Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ

Chàng trai 36 tuổi Nelson Dellis đã 4 lần vô địch giải vô địch ghi nhớ Mỹ. Dưới đây là 3 bí quyết của Dellis để cải thiện trí nhớ và tư duy minh mẫn.

  Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ

Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ

Năm 2009, bà của Nelson Dellis qua đời vì căn bệnh Alzheimer. Sự ra đi của bà đã tạo động lực để anh tìm cách duy trì sức khỏe bộ não và sự minh mẫn.

"Trước đây tôi là học sinh giỏi nhưng trí nhớ chỉ ở mức bình thường" - Dellis chia sẻ.

  Nelson Dellis tại giải vô địch ghi nhớ Mỹ

Nelson Dellis tại giải vô địch ghi nhớ Mỹ

Sau đó Dellis đã tìm kiếm các phương pháp cải thiện trí nhớ trên mạng, tham gia một vài diễn đàn với những vận động viên ghi nhớ chuyên nghiệp để trao đổi về các phương pháp, kỹ thuật ghi nhớ khác nhau, nghe sách nói của Dominic O'Brien - người 7 lần vô địch ghi nhớ thế giới.

Qua những lần thử nghiệm và thất bại, cuối cùng Dellis đã tìm ra phương pháp hữu hiệu dành cho mình.

Hiện tại Dellis là tác giả cuốn sách "Remember It" và 4 lần chiến thắng giải vô địch ghi nhớ Mỹ, đồng thời là huấn luyện viên ghi nhớ tại Miami, Florida.

Mỗi giờ dạy của anh có giá lên tới 250 USD (gần 5,8 triệu đồng).

Dưới đây là 3 mẹo cải thiện trí nhớ và tư duy minh mẫn của Dellis.

1. Không lên mạng

Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ 2

Dellis cho biết những mẹo ghi nhớ đơn giản nhất anh học được những năm qua là dành thời gian hoàn toàn ngắt kết nối với các thiết bị điện tử - bao gồm cả smartphone - trong vòng ít nhât 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.

"Bộ não của bạn là một bộ xử lý. Nếu não không tập trung để tiếp nhận thông tin thì làm sao bạn có thể bắt nó ghi nhớ được thông tin?" - Dellis chia sẻ.

Bạn sẽ ngạc nhiên về sức mạnh bộ nhớ của chính mình nếu bạn cố gắng và tập trung.

Nghiên cứu năm 2017 từ ĐH Texas, Austin, Mỹ cũng cho thấy sự hiện diện của smartphone làm ảnh hưởng chức năng nhận thức, khả năng lưu trữ và xử lý dữ liệu của bộ não con người.

2. Tư duy bằng hình ảnh

Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ 3

"Mục tiêu của tôi mỗi khi ghi nhớ điều gì là biến nó thành một hình ảnh tưởng tượng trong đầu" - Dellis nói. 

Với mỗi dữ kiện bạn muốn ghi nhớ, hãy sử dụng càng nhiều giác quan cảng tốt, từ cảm giác, âm thanh, hình ảnh để khiến nó "có ý nghĩa" đối với bạn.

Vì sao nên làm vậy? Đó là bởi việc ghi nhớ một hình ảnh quen thuộc với bạn sẽ dễ dàng hơn là những từ ngữ liên quan đến một khái niệm mới và khó.

Dellis lấy ví dụ anh ghi nhớ tên loại rau ngò tây (chervil) khi đi mua sắm bằng cách này:

"Hầu hết mọi người không biết loại rau đó là gì. Vậy nên tôi sẽ tách từ đó ra theo cách đọc từng âm tiết, như "sure-vill". Vậy hình ảnh có ý nghĩa với tôi có thể là: tôi nói "chắc chắn rồi" (sure) với một kẻ phản diện ('vill'ain).

Bối cảnh càng mở rộng thì càng tốt, có thể tôi đang đồng ý với kẻ phản diện đó, vì nếu tôi không làm thế thì hắn sẽ lấy hết rau ngò tây (chervil) trên thế giới đi, bí mật cho vào mọi món ăn và làm hỏng mọi mỹ thực trên thế giới" - Dellis mô tả.

Anh nhấn mạnh, hình ảnh bạn tưởng tượng ra càng kỳ quặc, càng kỳ dị, càng lạ lùng thì càng tốt.

Để thực hành phương pháp này, Dellis gợi ý khi bạn gặp ai đó lần đầu tiên, hãy biến tên người đó thành một hình ảnh tưởng tượng, như cách anh làm với loại rau ngò tây.

"Bạn sẽ dễ dàng nhớ tên người đó hơn, đồng thời huấn luyện cho bộ não cách tư duy bằng hình ảnh tốt và nhanh hơn."

3. Khám phá "cung điện ký ức"

Nhà vô địch ghi nhớ Nelson Dellis: 3 điều bạn nên làm mỗi ngày để tăng cường trí nhớ 4

Khi bạn tư duy bằng hình ảnh, bạn cần một nơi để lưu trữ những hình ảnh này.

Dellis cho biết, hầu hết các vận động viên ghi nhớ chuyên nghiệp sẽ sử dụng một kỹ thuật có tên gọi là "cung điện ký ức".

Kỹ thuật này có từ thời cổ đại, trong đó bạn cần ghi nhớ các dữ kiện dựa trên các cột mốc.

Theo Dellis, một cung điện ký ức hoạt động như sau: Tưởng tượng ra một nơi quen thuộc (như nhà ở, căn hộ, văn phòng,...) rồi tưởng tượng lối đi trong đó.

Để lưu trữ các hình ảnh, hãy tưởng tượng và gắn từng hình ảnh vào một cột mốc cụ thể trên lối đi. 

Sau đó, khi bạn muốn nhớ lại thông tin, tất cả những gì bạn cần làm là nghĩ đến cung điện ký ức của bạn, quay lại đó và nhặt nhạnh những hình ảnh bạn đã gắn ở đó.

Kỹ thuật này nghe có vẻ điên rồ nhưng hiệu quả. Nó cho phép các vận động viên ghi nhớ có thể nhớ được hàng ngàn thông tin khác nhau, theo Dellis cho hay.

"Đây là một cách hiệu quả để kết nối các ký ức vì nó sử dụng nhiều khu vực trong bộ não để ghi nhớ (hình ảnh, cảm xúc, ngôn ngữ, tưởng tượng) hơn là chỉ ghi nhớ như một ký ức ngắn hạn.

Để thực hành kỹ thuật này, Dellis gợi ý bạn nên chọn ba địa điểm quen thuộc, trên lối đi ở mỗi địa điểm lại chọn ra 10 cột mốc. 

Bắt đầu tập ghi nhớ dữ kiện vào cung điện ký ức với những danh sách việc cần làm trong ngày hoặc danh sách những món đồ cần mua khi đi mua sắm.

Bài liên quan: 5 bước xây dựng 'cung điện ký ức' - phương pháp ghi nhớ của Sherlock Holmes

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO