Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm thế nào để phân biệt bị mắc COVID-19 với cảm lạnh, cảm cúm?

Người bị mắc COVID-19 thường có triệu chứng giống cảm lạnh, cảm cúm. Vậy làm thế nào để phân biệt mắc COVID-19 và cảm lạnh, cảm cúm?

Khi nào nên nghi ngờ mắc COVID-19?

TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, rất khó phân biệt các triệu chứng giữa cảm lạnh, cảm cúm và COVID-19 ở những người mắc bệnh trong thời gian đầu. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng hơn thì mới có thể phân biệt được.

Theo bác sĩ Vinh, nhiễm COVID-19 thường sốt kéo dài hơn, người mệt lả hơn và đặc biệt là khó thở nhiều hơn so với cảm lạnh hoặc cảm cúm.

Do có sự giống nhau giữa các triệu chứng của 3 bệnh nên nếu chỉ dựa vào các triệu chứng thì không thể xác định được người bệnh mắc bệnh nào.

Vì vậy chỉ nên nghi ngờ nhiễm COVID-19 khi người bệnh có tiếp xúc với nguồn lây.

  Các triệu chứng ban đầu của COVID-19 giống với triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm. Ảnh minh họa

Các triệu chứng ban đầu của COVID-19 giống với triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm. Ảnh minh họa

Nếu chỉ có các triệu chứng như ho, đau họng, có thể có sốt mà không từng tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì nhiều khả năng người bệnh chỉ bị cảm lạnh hay cúm.

Nếu các triệu chứng hết trong vòng 1- 2 ngày thì thường là cảm lạnh. Cúm có thể kéo dài 1- 2 tuần và thường ít có triệu chứng khó thở.

Nếu không tiếp xúc với người nguồn lây, người bệnh có thể chủ động nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt khi cần và tự chăm sóc ở nhà. Nếu sốt cao và kéo dài kèm theo khó thở thì nên đi khám để xác định chẩn đoán.

Sốt trên 37 độ C thì có được xem là triệu chứng của COVID-19 hay không?

Người nhiễm COVID-19 có thể không có triệu chứng nên người tiếp xúc với nguồn lây dù chưa có triệu chứng gì (kể cả không sốt) cũng vẫn là đối tượng nghi ngờ bị nhiễm (do đó các đối tượng F1 - người tiếp xúc gần trực tiếp với người được chẩn đoán mắc COVID-19 (F0) đều phải được cách ly).

Ngoài ra, người có đồng thời các triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở cũng chưa chắc chắn bị nhiễm COVID-19 vì cảm lạnh hay cảm cúm cũng có triệu chứng tương tự.

Do đó, chỉ có thể xác định người có nhiệt độ cơ thể trên 37 độ C có nhiễm COVID-19 thông qua việc người đó có tiếp xúc với nguồn lây hay không. Nếu có tiếp xúc với nguồn lây thì được xem là trường hợp nghi nhiễm và ngược lại.

  Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm. Ảnh minh họa

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm. Ảnh minh họa

Người bị cảm lạnh, cảm cúm nên làm gì?

Người bị cảm lạnh, cảm cúm có thể tự chăm sóc y tế tại nhà bằng một số thuốc thông thường như paracetamol (giảm đau và hạ sốt), vitamin C, thuốc ho, thuốc trị sổ mũi. Chỉ khi triệu chứng không đỡ sau 2 tuần, nặng hơn hoặc kèm theo khó thở thì nên đi khám để xác định thêm bệnh.

Tuy nhiên, nếu người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm COVID-19 thì nên đi khám ngay khi có một trong các triệu chứng hô hấp kể trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Người bệnh cũng nên chủ động tuân thủ việc khai báo y tế. Việc này giúp các cơ quan chức năng nắm được tình hình chung của địa phương để có những phán đoán và xử lý hợp lý trong mùa dịch.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO