Báo Điện tử Gia đình Mới

Khoa học chứng minh: Hạnh phúc có sức mạnh đẩy lùi bệnh tật

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện, gen và môi trường sống cũng tác động đến cảm giác hạnh phúc, cũng như mối liên hệ trực tiếp giữa sức khỏe tinh thần và thể chất.

2016-01-04-1451880335-5503640-thedailyhabitsofsupremelyhappypeople

Hạnh phúc là thứ ai cũng muốn có nhưng khó ai định nghĩa được

Hạnh phúc với mỗi người có thể là trạng thái vui vẻ, tinh thần lạc quan hoặc cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, và nó là thứ ai cũng muốn có.

Chúng ta cũng biết rằng mình không phải lúc nào cũng kiểm soát được hạnh phúc. Nghiên cứu cho thấy gen và các yếu tố môi trường cũng có thể khiến chúng ta buồn phiền và mất dần khát khao được sống.

Hạnh phúc có khiến bạn khỏe mạnh hơn?

Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và thể chất.

Một bản tổng kết của hơn 200 nghiên cứu năm 2012 đã cho thấy mối liên hệ giữa các yếu tố tâm lý tích cực, ví dụ như niềm hạnh phúc, sự lạc quan, mức độ hài lòng với cuộc sống và việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Theo Laura Kubzansky, giáo sư về khoa học xã hội và hành vi ở Đại học Y tế Công cộng Harvard, những người suy nghĩ tích cực sẽ thường có những hành vi lành mạnh, bởi vì họ biết rằng những hành vi này sẽ giúp họ đạt được mục tiêu của mình.

Trong nghiên cứu này, những người quan tâm đến sức khỏe có huyết áp thấp hơn, cân nặng ở mức bình thường và chỉ số mỡ máu lành mạnh hơn.

Nhưng một số nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng, các trạng thái tâm lý tích cực có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, có thể là bằng việc làm giảm các quá trình gây hại lên cơ thể. Ví dụ, một nghiên cứu khác của Kubzansky phát hiện mối liên hệ giữa sự lạc quan và việc giảm các chứng viêm.

Nếu với bạn, hạnh phúc cụ thể là “tận hưởng cuộc sống” thì hiện nay đã có bằng chứng cho thấy, tận hưởng cuộc sống cũng làm bạn khỏe hơn. Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y học Canada phát hiện, trong vòng 8 năm theo dõi, tỉ lệ phát sinh dị tật giảm ở những người trên 60 tuổi biết tận hưởng cuộc sống.

shutterstock_120079906

 Nguồn: Shutterstock

Hạnh phúc bắt nguồn từ đâu: Gen và môi trường

Theo Nancy Segal, nhà tâm lý học tại Đại học Bang California, Fullerton, có bằng chứng quan trọng cho thấy gen đóng vai trò không hề nhỏ trong việc mang lại hạnh phúc.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các cặp sinh đôi cùng trứng cùng giới tính thường có tỷ lệ hạnh phúc như nhau, còn các cặp sinh đôi cùng trứng khác giới tính thì không. Bà Segal cho hay, đối với các cặp sinh đôi cùng trứng cùng giới tính, nếu một trong hai người đang hạnh phúc thì có thể đoán được người kia có hạnh phúc trong hiện tại hoặc tương lai hay không.

 “Trong trường hợp một gia đình có cả bố mẹ và con cái đều thấy hạnh phúc, mọi người thường cho rằng đó là vì những đứa trẻ đang bắt chước bố mẹ mình. Nhưng thực ra không hẳn vậy. Cha mẹ truyền cho con cả gen và cả môi trường để hạnh phúc,” bà Segal nói.

Thậm chí nếu gen có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc, điều này không có nghĩa là ai cũng bất hạnh bẩm sinh. Nếu nền tảng của bạn thấp, có thể bạn phải nỗ lực nhiều hơn, ví dụ, bằng các phương pháp trị liệu được chứng minh có tác dụng nâng cao sức khỏe tinh thần.

Theo bà Kubzansky, môi trường cũng khá quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Những giới hạn về môi trường có thể cản trở mọi người tìm kiếm hạnh phúc.

Tiền bạc có mua được hạnh phúc?

Bạn có thể nghĩ: “Có lẽ mình sẽ hạnh phúc hơn nếu có thêm nhiều tiền.” Có một câu nói mà ai cũng biết là “Tiền không mua được hạnh phúc”, nhưng điều đó liệu có đúng? Một nghiên cứu năm 2010 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ phát hiện, những người có thu nhập cao hơn cảm thấy hạnh phúc hơn. Mức thu nhập cao nhất để họ thấy hạnh phúc là 75 000 đô la/năm. Tuy nhiên, thu nhập cao hơn không làm người ta hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Các nhà nghiên cứu Daniel Kahneman và Angus Deaton của Đại học Princeton phát hiện, thu nhập càng cao (thậm chí hơn 75 000 đô la/năm – mức tối đa để cảm thấy hạnh phúc) thì mức độ hài lòng với cuộc sống của các đối tượng nghiên cứu càng tăng. Kết quả này cho thấy một sự khác biệt lớn giữa quan niệm của mọi người về khái niệm hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống: Người ta có thể cảm thấy hạnh phúc, nhưng chưa chắc đã thấy bằng lòng với bản thân.

Theo Kahneman và Deaton, nhiều tiền hơn chưa hẳn đã mang lại nhiều hạnh phúc hơn, nhưng ít tiền hơn lại khiến người ta buồn khổ. Thu nhập 75 000 đô la có thể là mức tối thiểu để có cuộc sống tốt đẹp. Nếu kiếm được nhiều hơn mức đó, người ta cũng không thể dùng tiền để làm tốt hơn những điều khiến cho họ hạnh phúc, như là dành thời gian với những người họ yêu thương, phòng tránh bệnh tật và thư giãn.

Money-equals-Happniess

 Nhiều tiền chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng ít tiền thì chắc chắn sẽ bất hạnh

Kí ức mạnh hơn vật chất

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng, trải nghiệm khiến chúng ta hạnh phúc hơn vật chất. Đó là bởi vì, một khi bạn đã mua gì đó, ví dụ như một chiếc xe mới, bạn sẽ quen với việc nhìn nó hàng ngày và niềm vui ban đầu sẽ phai nhạt dần. Nhưng bạn luôn có thể tìm thấy hạnh phúc từ kí ức về những trải nghiệm.

Theo Thomas Gilovich, giáo sư tâm lí của Đại học Cornell, các trải nghiệm tạo nên những ký ức mạnh mẽ và quan trọng mà ông sẽ không đánh đổi với bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, nếu bạn đang chọn quà sinh nhật cho người yêu, một món quà vật chất cũng có thể mang nhiều ý nghĩa, trở thành một vật lưu niệm có giá trị tình cảm tăng dần theo thời gian.

Tuổi tác khiến bạn hạnh phúc hơn

Nghiên cứu cũng phát hiện ra cảm giác hạnh phúc gia tăng theo độ tuổi. Có thể bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn khi trải đời lâu hơn. 

Susan Turk Charles, một nhà tâm lí học tại Đại học California, Irvine, cho biết, những người lớn tuổi có thể điều hòa cảm xúc tốt hơn những người trẻ tuổi, ít khi gặp stress và ít có những cảm xúc tiêu cực hơn. Các nhà khoa học cần nghiên cứu kỹ hơn về việc liệu có phải vì biết loại bỏ những cảm xúc tiêu cực mà con người thấy hạnh phúc hơn hay không.

22-48-59-happy-old-couple-1

Càng trải đời, người ta càng thấy hạnh phúc 

Hạnh phúc: Sống cho thực tại

Nếu bạn đang tìm cách để hạnh phúc hơn, hãy thử các phương pháp chánh niệm, nghĩa là sống cho thực tại và xem xét mọi việc mà không phán xét.

Chánh niệm xuất phát từ Phật giáo và là nguyên tắc trong thiền. Chánh niệm có thể chữa nhiều chứng bệnh, ví dụ như rối loạn ăn uống, trầm cảm và rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Tập trung vào thực tại là cách để tìm được hạnh phúc, bởi đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tâm bất an khiến người ta bất hạnh.

Theo bà Kubzansky, những việc như viết nhật ký biết ơn và giúp đỡ mọi người cũng khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.

Nhiều ứng dụng điện thoại có chức năng giúp bạn điều hòa và tăng cường cảm xúc. Nhưng đừng nghĩ rằng bạn phải đối mặt với những vấn đề tâm lý một mình, một nhà trị liệu chuyên nghiệp có thể giúp bạn giải tỏa cảm xúc.

Hãy ghi nhớ: Sống lạc quan sẽ khiến bạn khỏe mạnh hơn sống bi quan.

Quỳnh Anh/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO