Báo Điện tử Gia đình Mới

Hiểu đúng về phương pháp đẻ không đau - tê ngoài màng cứng

Ngày càng nhiều sản phụ được áp dụng phương pháp đẻ không đau thông qua thủ thuật gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong khi sinh. Tuy nhiên, lại còn rất nhiều băn khoăn phương pháp này có gây hại cho mẹ và bé hay không?

Khi vào chuyển dạ, tử cung sẽ co thắt để mở cổ tử cung, đẩy thai xuống thấp và tạo ra cơn đau. Ngưỡng đau của mỗi người khác nhau do vậy cảm nhận cơn đau chuyển dạ cũng khác nhau ở tùy người.

Tuy nhiên, đại đa số thai phụ cho rằng cơn đau này từ rất đau đến đau không thể chịu đựng được. Cơn đau chuyển dạ không có bất cứ tác dụng có lợi nào, mà chỉ là tác dụng không mong muốn của các cơn co tử cung, thậm chí nhiều sản phụ vì đau quá nên la hét, lăn lộn dẫn đến mệt và mất sức.

Có nhiều phương pháp để làm giảm cơn đau khi chuyển dạ. Trong đó, phương pháp tê ngoài màng cứng được sử dụng phổ biến nhất vì tính an toàn và hiệu quả của nó. Hầu hết các bệnh viện sản khoa đều sử dụng phương pháp này cho thai phụ.

Người ta thường dùng các từ “sinh không đau” “đẻ không đau” để nói về phương pháp tê ngoài màng cứng, giúp giảm đau trong chuyển dạ.

Bài viết dưới đây của bác sĩ Phạm Thanh Hoàng, giảng viên Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ sẽ cung cấp cho bà bầu những thông tin đầy đủ nhất về phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ.

Tê ngoài màng cứng là phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ. Ảnh minh họa

Tê ngoài màng cứng là phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ. Ảnh minh họa

Phương pháp tê ngoài màng cứng là gì?

Tê ngoài màng cứng là một phương pháp gây tê vùng, làm giảm cảm nhận đau xuất phát từ một vùng của cơ thể. Tê ngoài màng cứng phong bế những dây thần kinh xuất phát từ vùng thấp của cột sống, làm mất cảm giác đau nửa dưới của cơ thể.

Trong chuyển dạ, khi thai phụ được tê ngoài màng cứng, sẽ mất một phần cảm giác đau của các cơn co tử cung. Lúc đó thai phụ vẫn tỉnh táo, vẫn cử động được nhưng không thể bước đi an toàn, vẫn có thể rặn sinh.

Khi thực hiện tê ngoài màng cứng, thai phụ sẽ nằm nghiêng, hoặc ngồi với vùng thắt lưng càng cong càng tốt. Bác sĩ gây mê sẽ bôi thuốc sát trùng lên vùng thắt lưng, sau đó sẽ đưa một kim xuyên qua da đến vùng ngoài màng cứng, có thể hơi đau, nhưng thai phụ cố gắng không nên thay đổi vị trí trong khi thực hiện thủ thuật.

Bác sĩ sẽ luồn một catheter (ống mềm nhỏ) qua kim vừa chích để đưa thuốc liên tục vào vùng ngoài màng cứng. Catheter được cố định bằng cách dán vào lưng của thai phụ và lúc này thai phụ có thể nằm ngửa mà không ảnh hưởng gì đến vị trí catheter.

Trước khi thực hiện thủ thuật, thai phụ sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch, trong và sau khi thực hiện thủ thuật sẽ được theo dõi huyết áp, thai nhi sẽ được theo dõi tim thai qua monitor (máy theo dõi liên tục tim thai).

Catheter sẽ được tháo khi sản phụ sinh xong. Nếu sản phụ phải mổ lấy thai, bác sĩ gây mê có thể bơm thêm thuốc vào catheter để thực hiện giảm đau trong khi mổ lấy thai và sau khi mổ.

Trước đây, người ta chỉ thực hiện tê ngoài màng cứng khi chuyển dạ ở giai đoạn hoạt động (khi cổ tử cung mở được 4cm). Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy làm tê ngoài màng cứng sớm hơn không làm thay đổi tỉ lệ chuyển dạ kéo dài, mổ lấy thai hay giúp sinh khi so sánh với làm tê ngoài màng cứng muộn. Do vậy, thai phụ có thể làm sớm hơn mà không ảnh hưởng đến kết cục cuộc sinh. Chỉ định làm ở giai đoạn nào còn tùy thuộc vào mỗi bệnh viện.

Phương pháp tê ngoài màng cứng có khuynh hướng làm kéo dài giai đoạn rặn sinh. Ảnh minh họa

Phương pháp tê ngoài màng cứng có khuynh hướng làm kéo dài giai đoạn rặn sinh. Ảnh minh họa

Tê ngoài màng cứng lợi và hại thế nào?

Lợi ích của phương pháp tê ngoài màng cứng là để giảm đau trong chuyển dạ. Liều thuốc, thời gian giảm đau có thể điều chỉnh được để phù hợp với quá trình chuyển dạ khác nhau giữa nhiều người.

Khi đó, thai phụ không còn cảm giác đau nên có thể nghỉ ngơi, thậm chí ngủ, trong khi tử cung gò và cổ tử cung mở. Điều đó sẽ giúp thai phụ có nhiều năng lượng hơn để rặn sinh.

Không như phương pháp gây mê, chỉ một lượng thuốc nhỏ có thể đến em bé. Nếu thai phụ phải mổ lấy thai, bác sĩ gây mê có thể bơm thêm thuốc vào catheter để thực hiện giảm đau trong khi mổ lấy thai và sau khi mổ.

Bên cạnh những lợi ích kể trên thì phương pháp tê ngoài màng cứng cũng tồn tại những điểm bất lợi. Đó là thai phụ phải giữ yên tư thế trong vòng 5 - 15 phút khi thực hiện thủ thuật và phải chờ 5 - 20 phút để thuốc có tác dụng.

Thuốc sẽ làm mất một phần cảm nhận ở chân, do vậy thai phụ có thể không đứng hay đi được dù vẫn có thể cử động chân.

Tê ngoài màng cứng có khuynh hướng làm kéo dài giai đoạn rặn sinh (giai đoạn sổ thai). Để giảm hiện tượng này, bác sĩ sẽ giảm liều thuốc giảm đau để bà bầu có nhiều cảm giác hơn và rặn tốt hơn, tất nhiên cảm nhận cơn đau sẽ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, tê ngoài màng cứng làm tăng nhẹ tỉ lệ giúp sinh bằng dụng cụ. Một số trường hợp, sau khi tê ngoài màng cứng, mức độ giảm đau đạt được rất ít, hoặc chỉ giảm đau một bên.

Sau tê ngoài màng cứng có khoảng 1/100 phụ nữ bị đau đầu. Ảnh minh họa

Sau tê ngoài màng cứng có khoảng 1/100 phụ nữ bị đau đầu. Ảnh minh họa

Ngoài ra, thuốc dùng trong tê ngoài màng cứng có thể làm giảm huyết áp của thai phụ tạm thời, làm giảm nhịp tim thai. Hiện tượng này thường tự phục hồi hay bằng cách truyền dịch nhanh mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên mẹ và bé.

Một số tác dụng phụ khác ít gặp như: ngứa, nôn ói, sốt, khó đi tiểu. Nhiễm trùng hay tổn thương thần kinh nơi tiêm rất hiếm gặp. Sau tê ngoài màng cứng có khoảng 1/100 phụ nữ bị đau đầu, do rò rỉ dịch não tủy.

Nhiều mẹ bầu cũng lo lắng phương pháp tê ngoài màng cứng ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy tê ngoài màng cứng để giảm đau trong chuyển dạ không gây ảnh hưởng tiêu cực lên thai nhi.

Đối với các trường hợp chuyển dạ kéo dài, em bé của bà mẹ có tê ngoài màng cứng có kết cục tốt hơn những em bé của các bà mẹ không làm tê ngoài màng cứng.

Phương pháp tê ngoài màng cứng có thể thực hiện ở hầu hết các thai phụ, trừ một số trường hợp như: Thai phụ không thể làm tê ngoài màng cứng khi đang bị tụt huyết áp, bị rối loạn đông cầm máu, nhiễm trùng máu hay nhiễm trùng da vùng đâm kim hay bị dị ứng với các thuốc gây tê, hoặc đang nghi ngờ bị bệnh lý cột sống vùng thắt lưng.

Bác sĩ Phạm Thanh Hoàng/Bệnh viện Từ Dũ/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO