Báo Điện tử Gia đình Mới

Lau dọn, bật quạt, mở cửa... là cách làm sai lầm khi nhà bị nồm, ẩm 'đổ mồ hôi'

Trời nồm, ẩm là kiểu thời tiết đặc trưng của miền Bắc vào những ngày Đông Xuân. Gia Đình Mới xin giới thiệu với bạn 9 cách hữu hiệu để đối phó với tình trạng thời tiết khó chịu này.

Thời tiết với độ ẩm lên tới 90% khiến mọi đồ vật trong nhà đều ẩm ướt, nhớp nháp

Thời tiết với độ ẩm lên tới 90% khiến mọi đồ vật trong nhà đều ẩm ướt, nhớp nháp

Nhiều người xử lý tình trạng sàn nhà, đồ vật ‘đổ mồ hôi’ khi trời nồm ẩm bằng cách lau dọn, bật quạt, mở cửa… nhưng thực ra đó lại là cách làm hoàn toàn sai lầm. Vậy nên làm gì để giữ nhà sạch và khô ráo khi trời nồm, ẩm.

1. Xác định nguyên nhân vì sao nhà cửa ẩm ướt

Thời tiết Đông Xuân thường có độ ẩm cao, độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức trên 50%. Cộng thêm với tình trạng mưa phùn như những ngày vừa qua, độ ẩm sẽ càng tăng cao, ở mức trên 60%.

Tình trạng thời tiết như vậy thường kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch, gây rất nhiều phiền toái khi chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa.

Mọi người khi thấy nền nhà ‘đổ mồ hôi’, tường nhà ẩm ướt hoặc các vật dụng bị ẩm mốc thường cố gắng lau dọn mà không hiểu nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này.

Vào ngày thời tiết nồm ẩm, do độ ẩm cao (có ngày độ ẩm lên tới trên 90%) nên hơi nước trong không khí ngưng tụ và bám vào các bề mặt nhà cửa, đồ đạc.

Chính vì lý do này nên việc mở cửa hay bật quạt không những không làm ‘thoáng nhà’ mà còn làm hơi ẩm bị hút vào nhà nhiều hơn và tình trạng ẩm ướt càng thêm trầm trọng.

2. Xử lý độ ẩm ở nền nhà đầu tiên

Không ai là không khó chịu với tình trạng nền nhà ‘đổ mồ hôi’ nhớp nháp vào ngày nồm ẩm. Tình trạng này thường xảy ra ở tầng 1, tầng 2 các nhà, chứ các nhà chung cư thường không bị.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chênh lệch nhiệt độ của lớp đất nền với mặt trên của nền nhà, cộng thêm với độ ẩm cao trong không khí.

Nền nhà ‘đổ nồm’ giống như bề ngoài của một cốc kem: khi để kem trong cốc một lúc ta sẽ thấy nước ngưng tụ ở bên ngoài cốc. Đây là nước do hơi nước gặp lạnh ngưng tụ lại chứ không phải nước từ trong cốc thấm ra.

Để xử lý tình trạng này, cách tốt nhất là bật điều hòa chế độ khô (dry). Điều hòa vừa làm không khí lưu thông vừa giúp loại bỏ bớt hơi ẩm.

Nếu nhà bị bẩn, cần lau bằng giẻ khô và sạch. Tuyệt đối không dùng giẻ ướt để lau sẽ làm sàn nhà thêm nhớp nháp.

3. Giảm độ ẩm trong không khí

Nếu muốn giữ cho không khí trong nhà khô, trước tiên bạn không nên mở cửa. Các cửa ra vào, cửa sổ đều nên đóng kín để hạn chế hơi nước lọt vào nhà.

Sau khi đã đóng cửa, có thể bật điều hòa hoặc máy hút ẩm để làm không khí khô, sạch.

4. Tuyệt đối không để quần áo ẩm ướt lưu cữu

Một trong những mối ‘đau đầu’ của bà nội trợ trong ngày nồm ẩm là quần áo giặt rất lâu khô.

Nhiều người còn than thở ‘Quần áo càng phơi càng… ướt’.

Nguyên nhân của tình trạng là do thời tiết nồm ẩm thì tất cả các đồ vật, ngay cả cơ thể người, cũng bị hạn chế khả năng bốc hơi nước (Đây cũng là lý do mà những ngày ẩm bạn thường thấy da bị bí vì mồ hôi không bốc hơi được).

Để giải quyết quần áo ẩm, máy sấy quần áo là một dụng cụ rất hữu ích.

Nếu không có điều kiện mua máy sấy quần áo, bạn có thể sử dụng dịch vụ ở các tiệm Giặt là. Đây là giải pháp ‘ngắn hạn’ để quần áo ướt không làm căn nhà thêm bừa bộn và… bốc mùi.

phoi-quan-ao-ngay-mua

5. Giữ bồn tắm, chậu rửa bát, nhà bếp khô ráo

Nhà bếp và nhà vệ sinh là nơi đọng ẩm nhiều trong gia đình, đặc biệt là trong những ngày nồm ẩm.

Để giữ cho các địa điểm này khô ráo, điều quan trọng là: không để nước đọng.

Nếu bạn đang có một vòi nước nào bị hỏng (rò nước), bồn tắm bị tắc… thì hãy khắc phục ngay. Vì những địa điểm này có thể làm nước đọng và phát sinh côn trùng. Ruồi, muỗi, dán… rất thích nơi ẩm ướt.

Tránh không để bát đĩa bẩn qua đêm trong bồn rửa. Khi thời tiết ẩm thì đây sẽ là nơi thuận lợi để côn trùng, vi khuẩn phát sinh.

6. Giữ bát đĩa khô

Giữ bát đĩa khô trong trời nồm ẩm không phải là việc làm quá khó.

Nếu không có máy sấy bát đĩa, bạn có thể sử dụng các loại khăn lau đa năng (thành phần gồm xenlulo và cotton), có khả năng thấm hút gấp 20 lần trọng lượng của khăn.

Một số mẹo nhỏ như: rửa bát và tráng lại bằng nước sôi, để bát đĩa ẩm ướt vào lò vi sóng để ‘sấy’ trước khi ăn… có thể giúp khắc phục tình trạng này.

7. Dùng hộp hút ẩm

Hộp hút ẩm thường được bán ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị đồ tiêu dùng của Thái, Nhật Bản.

Hộp hút ẩm thường chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn (2 – 4 tuần) và trong các diện tích hẹp như tủ quần áo, tủ đựng đồ…

do am_last

8. Dùng đèn xông tinh dầu

Để tránh mùi hôi do trời nồm, bạn có thể sử dụng đèn xông tinh dầu.

Các loại tinh dầu như tinh dầu chanh, tinh dầu sả… vừa đem lại mùi thơm nhẹ nhàng cho căn nhà vừa có tác dụng xua đuổi muỗi trong những ngày nồm ẩm.

9. Dùng các vật liệu hút ẩm tự nhiên

Có rất nhiều vật liệu có khả năng hút ẩm như vôi sống, than hoa… Bạn có thể đặt một thùng giấy mở nắp đựng các vật liệu này dưới gầm ghế, gầm giường vào những ngày ẩm.

Các vật liệu này sẽ hút ẩm, giúp không khí khô hơn trong các phòng có diện tích hẹp.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO