Báo Điện tử Gia đình Mới

Hơn 90% trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng được cứu sống

Khe hở thành bụng là dị tật bẩm sinh của thành bụng trước do không đóng kín với tần suất xuất hiện 1/15.000 – 30.000 trẻ sinh sống.

di-tat-khe-ho-thanh-bung2

Hơn 90% trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng được cứu sống và phát triển bình thường

Di tật nguy hiểm nhưng trẻ có thể sống bình thường nếu được điều trị sớm

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, ‘khe hở thành bụng là một dị tật nặng, thành bụng không đóng kín và tất cả các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng... bị lòi ra bên ngoài ổ bụng.

Với dị tật này, ngay sau sinh có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn ổ bụng, hoại tử phần ruột ở ngoài ổ bụng cho trẻ sơ sinh và dẫn đến tử vong.

Một năm chúng tôi gặp khoảng 15 – 20 trường hợp trẻ bị dị tật khe hở thành bụng.

Nếu dị tật này được điều trị sớm ngay sau sinh thì có hơn 90% trẻ bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng được cứu sống.

Và tỷ lệ thành công phụ thuộc vào tuổi thai, cân nặng lúc sinh, có dị tật khác hay bệnh lý đi kèm hay không... Sau khi phẫu thuật thành công bé sẽ sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Mới đây nhất, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống bệnh nhi Bùi Văn An (ở Vĩnh Phúc) bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng.

di-tat-khe-ho-thanh-bung

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh điều trị cho bệnh nhi bị dị tật khe hở thành bụng

Mẹ của bé An, chị Lê Thị Nhung được bác sĩ thông báo con bị khe hở thành bụng khi mang thai An ở tuần 13.

Mặc dù rất lo lắng, sợ hãi trước thông tin bác sĩ cho biết và cũng được bác sĩ cảnh báo những nguy cơ có thể xảy khi giữ lại em bé nhưng vợ chồng chị Nhung vẫn quyết tâm lưu lại em bé.

Suốt thời gian mang thai, chị Nhung phải sống trong sự lo lắng, bất an, chị sợ con mình không phát triển, tự hoại tử như nhiều trường hợp bác sĩ cảnh báo.

Sau nhiều lần lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội khám theo chỉ định của bác sĩ và chú ý những dấu hiệu bất thường của thai nhi thì đến tuần thứ 37 chị Nhung hạ sinh bé An nặng 2,5kg.

‘Khi cháu An được sinh ra bác sĩ nhi chúng tôi cũng có mặt ở đó, bảo vệ ruột bé bằng cách đặt túi silo ngay tại phòng đẻ. Sau đó chúng tôi đưa bé về Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.

Lúc này chúng tôi tiến hành đánh giá tình trạng bệnh của bé lần thứ 2, tức là kiểm tra xem ruột đó có bị phù nề không, có cho vào ổ bụng được không, có bị dính hay không, sau đó mới tiến hành đưa vào ổ bụng.

Chính sự phối hợp giữa Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương từ chẩn đoán, khám quản lý bệnh nhân trước sinh, hồi sức cấp cứu trẻ sơ sinh ngay sau sinh tại phòng đẻ đã làm giảm các biến chứng sau sinh, giúp tăng khả năng thành công của kỹ thuật đặt túi silo cứu sống trẻ sơ sinh’ – BS Linh cho biết.

khe-ho-thanh-bung

Việc đặt túi silo ngay khi trẻ vừa sinh ra giúp bảo vệ quai ruột, tránh mất nước, tránh mất điện giải và hạn chế nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh, tăng khả năng cứu sống trẻ.

Điều trị dị tật khe hở thành bụng thế nào?

Trước đây có nhiều phương pháp mổ để điều trị dị tật khe hở thành bụng.

Tuy nhiên, các phương pháp này gây ra những tổn thương và ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của trẻ.

Hơn nữa, kết quả điều trị bệnh không cao, làm nhiều trẻ tử vong sau quá trình phẫu thuật.

Những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp kỹ thuật đặt túi silo để điều trị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng.

Kỹ thuật đặt túi silo được tiến hành ngay khi trẻ mới sinh ra, giúp bảo vệ quai ruột, tránh mất nước, tránh mất điện giải và hạn chế nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh, tăng khả năng cứu sống trẻ.

Việc đặt túi silo ngay khi trẻ vừa sinh ra đem lại tỷ lệ thành công rất cao.

Khi ruột đã được bảo vệ, các bác sĩ sẽ theo dõi và chờ đợi khoảng 5 – 7 ngày, có khi là 2 tuần, đến khi ruột vào trong ổ bụng được thì đóng ổ bụng lại.

Khi ruột vào hoàn toàn ổ bụng thì người ta khâu cân cơ và khâu da để đóng ổ bụng.

Việc khâu cân cơ đóng vai trò quan trọng khi đóng ổ bụng.

Bởi, trước đây người ta đóng bụng nhưng không khâu được cân cơ làm cho cơ của thành bụng bị thiếu, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

‘Đối với trường hợp của bé An, dị tật hơi đặc biệt, bé bị cùng lúc 2 dị tật là ruột quay dở dang và khe hở thành bụng.

Chính vì thế khi tiến hành điều trị chúng tôi phải xếp ruột lại theo đúng tư thế mà ruột lưu thông được thuận lợi nhất, để trẻ tiêu hóa một cách bình thường.

Chúng tôi để túi silo treo bảo vệ ruột trong vòng 4 - 5 ngày để đưa ruột dần dần vào trong ổ bụng.

Khi thể tích của ổ bụng tăng lên, cộng với ruột cho vào thấy vừa đủ thì tiến hành đóng bụng. Sau đó là quá trình phục hồi ruột và bắt đầu cho ăn.

Hiện tại, sức khỏe của bé An đã bình phục và phát triển bình thường như các em bé khác’ – BS Linh cho biết.

di-tat-khe-ho-thanh-bung3

 Trẻ bị dị tật khe hở thành bụng được điều trị sớm ngay sau sinh giúp tỷ lệ thành công cao, bé sẽ phát triển bình thường như những trẻ khác

Cách đây khoảng 5 năm, bác sĩ Linh cũng đã gặp phải tình trạng trẻ bị dị tật khe hở thành bụng đến viện trong tình trạng ruột bị phù nề do vấn đề sơ cứu ban đầu không được tốt.

‘Trường hợp em bé đó được sinh tại bệnh viện huyện ở Thái Bình. Sau khi sinh, bác sĩ tuyến huyện thông báo với gia đình bé là bệnh viện không điều trị được và phải chuyển lên tuyến tỉnh.

Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Thái Bình cũng bảo trường hợp của bé rất khó điều trị và có thể không sống được.

Thấy vậy, gia đình đưa bé về chăm sóc và chờ lo hậu sự. Nhưng ở nhà được 3 ngày thấy bé vẫn thoi thóp kéo dài sự sống nên gia đình quyết định đưa bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Khi ra đến bệnh viện bé được 5 ngày tuổi, tức là phần ruột của bé ở ngoài 5 ngày mà không được sơ cứu đúng cách và đã xuất hiện phù nề.

Nhưng thật may mắn, ekip mổ của chúng tôi lần đó đã cứu sống được cháu bé. Sau phẫu thuật, chúng tôi theo dõi sức khỏe bé trong 3 năm liên tiếp và thấy cháu phát triển khỏe mạnh, bình thường.

Đó là ca dị tật khe hở thành bụng được điều trị muộn nhất mà tôi gặp và may mắn là bé đã được điều trị thành công.

Qua đây tôi cũng muốn khuyến cáo các bậc làm cha, làm mẹ, khi trẻ chẳng may mắc dị tật này hãy đưa bé đi điều trị ngay sau sinh, điều trị sớm tỷ lệ thành công rất cao và giúp trẻ phát triển bình thường như các em bé khác.

Nếu trẻ được sinh ra ở tuyến dưới, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, không thể tiến hành điều trị bệnh thì cần tiến hành bảo vệ ruột cho bé ngay sau sinh để tránh nhiễm trùng gây phù nề.

Đồng thời, chuyển ngay bé đến các cơ sở y tế có điều kiện điều trị bệnh.

Trong quá trình di chuyển bé cần chú ý giữ ấm cơ thể cho bé’ -  BS Nguyễn Văn Linh chia sẻ.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra dị tật khe hở thành bụng ở trẻ.

Một số giả thuyết cho rằng dị tật này liên quan đến túi ối khi mà ruột ra ổ bụng bị hoại tử hoặc bị rách, làm ruột vỡ ra ngoài và không tự chui vào trong được.

Còn một số trường hợp lại cho là liên quan đến bệnh lý đột biến gene, kèm theo các dị tật khác như chân khoèo, dị tật về thận, dị tật về tim…

Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiêng về nguyên nhân cơ học là nhiều hơn. Và vì không xác định được rõ ràng nguyên nhân gây bệnh nên bệnh này vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa.

Nhưng dị tật khe hở thành bụng hiện nay có thể điều trị thành công trên 90%.

Do đó, khi đi siêu âm khám thai, nếu chẳng may thai nhi bị dị tật thì mẹ bầu vẫn có thể giữ em bé lại, nhờ các bác sĩ theo dõi và tiến hành phẫu thuật cho bé ngay khi vừa chào đời.

Linh Ly/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO