

Duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực phát triển đất nước.

Đồng thời tránh được những hiệu ứng không tích cực như quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh nếu mức sinh giảm xuống sâu dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.

Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương còn góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc chí ít cũng làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO