Báo Điện tử Gia đình Mới

Lupus ban đỏ là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị lupus ban đỏ

Diễn viên Phương Trang qua đời ở tuổi 24 vừa bị qua đời vì bệnh lupus ban đỏ. Vậy Lupus ban đỏ là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị lupus đỏ.

1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn. Bệnh có biểu hiện và gây biến chứng trên khắp các hệ cơ quan trong cơ thể. Nếu không được điều trị và can thiệp tích cực, lupus có thể đe dọa tính mạng.   

Lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn.

Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Bệnh còn được gọi là bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Từ “lupus” là một từ latin có nghĩa là chó sói, chỉ các vết ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói’ từ “hệ thống” để chỉ việc bệnh gây ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể.


Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ

Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận là lupus ban đỏ hệ thống là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố.

Trong đó, có một số yếu tố có vai trò nổi bật hơn hẳn như:

  • Di truyền: người có tiền sử gia đình anh chị em ruột bị mắc lupus ban đỏ hệ thống thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường
  • Môi trường: do các tác nhân nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các loại hóa chất, ánh nắng mặt trời
  • Nội tiết: bệnh gặp chủ yếu ở giới nữ trong độ tuổi sinh sản... Ngoài ra, một số thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.
  Người có tiền sử gia đình bị mắc lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường

Người có tiền sử gia đình bị mắc lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường

2. Biểu hiện của lupus ban đỏ như thế nào?

Do là một bệnh hệ thống, lupus có biểu hiện hầu hết các cơ quan. Đồng thời, các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm.

  • Da: Đây là triệu chứng thường dễ nhận thấy nhất. Có đến 3/4 số bệnh nhân tự thấy các ban đỏ nổi bất thường trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus. Ngoài ra, thương tổn trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay... Các tổn thương này nhìn chung rất nhạy cảm với ánh nắng. Nếu tiến triển lâu dài, sang thương có thể bị teo đi ở phần giữa, do đó, còn gọi là “Hồng ban dạng đĩa”. Một số thương tổn có thể quá sản phì đại. Bên cạnh đó, tổn thương da do lupus còn có dạng các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.
  • Tim: bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Đôi khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây suy tim.
  • Phổi: Triệu chứng của viêm phổi, màng phổi cũng hay gặp và có thể suy hô hấp.
  • Khớp: Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp, làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại.
  • Máu: Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, niêm nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Thận: Viêm thận do lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Người bệnh đến khám có thể do tiểu đục, tiểu máu, phù toàn thân, tăng huyết áp. Xét nghiệm nước tiểu thấy bất thường và đôi khi có thể cần xác chẩn bằng sinh thiết thận.
  • Tâm thần kinh: Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài.

Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Các triệu chứng của lupus thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi xác chẩn được bệnh thì có thể đã chậm trễ vài năm.

  Biểu hiện của lupus ban đỏ thể hiện ở nhiều cơ quan

Biểu hiện của lupus ban đỏ thể hiện ở nhiều cơ quan

3. Những biến chứng của bệnh Lupus ban đỏ?

Bệnh lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Nếu bệnh không được điều trị kiểm soát bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương nặng nề ở hầu hết các cơ quan nội tạng theo các hệ cơ quan, tương xứng với các triệu chứng biểu hiện.

Tại tim: Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây viêm cơ tim, tràn dịch màng tim. Tình trạng kéo dài có thể gây suy tim mạn. Ngược lại, một số trường hợp diễn tiến tối cấp, viêm cơ tim cấp, gây suy tim cấp, người bệnh đột ngột tử vong do trụy mạch.

Tại phổi: Bệnh nhân có thể khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, viêm phổi.

Tại thận: Tổn thương lupus gây phá hủy cầu thận bằng các phản ứng viêm cầu thận, tiến triển đến suy thận.

Tại hệ thần kinh: Bệnh nhân có thể bị co giật, rối loạn tâm thần.

Tại hệ tạo máu: Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây thiếu máu, xuất huyết. Thiếu máu diễn tiến kéo dài cũng gây ảnh hưởng hoạt động các hệ cơ quan. Đồng thời, tình trạng xuất huyết lại làm nặng thêm vấn đề thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu gây xuất huyết trong não, chèn ép não.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng do điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn đảm bảo chức năng vốn dĩ của nó, cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân dễ rơi vào sốc và tử vong.

  Điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh

Điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh

4. Bệnh lupus ban đỏ có chữa được không?

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn, song có thể kiểm soát được bệnh nếu điều trị đúng cách. Trong đợt cấp của bệnh, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, đồng thời vẫn cần có một chế độ vận động hợp lý nhằm tránh tình trạng teo cơ, cứng khớp.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống gồm có:

  • Thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Nimesulide,... Các thuốc này có hiệu quả tốt với các triệu chứng ở cơ và khớp, tuy nhiên lại có tác dụng phụ là dễ gây viêm loét dạ dày tá tràng nên phải uống khi ăn no.
  • Thuốc corticosteroid có tác dụng chống viêm mạnh hơn, song cũng có nhiều tác dụng phụ hơn nhóm thuốc trên. Thuốc chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nặng, đã có tổn thương nội tạng. Các tác dụng phụ của thuốc thường gặp đó là: gây viêm loét dạ dày tá tràng, loãng xương, rạn da, tăng đường máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, ức chế tuyến thượng thận,... Vì vậy, thuốc được chỉ định uống một lần sau bữa sáng.
  • Thuốc chống sốt rét như Hydroxychloroquine, Chloroquine có tác dụng tốt với các tổn thương ở da và khớp.
  • Các loại thuốc ức chế miễn dịch như Cyclophosphamide (Endoxan), Azathioprine (Imuran), Cyclosporine (Sandimmun),... có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. Do đó chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân không đáp ứng với Corticosteroid đơn thuần.

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần chú ý:

  • Cần có một cuộc sống lành mạnh, tránh bị sang chấn tâm lý, năng vận động.
  • Cần tránh tối đa tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, bởi nó thường làm khởi phát hoặc làm nặng thêm các đợt cấp của bệnh.
  • Tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột, đặc biệt là các thuốc corticosteroid, bởi việc làm này cũng là nguyên nhân gây ra đợt cấp của bệnh.

Như vậy, bệnh lupus ban đỏ không thể điều trị khỏi hoàn toàn được, song nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể kiểm soát được bệnh. Đồng thời bệnh nhân cần có một lối sống lành mạnh, tránh các tác nhân từ môi trường để tránh bệnh tiến triển nặng hay dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt không được tự ý ngừng thuốc đột ngột khi không có chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm clip: Huyền thoại thể hình Mỹ phải bỏ chân vì bệnh lạ 

Ngọc Dung/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO