Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội: Tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trong và ngoài công lập trực thuộc ngành tăng cường các biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi (khoảng 90%), trước đây hay gặp ở trẻ 1 - 5 tuổi nhưng nhờ có vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản nên hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ trẻ mắc cao nhất ở nhóm tuổi từ 5 - 9.

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, hay gặp vào các tháng mùa hè, thường từ tháng 4 đến tháng 10 (mùa mưa ở miền Bắc) đỉnh cao của bệnh thường là tháng 6, tháng 7.

Bệnh thường gặp ở những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người mắc.

Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng bao gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Trung tâm y tế các quận, huyện tăng cường giám sát tại bệnh viện, công đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh để triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

  Tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa

Tiêm phòng vắc-xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản. Ảnh minh họa

Tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định. Đối với những trẻ đã tiêm đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng vần tư vấn để gia đình tiếp tục đưa trẻ đi tiêm nhắc lại định kỳ cho đến khi đủ 15 tuổi.

Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra nên các triệu chứng khởi điểm ban đầu của bệnh rất đa dạng, thường giống với bệnh do virus đơn thuần. Đó cũng là nguyên nhân làm cho bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh do virus khác. Đặc biệt, ở giai đoạn khởi phát, những triệu chứng có thể chỉ là sốt, viêm long đường hô hấp.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp diễn biến rất nhanh. Nếu như bệnh tối cấp thì chỉ vài tiếng sau khi có nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể đi vào ngừng thở, hôn mê, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản có giai đoạn khởi phát trong vòng từ 1 đến 3 ngày. Lúc đầu là sốt kèm theo ớn lạnh, sau sốt cao tăng dần, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và đến giai đoạn toàn phát bệnh nhi có các triệu chứng về thần kinh như  lơ mơ, ngủ gà, cứng gáy, đau đầu, buồn nôn, kích thích vật vã, có thể đi vào hôn mê, co giật…

Các biện pháp dự phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả

Bệnh viên não Nhật Bản hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ biện pháp đặc hiệu và khả thi nhất là tuân thủ việc tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản tối thiểu phải tiêm 3 mũi. Mũi 1 tiêm cho trẻ trên 12 tháng tuổi, mũi 2 cách mũi 1 khoảng 7 - 10 ngày, mũi thứ 3 nhắc lại sau 1 năm.

Ngoài ra, cần phối hợp các biện pháp phòng chống khác như:

- Ổ chứa virus là gia súc (đặc biệt là lợn), muỗi là vật trung gian truyền bệnh nên cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, di dời khu chăn nuôi gia súc xa khu nhà ở.

- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.

- Khi đi ngủ cần phải buông màn để tránh muỗi.

- Hình thành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu ốm, sốt nên cho trẻ thăm khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được điều trị hoặc tư vấn phù hợp và hiệu quả nhất.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO