Báo Điện tử Gia đình Mới

Ho ra máu, nam sinh viên bất ngờ khi mang trong mình u tế bào mầm rất lớn

Vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E vừa cứu sống thành công một bệnh nhân nam 23 tuổi (hiện là sinh viên đại học) bị khối u tế bào mầm có kích thước lớn trong lồng ngực gây chèn ép tim, đường thở và mạch máu.

u-te-bao

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện ho ra máu. Qua thăm khám, kiểm tra đã phát hiện khối u tế bào mầm rất lớn trong lồng ngực vị trí trung thất trước. Theo chỉ định, bệnh nhân được hóa trị trước để thu nhỏ một phần thể tích khối u.

Sau đó bệnh nhân được cưa mở toàn bộ xương ức, mở rộng lồng ngực. Do khối u rất lớn, mật độ chắc và đã phát triển lan tỏa ra xung quanh vào khoang màng phổi 2 bên, chèn ép đẩy lệch khí quản, tim, phổi và mạch máu, u bọc quanh các dây thần kinh.

May mắn, ca phẫu thuật thành công lấy được toàn bộ khối u (nặng 700gr) và các tổ chức thâm nhiễm xung quanh. Bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở sau 6h hậu phẫu, ra bệnh phòng ngày đầu sau mổ.

Đánh giá về phẫu thuật bóc tách u tế bào mầm, bác sĩ Trung tâm Tim Mạch – Bệnh viện E cho rằng, việc phẫu thuật lấy u trong những trường hợp này thường rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tinh tế khéo léo và nắm bắt thật rõ về cấu trúc giải phẫu.

Đây là vị trí cửa ngõ sống còn của cơ thể: Đường thở, đường ăn, mạch máu chính, tim phổi, dây thần kinh. Trong khi đó, khối u lại bọc quanh các thành phần này. Vì vậy, phẫu thuật viên phải khéo léo bóc tách u, chỉ cần phạm phải một trong các thành phần trên sẽ đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng đến chức năng sống.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, trong cuộc đời đã 30 năm cầm dao mổ, ông phẫu thuật rất nhiều loại u này nhưng đây là trường hợp may mắn cho người bệnh. Khi khối u khá lớn nhưng bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy ra toàn bộ nguyên khối u và lấy bỏ được rộng rãi các tổ chức thâm nhiễm xung quanh mà vẫn bảo tồn được nguyên vẹn các cấu trúc thần kinh mạch máu.

Vì trên thực tế, nhiều trường hợp chỉ lấy được một phần u để giải phóng chèn ép. Có những trường hợp u xâm lấn vào mạch máu có thể phải cắt nối bằng mạch nhân tạo thay thế, chuẩn bị sẵn máy tim phổi nhân tạo trong trường hợp cần thiết.

U tế bào mầm thường xuất phát từ mô tuyến sinh dục. Những trường hợp ngoài tuyến sinh dục thì vị trí phổ biến nhất là ở trung thất trước của lồng ngực.

Khối u phát triển lan tỏa chèn ép, xâm lấn và các cơ quan lân cận: phổi, màng tim, khí quản, mạch máu lớn trong ngực… U tế bào mầm trung thất ác tính gặp nhiều ở nam hơn nữ giới.

Với căn bệnh này, triệu chứng phổ biến thường là đau ngực, khó thở do khối y chèn ép. Ho ra máu là triệu chứng ít gặp hơn.

Trên thực tế, một số bệnh nhân không có triệu chứng, phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe. Điều trị loại u này phải kết hợp nhiều phương pháp: Hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO