Báo Điện tử Gia đình Mới

Người bị bệnh ung thư cần gì?

Với người bệnh, trước tiên họ cần vật chất. Đó là điều thiết thực để chúng tôi vượt qua bệnh tật. Những hoàn cảnh ngặt nghèo thì lại càng cần.

  Chị Đồng Thị Luyện (Facebook là Trần Đồng)

Chị Đồng Thị Luyện (Facebook là Trần Đồng)

Thực hiện ước mơ hồng cho cô bé 16 tuổi 

Là người bệnh ung thư, chị Đồng Thị Luyện (Facebook là Trần Đồng) vẫn cố gắng làm điều ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình và người đồng bệnh. Chị chính là người đã viết Tâm thư của cộng đồng ung thư gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gây xôn xao cộng đồng vào tháng 8/2017. 

Chị chính là người động viên tinh thần và cùng với nhiều người trong cộng đồng có hành động thiết thực để giúp đỡ người bệnh ung thư. 

Trong suốt những năm qua, chị Luyện có cơ hội tiếp xúc và đồng hành với nhiều bệnh nhi ung thư. 

“Khi nhìn thấy các bé bị ung thư, tôi thấy xót xa vô cùng. Nhiều bé còn nhỏ quá, còn chưa biết ung thư là gì…”, chị Luyện thổ lộ. 

Trong các cuộc gặp gỡ, chị Luyện hay hỏi về ước mơ của các bệnh nhi ung thư.

Chị cho biết: “Hầu hết các con chưa hiểu được hoàn cảnh gia đình mình. Các con không quan tâm tới việc có tiền hay không. Chúng chỉ có ước mơ đơn thuần rất con trẻ. Có bé gái ước có búp bê, bộ đồ chơi… hay có những cậu bé ước có thể đứng dậy đi chơi sở thú… Hay nhiều bé chỉ ước con có một chiếc khăn để đội đầu, che đi đầu trộc lốc…” 

Chị Luyện kể, trong một lần “lang thang” facebook, chị vô tình nhìn thấy tấm hình một cô gái mặc áo dài hồng rất đẹp cùng dòng trạng thái “Ước gì mình cũng 1 lần được mặc bộ áo dài này!”

  Chị Trần Đông bên bệnh nhi ung thư

Chị Trần Đông bên bệnh nhi ung thư

Linh cảm, chị vào trang cá nhân của cô bé đăng trạng thái đó. Chị biết cô bé 16 tuổi ấy đang phải trải qua nỗi đau ung thư đã di căn xương.

- Sao con ước mặc áo dài. Bác tặng con bộ áo dài nhé!

- Ôi thế thì con mừng quá. Nhưng con chẳng mặc được áo dài đâu vì chân con xấu lắm.

- Không! Cô thấy con đẹp lắm! 

Ngay lập tức, chị ra chợ, dùng số tiền còn lại của mình, mua 2 mảnh vải gấm may áo dài, trong đó có 1 mảnh màu hồng. Chị đăng lời kêu gọi mọi người cùng chung tay để thực hiện ước mơ của cô bé ấy. 

“Ở bệnh viện, bé phải ngồi xe lăn, về nhà bé nằm giường. Kỳ lạ, bé không ước mình có chiếc xe lăn mà lại ước mình được mặc áo dài hồng”, chị Luyện kể. 

Nhờ sự giúp đỡ của chị Luyện và nhiều người khác, cuối cùng, 2 bộ áo dài và chiếc xe lăn cùng đến tay cô bé tuổi trăng rằm ấy. 

“Bác ơi con vui lắm con cám ơn bác nhưng con đau lắm!”, cô bé tâm sự với chị Luyện và gửi tấm ảnh mặc áo dài mới trong tư thế dựa toàn bộ thân thể vào tường.

Người bị bệnh ung thư cần gì? 2

Tuổi 16 là tuổi bước chân vào cấp 3, ai cũng sở hữu bộ áo dài. Đó là điều hoàn toàn bình thường với đứa trẻ khoẻ mạnh. Nhưng với cô bé này thì lại là một điều xa xỉ, khi nhà vừa nghèo lại còn bị bệnh ung thư. 

“Tôi mới hiểu ra, bộ áo dài với người này là giản đơn nhưng với cô bé 16 tuổi phải nghỉ học ở nhà, đang mang trong mình căn bệnh ung thư đã di căn xương thì lại là cả ước ao lớn lao”, chị Luyện chia sẻ. 

Xuất phát từ sự thấu hiểu hoàn cảnh của cô bé ấy, chị Luyện đã ngay lập tức thực hiện ước mơ cho cô bé. Bởi chị đã từng trải qua cảm giác ước ao có bộ quần áo để mặc, trải qua nỗi đau do bệnh tật đem lại… nên chị thấu hiếu những điều cô bé ấy phải trả qua. 

“Ai trải qua những điều đó thì mới thấu hiểu được chứ nếu chưa trải qua nỗi đau đó, nghe tâm sự, cảm thông và muốn chia sẻ nhưng đó không phải là sự thấu hiểu, không hiểu được nỗi đau do ung thư mang lại như thế nào”, chị Luyện thổ lộ. 

Người bị bệnh ung thư cần gì? 3

'Người bệnh ung thư cần vật chất trước tiên'

Trong suốt quá trình điều trị ung thư, chị Đồng Thị Luyện (Facebook là Trần Đồng) nhận được nhiều sự chia sẻ từ phía cộng đồng. Điều đó tạo cho chị và những người đồng bệnh một sức mạnh tinh thần to lớn. 

Tuy nhiên, với chị Luyện, “Với người bệnh, trước tiên họ cần vật chất. Đó là điều thiết thực để chúng tôi vượt qua bệnh tật. Những hoàn cảnh ngặt nghèo thì lại càng cần. 

Tinh thần bao gồm nhiều thứ, không chỉ xuất phát từ sự động viên mà nó còn là những điều thiết thực hơn. Nếu chỉ là sự động viên suông thì không có ý nghĩa nhiều với người có hoàn cảnh khó khăn. Với những người bệnh nặng, có động viên cỡ nào thì cũng không qua khỏi được”, chị Luyện chia sẻ. 

Chị Luyện đánh giá tinh thần chiếm tới cỡ 70% chiến thắng bệnh tật. 

"Nếu bị suy kiệt về tinh thần thì dù có bao nhiêu tiền thì người bệnh cũng không thể qua khỏi", chị Luyện cho hay. 

Chị từng chia sẻ, chúng tôi chỉ lo sợ, mất niềm tin và tuyệt vọng với căn bệnh của mình. Khi cơ thể suy yếu và các tế bào được thể tấn công nhanh.

Chúng tôi chỉ biết động viên nhau và cố gắng truyền ngọn lửa niềm tin cho các bệnh nhân không còn tìm được lối thoát trong đường hầm tối om.

Và thật là diệu kỳ khi liệu pháp tinh thần đã giúp chúng tôi vượt qua thử thách khắc nghiệt mà ông trời muốn thử.

Có những bệnh nhân hoang mang, tuyệt vọng, mất tinh thần nghĩ rằng mình sẽ chết khi phát hiện ung thư giai đoạn 2 và chỉ trong vòng hơn 1 tháng xét nghiệm lại thì nó tăng cấp lên giai đoạn 4.

Lúc bình tĩnh lại và nhìn thấy trong cộng đồng có thêm nhiều "đồng bệnh" cùng chia sẻ, động viên và có những buổi họp mặt vui vẻ, mang tới cho nhau lời ca tiếng hát, át nỗi đau nên bệnh nhân đó có thêm nghị lực chiến đấu.

Người bị bệnh ung thư cần gì? 4
Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO