Báo Điện tử Gia đình Mới

Ho gà sắp vào mùa, làm sao để phân biệt giữa ho gà với ho thường?

Ho gà là bệnh khá phổ biến và diễn ra quanh năm, tuy nhiên khoảng thời gian giao mùa là thời điểm bệnh bùng phát thành dịch.

Nhiều bậc cha mẹ không phân biệt được ho gà và ho thường nên đưa trẻ đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh đã nặng.

Nhiều bậc cha mẹ không phân biệt được ho gà và ho thường nên đưa trẻ đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh đã nặng.

Tại Hà Nội, trong tuần từ ngày 11/12/2017 đến 17/12/2017 đã ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc ho gà, nâng lũy tích năm 2017 là 123 trường hợp với 1 trường hợp tử vong.

Còn tại Quảng Ninh, ngày 27/12/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận bé trai Triệu Thị L. (45 ngày tuổi), dân tộc Dao, thường trú tại xã Đồng Lâm huyện Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh.

Trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nhiều ngày, ho cơn dài kèm theo khó thở, tím mặt được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả xét nghiệm và chụp Xquang sau đó cho thấy bạch cầu của bệnh nhi tăng cao bất thường, phản ứng dương tính với trực khuẩn ho gà… Kết quả chụp Xquang phổi cho thấy dải mờ thùy trên phổi trái, đậm rốn phải.

Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp, viêm phổi và ho gà, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao...

Một điều đáng lưu tâm là hầu hết các trẻ đều được đưa vào viện trong tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng, và phụ huynh rất ít người biết trẻ mắc ho gà.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: ‘Ho gà là bệnh diễn ra quanh năm và cách thức lây truyền rất dễ dàng chỉ qua đường hô hấp vì vậy rất nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi sức đề kháng của các bé còn yếu, chưa được tiêm phòng vắc xin’.

Theo bác sĩ, để phân biệt được ho thường và ho gà theo thông thường sẽ dựa vào cơn ho của trẻ: ‘Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, khi xuất hiện ho gà, trẻ sẽ ho một tràng dài, sau đó hít một hơi tiếp tục lại ho một tràng như vậy.

Thậm chí, sau cơn ho thì nôn ọe, có nước dãi chảy ra, đôi khi còn có xuất huyết ở củng mạc mắt. Đó là biểu hiện bệnh đối với những trẻ có đủ sức khỏe.

Tuy nhiên ở những trẻ sơ sinh, khi sức khỏe còn yếu, cơn ho không giống người lớn như có thể biểu hiện cơn ho bằng những cơn ngừng thở, cả người trẻ sẽ tím tái do thiếu oxy nặng. Các đợt ho ở trẻ sẽ liên tiếp, thậm chí kéo dài vài phút đến nửa tiếng.

Các biến chứng nguy hiểm có thể là viêm não và viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể bị xuất huyết võng mạc và suy hô hấp hay một số biến chứng như rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác, lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng.

Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi’, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Cách tốt nhất để dự phòng ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (loại vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem).

Tuy nhiên, hiện nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng.

Cũng chính vì vậy, khi bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.

Ngoài ra, để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.

Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.

Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên, sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường thanh quản, khí quản, ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố có tên là Pertussis toxin – đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh.

Vào mùa thời tiết thường xuyên ẩm ướt, không khí không nóng cũng không lạnh là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ: Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ.Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn ho gà là từ 7-10 ngày, sau đó trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, chảy nước mũi.Khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO