Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh nhân xếp hàng dài khám bệnh: Quá tải đến từng ghế đá, hành lang

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thông thường, mỗi một người dân sẽ mất 48,5 phút chờ khám bệnh. Thế nhưng, nó không dừng lại ở riêng một bệnh nhân mà kéo theo 1 - 2 người nhà đi kèm, điều đó gây ra một sự lãng phí thời gian vô cùng lớn.

Cộng với đó, việc chờ đợi tạo ra sức ép vô hình, gây áp lực cho nhân viên y tế về quá tải. Chưa kể, hàng loạt các hệ quả không mong muốn như mất vệ sinh môi trường, quá tải nhà vệ sinh, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này, đó là câu chuyện mà ngành y đang quyết liệt giải quyết suốt 5 năm qua nhưng mới chỉ giảm được một phần câu chuyện. Giữa xu thế thời đại 4.0, phải chăng, ngành y đã đến lúc phải thay đổi, chuyển mình bằng những ứng dụng tiện ích?

Kỳ 1: Người dân nhịn ăn, mất đứt một ngày chỉ để khám bệnh!

Với những người bệnh ở xa lên tuyến trên khám bệnh đều phải nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 - 6 giờ sáng, đến 8 - 9 giờ mới được vào khám.

Sau đó phải đi đến tất cả các phòng chức năng để làm xét nghiệm sinh hoá, siêu âm, chụp chiếu… rồi chờ đến chiều lấy kết qủa, quay về bác sĩ kê đơn, lấy hoặc mua thuốc. Thế là mất đứt một ngày” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Hình ảnh rất đông bệnh nhân chờ khám bệnh tại một bệnh viện tuyến cuối (ảnh chụp lúc 5h30 phút, sáng 20/5)

Hình ảnh rất đông bệnh nhân chờ khám bệnh tại một bệnh viện tuyến cuối (ảnh chụp lúc 5h30 phút, sáng 20/5)

2/3 thời gian người dân đến bệnh viện để chờ đợi

Con bị tiêu chảy dài ngày không rõ nguyên nhân, anh Nguyễn Mạnh Hà (Vũ Thư, Thái Bình) cùng vợ tay xách nách mang đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Vì công việc bận rộn, xin nghỉ phép dài ngày cũng khó, anh chị tranh thủ đưa con đi khám từ sáng sớm để chiều kịp về nhà nghỉ ngơi.

“Năm giờ sáng, bến xe có chuyến đầu đi lên Hà Nội, con ngái ngủ nhưng vợ chồng cũng cố bế đi để tìm ra bệnh. Cả nhà lên đến nơi cũng gần 7 giờ. Rồi xếp số, chờ đợi mãi, gần 2 tiếng mới được bác sĩ gọi đến lượt. Vào đến nơi, bác sĩ hỏi han, chỉ định xét nghiệm phân chưa đầy 15 phút… Loanh quanh một hồi cũng giữa trưa, cả nhà tôi lại đợi lấy kết quả và kết luận bệnh.

Tưởng nhẹ nhàng nhưng mất cả một ngày chật vật, sáng không kịp ăn, trưa ăn vội cơm bụi, chắc chiều muộn chúng tôi mới tất tả về đến nhà” - anh Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

Với những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức… hình ảnh người dân xếp hàng dài từ tờ mờ là chuyện quá quen thuộc. Sự quá tải đã khắc hoạ lên hình ảnh vật vạ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ngay trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm hiện tại, dù đã quá trưa, ghế đá, hành lang, gầm cầu thang bệnh viện cũng tràn ngập người nằm ngồi.

Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế năm 2017, mỗi bệnh nhân khám lâm sàng đơn thuần mất 66 phút thì 45 phút dành cho chờ đợi, khám lâm sàng có làm thêm một kỹ thuật xét nghiệm khoảng 126 phút thì bệnh nhân phải bỏ 57 phút chờ đợi, hay như khám lâm sàng có làm thêm 2 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình hoặc hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng mất gần 200 phút/lần thì có đến 71,4 phút chờ đợi. 

Như vậy, kết quả khảo sát cho thấy, quá 2/3 thời gian, người dân phải dành để chờ đợi khám bệnh. Còn trên thực tế, con số chờ đợi dài hơn rất nhiều lần.

Thủ tục rườm rà, lắt léo

Vác bụng bầu 8 tháng, chị Hoàng Ngọc Quỳnh (Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng) đi làm xét nghiệm đường huyết tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương để làm hồ sơ sinh. Chị cho biết, nghe theo bác sĩ tư vấn, chị nhịn ăn từ 20 giờ tối hôm trước. 

“Để có kết quả sớm mà không phải chờ đợi, tôi lên từ sáng sớm. Vì trước đó đã theo bác sĩ bên ngoài nên tôi chỉ cần vào viện làm xét nghiệm. Ngồi lấy số, đợi đến lượt, nộp tiền rồi đến thẳng phòng lấy mẫu xét nghiệm luôn, bỏ qua bước khám mà cũng mất gần 4 giờ đồng hồ để làm thủ tục”, chị Quỳnh chia sẻ.

Tại các bệnh viện phụ sản, để làm thủ tục xét nghiệm sinh hoá, hầu hết sản phụ phải bỏ ra khoảng vài giờ đồng hồ chỉ xong một công đoạn.

Hình ảnh

Hình ảnh "kinh hoàng" của không chỉ bệnh nhân và của những nhân viên y tế - người nhà chờ khám.

Cũng tương tự những sản phụ trên, những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính phải làm các xét nghiệm sinh hoá, thăm dò chức năng… thường là các đối tượng phải “lòng vòng” rất nhiều. 

Ngay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thừa nhận: “Với những người bệnh ở xa lên tuyến trên khám bệnh đều phải nhịn ăn sáng, xếp hàng lấy số từ 5 - 6 giờ sáng, đến 8 - 9 giờ mới được vào khám. 

Sau đó phải đi đến tất cả các phòng chức năng để làm xét nghiệm sinh hoá, siêu âm, chụp chiếu… rồi chờ đến chiều lấy kết qủa, quay về bác sĩ kê đơn, lấy hoặc mua thuốc. Thế là mất đứt một ngày!.

Đặc biệt những người mắc bệnh mạn tính nhẽ ra chỉ cần khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở, nhưng vẫn để họ lên tuyến Trung ương, khiến họ phải chờ đợi mất quá nhiều thời gian. Chưa kể, khâu đóng tiền viện là lâu nhất”.

Nhiều bệnh viện, nhân viên y tế còn nặng các thủ tục hành chính, con dấu, giấy tờ… Từ đó, kéo theo hàng loạt vấn đề như bệnh nhân phải mệt mỏi với hàng đống tài liệu, y bạ, thủ tục lê thê… Và để nhanh đến lượt, thủ tục được “bôi trơn” buộc bệnh nhân phải đưa ra “phong bì lót tay”.

Những hình ảnh vật vờ chờ khám không chỉ gây lãng phí thời gian, sức khoẻ cho bệnh nhân, nhân viên y tế mà nó còn là cơ hội phát sinh những tiêu cực trong ngành blouse trắng xuất hiện.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO