Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội: Xử phạt hơn 1 tỷ đồng với các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

Trong 5 tháng qua, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính với các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 5 tháng qua, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho những người hoạt động tại các bếp ăn tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thành phố cũng đã thành lập 822 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 719 đoàn liên ngành.

Các đoàn đã kiểm tra 37.280/42.125 lượt cơ sở (đạt 85,5%), trong đó tuyến thành phố kiểm tra 105 lượt cơ sở; tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn kiểm tra 37.175 lượt cơ sở. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính với 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

  Xử phạt 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Xử phạt 687 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, hạn chế kinh doanh, do đó, số lượt kiểm tra và xử phạt vi phạm trong 5 tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được các cấp quản lý tương đối tốt.

Tuy nhiên, với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ để đạt yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn thấp. Đồng thời, còn một bộ phận người sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận đã vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ…

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thời tiết nắng nóng như hiện nay tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm thức ăn dễ ôi thiu.

Thêm vào đó, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh đang tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, tập trung vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có nguy cơ cao, như: Thực phẩm ăn ngay, thức ăn chế biến sẵn, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, nước đá, cơ sở thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể… 

T.Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO