Báo Điện tử Gia đình Mới

Mỗi ngày bố 'phát lương' 50.000 đồng để mẹ nội trợ full-time và bài học để đời của tôi

Buổi sáng của gia đình tôi thường bắt đầu bằng tờ 50 nghìn. Trước khi đi làm, ba sẽ đặt tờ tiền ấy trên bàn để mẹ đi chợ mua đồ ăn cho một ngày, mẹ vẫn hay nói đùa đấy là 'phát lương'.

Nỗi cay đắng của một bà mẹ nội trợ 

20 tuổi, là cô sinh viên vừa bước vào năm 3 đại học, tôi tự hỏi mình có thể viết gì về tiêu dùng thông minh? Sách báo thường nói 7 năm đầu đời là 7 năm quan trọng nhất trong hành trình phát triển của một đứa trẻ. Người ở bên cạnh trẻ nhiều nhất trong khoảng thời gian ấy sẽ là người ảnh hưởng đến tính cách của đứa trẻ sau này.

Tôi nhớ cho đến tận năm tôi 10 tuổi, mẹ và tôi kề cạnh nhau như một đôi sam, mẹ là người tỉ mẩn chăm cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ và đưa đón tôi đi học. Có lẽ vì thế, mẹ trở thành người phụ nữ có sức ảnh hưởng lớn nhất trong đời tôi, thế nên tôi sẽ bắt đầu câu chuyện tiêu dùng của mình từ mẹ.

Ngày ấy tôi “bám” mẹ như hình với bóng, không rời mẹ nửa bước, vì vậy việc mẹ ở nhà làm nội trợ và dành toàn thời gian chăm sóc gia đình là điều mà tôi và ba đều thích. Buổi sáng của gia đình tôi thường bắt đầu bằng tờ 50 nghìn. Trước khi đi làm, ba sẽ đặt tờ tiền ấy trên bàn để mẹ đi chợ mua đồ ăn cho một ngày, mẹ vẫn hay nói đùa đấy là “phát lương”.

Lúc đó tôi chưa biết gì nhiều về tiền, tôi chỉ biết mỗi chiều đi học về mẹ luôn luôn mua cá viên chiên hoặc bánh tráng trộn trước cổng trường làm quà xế cho tôi sau một ngày đến lớp. Vừa có mẹ, vừa có quà, như thế cũng đủ khiến tôi vui lắm rồi và tôi chẳng thắc mắc gì thêm.

  Những bài học từ gia đình đã giúp tôi trưởng thành hơn vì phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn

Những bài học từ gia đình đã giúp tôi trưởng thành hơn vì phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn

Xen giữa khoảng thời gian “có vẻ” êm đềm là những lần gia đình tôi lục đục vì mẹ ngỏ ý muốn đi làm. Ba tôi có rất nhiều cách để ngăn chặn ý định này của mẹ. Nhẹ thì quát mắng, nặng hơn thì bát đũa xô nhau. Nói chung, ba tôi rất ghét việc mẹ đi làm còn mẹ thì ngược lại, mẹ luôn khát khao được đi làm và chỉ chờ tôi đủ cứng cáp là ý định này của mẹ lại được nhen nhóm.

Nhỏ nhẹ xin ba không thành, đã có lần mẹ đánh liều lén đi làm. Nhưng lần đó kết thúc bằng việc tôi bị sốt, ba cho rằng nguyên nhân là vì tôi không có mẹ cạnh bên, ba mắng mẹ thậm tệ và đó là lần cuối cùng tôi thấy mẹ nói về việc đi làm.

Đồng tiền xương máu

Cuộc sống gia đình tôi lật sang trang mới khi ba tôi đổi nghề, từ làm công ty, ba chuyển qua làm môi giới bất động sản. Ba có tài ăn nói và thương thuyết nên nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền. Cũng từ đây, ba không còn là ba nữa... Ba đi sớm về muộn, chi nhiều tiền vào ăn nhậu bạn bè, thậm chí ba còn đánh mẹ khi mẹ đang mang thai em tôi ở những tháng cuối.

Từ đó về sau, hai người sống chung nhà nhưng không còn chung một mái ấm. Sau khi sinh em, mẹ vừa một nách hai con vừa cáng đáng tài chính gia đình bằng công việc bán vé máy bay tại nhà và nhận may gia công.

Suốt quãng thời gian nội trợ trước đó, dù số tiền ba tôi phát mỗi ngày rất sát, thế nhưng bằng cách nào đó mẹ vừa lo được cho gia đình ổn thỏa và vừa dành dụm được một khoản “quỹ đen” để gửi về ông bà, để phòng thân khi có bất trắc. Cũng nhờ vậy vào những năm tháng đầu tự lập kinh tế, mẹ vẫn đủ tiền nuôi chị em tôi ăn học.

  Mẹ nhận đồ về may tại nhà. Đằng sau mẹ là khung quảng cáo các hãng máy bay.

Mẹ nhận đồ về may tại nhà. Đằng sau mẹ là khung quảng cáo các hãng máy bay.

Ba tôi vốn nghiêm khắc, rắn rỏi nên từ bé tôi đã rất sợ ba và không gần gũi với ba. Vào những năm tháng tôi học cấp 2, khi ba và mẹ ly thân, tôi càng bối rối và tránh tiếp xúc với ba nhiều hơn. Vì chưa ly dị và còn ở chung nhà nên ba vẫn chu cấp một khoản tiền để phụ duy trì cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên giữa ba và mẹ không có sự giao tiếp rõ ràng về việc chu cấp học phí cho các con nên tôi rơi vào tình trạng làm “bao cát” ở giữa, người đẩy qua, người đẩy lại. Tôi rất sợ những lần phải đối diện với ba để xin tiền học, tuy nhiên tôi vẫn phải làm vậy để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mẹ.

Sau 5 năm dài đằng đẵng sống trong bầu không khí căng thẳng đến nghẹn tim, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, ba mẹ tôi chính thức ly dị khi tôi sắp kết thúc lớp 9, chuẩn bị thi vào cấp 3.

Tôi không thấy buồn, thậm chí còn thấy nhẹ nhõm vì đó là sự giải thoát mà tôi hằng mong. Tôi và em sống cùng mẹ, ba không chu cấp nhưng lâu lâu có ghé thăm và cho chị em tôi ít tiền. Nhưng rồi ba cũng không duy trì được lâu vì mối quan hệ ba con vốn đã xa cách, từ đó về sau hình ảnh ba xa dần khỏi cuộc sống của chị em tôi. Đến hiện tại ba đã có gia đình mới và không còn giữ liên lạc.

Trong chính sự chia ly của gia đình, tôi đối diện với nhiều nỗi sợ mà những đứa trẻ bằng tuổi hiếm phải trải qua: “Mình chỉ còn mẹ và em gái là người thân thực sự, mình phải làm gì nếu mẹ đi bước nữa và không chăm lo cho hai chị em?”, “Nếu mẹ có mệnh hệ gì, mình và em gái phải làm sao đây?”.

  Tôi năm lớp 11, đang đi bán bookmark ở đường sách cho hoạt động gây quỹ của một tổ chức phi lợi nhuận.

Tôi năm lớp 11, đang đi bán bookmark ở đường sách cho hoạt động gây quỹ của một tổ chức phi lợi nhuận.

Tôi giấu kín những nỗi sợ đó trong lòng và biến nó thành động lực để học thật tốt. May mắn thay trong suốt những năm tháng đi học, tôi luôn nằm trong danh sách học sinh xuất sắc của lớp. Việc học tốt giúp tôi được đại diện thi nhiều cuộc thi, gặp gỡ nhiều người, thấy nhiều cuộc đời, cho mẹ con tôi một vài khoảnh khắc tự hào, và giúp mẹ con tôi “mạnh dạn” hy vọng vào tương lai.

Trái ngược với những gì tôi lo sợ, mẹ luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho chị em tôi. Biết tôi ham học, học giỏi và có nhiều năng khiếu, tài lẻ, mẹ không ngần ngại chi tiền cho tôi đi học. Có thời điểm gia đình tôi chẳng dư dả, đến bữa ăn còn phải dè xẻn, vậy mà khi tôi ngỏ lời xin tiền đi học nhảy, mẹ cho ngay chẳng chút đắn đo. Giây phút ấy giúp tôi sớm nhận ra tiền là thứ thực sự quan trọng nhưng tình thân, tình yêu là điều thậm chí còn thiêng liêng và đẹp đẽ hơn thế rất nhiều.

Dù có nhiều tiền hay ít tiền, điều đó không nên là lý do để chúng ta đánh mất bản thân và những mối quan hệ đáng quý không đong đo được bằng hiện kim. Điều này làm tôi nhớ đến những xiên cá viên chiên ngày bé, giờ tôi mới biết khi ấy mẹ cũng chẳng dễ dàng gì quán xuyến gia đình với tờ 50 nghìn, rồi tôi nhớ đến việc ba đã kiếm được nhiều tiền nhưng rồi vì sử dụng sai cách nên đã đánh đổi hạnh phúc gia đình. Đó là những bài học “trực quan” đầu đời của tôi về tài chính.

Thế rồi tôi lựa chọn làm khác đi với số tiền tuần mẹ phát, bắt đầu từ năm tôi vào lớp 10. Tôi quyết tâm luyện thói quen không tiêu xài cảm tính, trước khi mua gì đó, tôi đắn đo rất kỹ rồi mới mua chứ không mua vì thích nhưng sau đó lại không dùng đến. Mẹ là một người phụ nữ biết nhìn xa trông rộng, biết nghĩ đến chuyện phòng thân, luôn muốn tự chủ tài chính và biết chắt chiu dành dụm. Được ở gần mẹ từ bé nên tôi cũng thừa hưởng những đức tính đó của mẹ.

Bước vào 1 thế giới khác

Lớp 10 cũng là lúc tôi nung nấu ước mơ được thấy một thế giới khác, tôi muốn bước ra khỏi môi trường mình sống để trải nghiệm nhiều điều mới mẻ ngoài kia. Thế rồi tôi dành dụm tiền để mỗi cuối tuần đi xe bus từ Bình Dương đến Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các hoạt động ngoại khóa, dạy học tình nguyện, dự án cộng đồng,...- vốn là những hoạt động mà Bình Dương chưa có. 

Những cột mốc “đổi đời” lần lượt đến với tôi, hè chuẩn bị vào lớp 11, tôi trở thành 1 trong 40 học sinh Việt Nam vinh dự nhận học bổng trị giá 65 triệu đồng của Đại học Fulbright Việt Nam kết hợp với trung tâm Everest Education tổ chức. Chương trình chi trả phí ăn ở, di chuyển, học tập trong 1 tháng trải nghiệm giáo dục khai phóng thông qua việc học tiếng Anh và kỹ năng mềm ở quận 7 và 1 tháng học tập online tại nhà.

Giữa lớp 11, tôi được giải nhóm Ấn tượng trong cuộc thi hùng biện Tiếng Anh “I draw my future” (Tôi sẽ tương lai tôi). Cuối lớp 11, tôi được giải Nhất nhóm trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp hạng mục Phục vụ cộngđồng. Tất cả số tiền thưởng nhận được, tôi dùng để tham gia các hoạt động ngoại khóa và chi trả cho các chuyến thực địa, cũng có khi tôi tự đáp ứng nhu cầu cá nhân tuổi mới lớn như mỹ phẩm, quần áo,...

  Mẹ đang sấy tóc cho bà.

Mẹ đang sấy tóc cho bà.

Trên đà học và phát triển, tôi đậu nguyện vọng 1, trở thành sinh viên khoa Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cơ sở quận 1. Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên xa nhà và tự lập từ đây. Từ Bình Dương, tôi dọn vào ở thành phố Hồ Chí Minh để tiện đi học, đi làm và tham gia các hoạt động xã hội.

Trước khi tôi tìm chỗ ở, mẹ nói: “Mỗi tháng mẹ có thể chu cấp cho con 4 triệu, con tự tính toán và xoay sở với số tiền đó nhé”. Chi phí nhà ở, sinh hoạt ở trung tâm luôn đắt đỏ. Ban đầu tôi khá lo lắng không biết liệu mình có thể duy trì chất lượng cuộc sống với số tiền đó không. Tuy nhiên, tôi biết rõ sức khỏe, năng suất làm việc và học tập của tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu tôi sống trong căn phòng ẩm thấp, không có ánh nắng mặt trời, chỗ nấu ăn và chỗ ngủ đặt cạnh nhau, mùi đồ ăn bám vào áo quần và chăn gối. Thế rồi tôi quyết tâm tìm cho được chỗ ở vừa túi tiền sinh viên nhưng vẫn phải đảm bảo không gian sống và sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Năm 1, tôi tìm được nhà nguyên căn 1 trệt 2 lầu có 3 phòng ngủ với giá 8 triệu trong hẻm sâu ở quận Bình Thạnh, tôi rủ thêm 5 bạn ở cùng, chia ra mỗi người chỉ mất khoảng 1,3 triệu/tháng. 18 tuổi, tôi tự mình tìm hiểu và đi xem nhà nhiều đến mức hiểu rõ giá mặt bằng chung và mạnh dạn trả giá thuê, chị chủ nhà cũ thậm chí còn hỏi tôi “Em là cò đất hay sao mà rành giá vậy?”.

Lên năm 2, tôi “lùng sục” được một căn chung cư 2 phòng ngủ giá 8 triệu cũng ở Bình Thạnh nhưng gần về phía quận 1 hơn, tôi và 4 người bạn ở cùng nhau, tiền nhà mỗi người chỉ tốn 1,6 triệu/tháng. Quan trọng là mình hiểu rõ nhu cầu về nơi ở, phong cách sinh hoạt, khả năng chi trả của bản thân và kiên trì đến cùng với tiêu chuẩn sống, như thế mình có thể vượt qua được những khó khăn trong lúc tìm nhà, tìm bạn.

Sau khi trừ hết những chi phí cố định hàng tháng, số tiền còn lại tôi chi trả cho việc ăn uống, xăng xe, mỹ phẩm, sở thích, sách vở, khám phá đây đó, dẫn em đi nhà sách,... Chỉ biết tính toán và tiết kiệm thôi là không đủ, nên bên cạnh nộp đơn cho các quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên, tôi cũng đi làm thêm ngay từ năm nhất để có thêm kinh nghiệm lẫn thu nhập.

Tôi đã từng làm nhiều công việc cả ngắn và dài, chính chuyên lẫn không chuyên như: nhận show đi nhảy múa, dạy đàn ukulele, dạy tiếng anh giao tiếp, làm trợ giảng, viết bài truyền thông, chạy sự kiện, làm mẫu ảnh,...

Kiếm tiền để nghĩ đến những thứ lớn lao ngoài tiền 

Tôi vô cùng biết ơn cuộc sống hiện tại của mình, bản thân tự nỗ lực là một phần quan trọng, thế nhưng quan trọng hơn là tôi luôn có những người thân yêu hỗ trợ ở phía sau. Tôi ý thức sâu sắc rằng mỗi đồng tiền mình thu vào, chi ra không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của mình, mà còn là tình yêu thương, là mồ hôi công sức của những người thầm lặng cho mình cuộc sống thoải mái nhất.

Tôi cần phải tiêu dùng thật thông minh và xác đáng. Từ một năm trước, tôi tìm tòi học hỏi về tài chính cá nhân và bắt tay vào xây dựng hệ thống tài chính cá nhân bằng việc lập bảng “Thu chi” để vẽ nên bức tranh tổng thể về tình trạng tài chính. Việc hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng của bản thân đã giúp tôi bớt sợ những nỗi sợ mông lung tuổi 20.

Tôi nhìn số liệu trung bình để biết mỗi tháng mình cần tối thiểu bao nhiêu tiền để có thể sống ổn ở Sài Gòn, sau đó tự hỏi với khả năng hiện tại mình đã kiếm được số tiền đó chưa, nếu chưa thì cần bồi đắp gì thêm? Nếu muốn đóng góp cho gia đình thì mức lương cần tăng lên bao nhiêu mới đủ? Khi đặt được những câu hỏi như vậy, tôi đỡ “lạc lối” trên con đường phát triển bản thân.

  Tôi sẽ sống một cuộc sống khác

Tôi sẽ sống một cuộc sống khác

Tôi cũng bắt đầu tích lũy cho những dự định chi tiêu lớn và “tập tành” đầu tư dài hạn an toàn, bỏ tiền vào hệ thống cho tiền tự sinh sôi rồi quên nó đi để tập trung sống cuộc sống hiện tại và trau dồi bản thân. Kiếm tiền là chuyện quan trọng, nhưng chúng ta vẫn còn cả một cuộc đời bên ngoài đồng tiền để sống và còn nhiều người thân yêu cần được ta quan tâm.

Hiện tại, tôi ưu tiên đóng góp cho gia đình những giá trị tinh thần và những trải nghiệm bền vững. Thay vì thường xuyên dẫn em đi xem phim ở rạp, tôi giới thiệu cho em những bộ phim miễn phí trên mạng và dành số tiền đó để đăng kí cho em học vẽ vì em có năng khiếu hội họa. Tôi chỉ dẫn em ra rạp với những bộ phim thực sự xứng đáng. Tôi đăng kí cho mẹ những workshop miễn phí về nuôi dạy con để mẹ tham gia và có thêm kiến thức dạy em.

Tôi luôn cố gắng dành thời gian cuối tuần để mang về nhà những “tinh hoa” thu nhặt được trong quá trình phát triển, tôi nói chuyện với em về định hướng tương lai, về cách tự bảo vệ bản thân, về cách nhận diện cảm xúc và hòa giải với bạn bè,... Tôi cũng hay chở em lên Sài Gòn để em tiếp xúc với bạn bè và môi trường học tập của tôi, cho em xem Landmark 81, xem cầu Ánh Sao, để em có ý niệm về thế giới bên ngoài, dạn dĩ hơn và dám ước mơ.

Trong tương lai, tôi hy vọng mình sớm đủ khả năng để đóng góp tài chính cho gia đình. Khi ấy mẹ có thể “nghỉ hưu” sớm hơn, tức mẹ có thể chọn làm công việc mà mẹ thích mà không cần suy nghĩ quá nhiều về tiền, đó là nhận may đo tại gia cho khách hàng chứ không phải làm thợ may công nghiệp ở xưởng như bây giờ. Khi ấy, mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bà ngoại. Tôi không biết liệu bà còn có thể chờ con cháu trong bao lâu...

Dù chưa biết bao giờ tôi sẽ lập gia đình, thế nhưng tôi đã “tranh thủ” nghĩ dần về những điều tôi muốn có trong gia đình nhỏ ở tương lai. Tiêu dùng thông minh và có hệ thống tài chính cá nhân vững chắc thực sự liên quan mật thiết đến hạnh phúc gia đình.

Nó không chỉ là cách ta kiếm tiền, dùng tiền, mà nó còn là khả năng chăm sóc cho bản thân và những người thân yêu, là sự thảnh thơi trong tâm trí để nghĩ đến những điều tốt đẹp khác ngoài tiền, là sự minh bạch và đồng lòng giữa vợ và chồng, là tư duy cởi mở, sẵn sàng đối thoại với nhau về những bất trắc có thể có.

Và tôi mong sẽ không còn đứa trẻ nào vô tình trở thành “bao cát” đứng giữa cha mẹ như tôi ngày xưa chỉ vì cha mẹ đã không biết cách đối thoại với nhau về tài chính.

Người dự thi: Kim Anh (20 tuổi, TP. HCM)

Mỗi ngày bố 'phát lương' 50.000 đồng để mẹ nội trợ full-time và bài học để đời của tôi 5

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO