Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm thế nào để giảm lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con?

Trong thời kỳ mang thai, nhiều bà bầu băn khoăn, nếu mẹ bị viêm gan B có ảnh hưởng gì đến con không và làm thế nào để giảm lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con?

Theo bác sĩ Lê Thế Vũ, khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, virus viêm gan B thường lây truyền qua 3 đường gồm: quan hệ tình dục không an toàn; tiếp xúc với máu, dịch tiết; và từ mẹ sang con.

Nếu bà mẹ đang mang thai có virus viêm gan B trong máu, có thể lây cho bé chủ yếu trong quá trình sinh. Virus viêm gan B không lây truyền qua tiếp xúc qua da thông thường và không lây truyền qua việc cho bé bú.

Virus viêm gan B không lây truyền qua việc cho bé bú. Ảnh minh họa

Virus viêm gan B không lây truyền qua việc cho bé bú. Ảnh minh họa

Nếu bé bị nhiễm viêm gan siêu vi B từ mẹ khi sinh, cơ thể bé sẽ không thể đào thải được virus do vậy bé sẽ mang virus suốt đời. Khi đó, 90% bé sẽ bị viêm gan siêu vi B mạn, có thể trở thành xơ gan thậm chí ung thư gan khi bé trưởng thành. Khoảng 5 - 7% trẻ sau sinh có biểu hiện viêm gan cấp có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bé.

Do đó, để an toàn cho sức khỏe cả mẹ và bé, trước khi mang thai, chị em nên đi khám để tầm soát các bệnh lý đã mắc trong đó có viêm gan siêu vi B. Nếu chưa nhiễm và chưa có miễn dịch với virus viêm gan B, chị em nên được tiêm phòng.

Vắc-xin ngừa viêm gan B có thể tiêm an toàn ngay cả khi đang mang thai. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ sẽ khuyên bà bầu tạm ngừng tiêm vắc-xin chờ đến khi sinh xong.

Nhưng với trường hợp bà bầu đang trong tình trạng rất dễ bị lây nhiễm như: quan hệ với bạn tình bị nhiễm viêm gan B, có nhiều bạn tình, đạng điều trị bệnh lây qua đường tình dục... thì cần tiêm vắc-xin dù là đang mang thai.

Với trường hợp mẹ bị viêm gan B, bé sinh ra cần được tiêm 2 mũi ngừa viêm gan B. Ảnh minh họa

Với trường hợp mẹ bị viêm gan B, bé sinh ra cần được tiêm 2 mũi ngừa viêm gan B. Ảnh minh họa

Trong khi mang thai, bác sĩ sẽ cho bà bầu làm xét nghiệm để xem có bị nhiễm virus viêm gan B chưa. Nếu đã nhiễm, sẽ làm thêm các xét nghiệm để đánh giá độ hoạt động của virus và chức năng gan của thai phụ.

Nồng độ virus viêm gan B trong máu càng nhiều thì khả năng lây cho bé khi sinh càng tăng. Nếu nồng độ virus trong máu quá cao, bà bầu sẽ phải dùng thuốc điều trị kháng virus theo chỉ định của bác sĩ nhằm làm giảm nồng độ virus trong máu khi sinh để giảm khả năng lây truyền cho bé.

Với trường hợp mẹ bị viêm gan B, bé sinh ra cần được tiêm 2 mũi ngừa viêm gan B. Sau đó bé sẽ được tiêm phòng viêm gan siêu vi B theo lịch tiêm chủng quốc gia.

Khi được tiêm ngừa đẩy đủ, 90 - 95% trẻ sẽ không bị nhiễm virus viêm gan B. Khi bé được 12 tháng tuổi, cần kiểm tra lại tình trạng nhiễm, miễn dịch với viêm gan B cho bé.

Sau khi sinh, bé được tiêm phòng đầy đủ, mẹ vẫn có thể cho bé bú sữa mẹ bình thường.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO